Giáo dục

Nhân lực công nghệ chất lượng cao: Cầu luôn vượt cung

Lâm An 27/11/2023 10:17

Nhu cầu nhân lực công nghệ cao lúc nào cũng vượt cung đặt ra yêu cầu việc phát triển số lượng, nâng cao chất lượng.

anh-bai-chinh.jpg
Đào tạo nhân lực công nghệ cao phải gắn với nhiệm vụ ứng dụng phát triển công nghệ cao. Ảnh: ĐH Đà Nẵng.

Khó khăn trong đào tạo

Thực tế tuyển dụng cho thấy, những nhân sự là chuyên gia trong lĩnh vực của mình, có chuyên môn vững vàng, kỹ thuật cao luôn được các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài săn đón. Mức lương trả cho các vị trí việc làm này luôn cao hơn nhiều lần so với nhân sự khác dù vậy doanh nghiệp không dễ dàng tìm kiếm được ứng cử viên phù hợp do yêu cầu về trình độ chuyên môn cao.

Ước tính, mỗi năm cả nước có hơn 50 nghìn kỹ sư công nghệ thông tin ra trường và có 12 nghìn nhân lực công nghệ thông tin được đào tạo từ hơn 400 trường đào tạo nghề bậc cao đẳng và trung cấp. Tuy nhiên chỉ 30% đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Số lượng hạn chế, không đủ để đáp ứng cho các doanh nghiệp trong nước trong khi nguồn nhân lực chất lượng cao lại luôn bị nước ngoài thu hút.

Tương tự, nguồn nhân lực cho ngành vi mạch và bán dẫn cũng đang được dự báo là thiếu trầm trọng. Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam chưa có nhiều trường đào tạo chuyên ngành này.

Theo GS.VS Nguyễn Quốc Sỹ, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT, có 5 lý do khiến việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao chưa đạt kỳ vọng. Ngân sách đầu tư cho đào tạo nhân lực chất lượng cao các ngành công nghệ chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng chi ngân sách. Đội ngũ chuyên gia cao cấp đào tạo nhân lực chất lượng cao của các ngành công nghệ, nhất là các mũi nhọn như công nghiệp bán dẫn và sản xuất vi điện tử, công nghiệp vật liệu tiên tiến, nông nghiệp công nghệ cao, môi trường, chống biến đổi khí hậu,… đang thiếu hụt và chưa thể bổ sung trong ngắn hạn.

Trong khi đó, các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm, các cơ sở đào tạo kết hợp nghiên cứu ứng dụng chưa đồng bộ, nhiều hệ thống trang thiết bị sử dụng không hiệu quả. Trang thiết bị hiện đại tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TPHCM trong khi nhiều nhiệm vụ ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi phân bổ lại nguồn lực con người và trang thiết bị cho các ứng dụng tại chỗ. Bên cạnh đó, thị trường nhân lực chất lượng cao chưa được vận hành một cách khoa học, gây tắc nghẽn giữa cung - cầu, ảnh hưởng lớn không chỉ tới chất lượng đào tạo mà còn đầu ra các sản phẩm đào tạo. Hệ thống các văn bản, chương trình đào tạo còn chưa sát với thực tế, chưa tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo khai thác hiệu quả nội lực và hợp tác quốc tế.

Hợp tác nâng chất lượng đào tạo

Vừa qua, lãnh đạo Đại học (ĐH) Đà Nẵng cùng ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã ký kết Biên bản Hợp tác Liên minh đào tạo nhân lực phát triển công nghiệp chip bán dẫn. Đây là hành động thể hiện sự “hợp lực” để phát huy tiềm năng, thế mạnh, chia sẻ nguồn lực chung trong đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức, áp lực mà không phải cơ sở giáo dục ĐH nào cũng đủ khả năng, tiềm lực đảm nhận.

Theo các chuyên gia, đây là sự bắt tay cần thiết giữa các cơ sở giáo dục ĐH để cùng nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao. Dẫu vậy, quá trình đào tạo không thể thiếu sự gắn kết “ba nhà” gồm nhà nước-nhà trường-nhà doanh nghiệp để sinh viên ra trường đáp ứng đáp ứng yêu cầu thực tế của các công ty tuyển dụng. Một nhân tố không thể thiếu đó là sự cộng hưởng từ cơ chế chính sách như thu hút đầu tư, quy tụ chuyên gia giỏi và các nguồn lực, học bổng cho sinh viên… để các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ…bắt kịp với sự phát triển của thế giới.

Hiện Bộ GDĐT đang xây dựng dự thảo đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao, trong đó tập trung vào đào tạo và đào tạo lại; với cốt lõi xây dựng những chương trình đào tạo triển khai ở trường ĐH, viện nghiên cứu uy tín trong những lĩnh vực cụ thể. Đồng thời, tác động để đổi mới chính sách, đặc biệt là cơ chế và chính sách hỗ trợ tài chính, nhằm thúc đẩy hỗ trợ cơ sở giáo dục ĐH.

Về mục tiêu, đề án hướng tới tăng số lượng, đảm bảo chất lượng đào tạo tiệm cận chuẩn quốc tế đối với các ngành/ lĩnh vực phục vụ phát triển công nghệ cao. Thu hút sinh viên giỏi theo học các ngành/ lĩnh vực phục vụ phát triển công nghệ cao… Dự kiến, đề án sẽ bám sát những chỉ tiêu cụ thể đối với mỗi lĩnh vực ưu tiên đào tạo phục vụ phát triển công nghệ cao liên quan đến kiểm định, xếp hạng, số lượng người học các trình độ, công bố quốc tế…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhân lực công nghệ chất lượng cao: Cầu luôn vượt cung

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO