Nhanh chóng xây dựng thương hiệu gạo quốc gia

Quốc Trung-Thanh Tiến (thực hiện) 05/05/2023 07:46

Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn(NN&PTNT) đang triển khai xây dựng đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với TS Lê Văn Bảnh - nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL về vấn đề này.

TS Lê Văn Bảnh.

PV: Ông có thể cho biết tình hình sản xuất lúa gạo thời gian gần đây ở ĐBSCL?

TS Lê Văn Bảnh: Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam luôn giữ vị trí thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo, dao động từ 5 - 7 triệu tấn, riêng năm 2012 đã đạt mức cao nhất 8 triệu tấn. ĐBSCL đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu. Xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong thời gian gần đây như, cơ cấu chủng loại gạo đã thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ gạo thơm, đặc sản và gạo trắng cao cấp, nhờ vậy đã gia tăng giá trị gạo xuất khẩu. Một số chủng loại gạo đặc sản của Việt Nam đã có giá xuất khẩu tương đương với gạo thơm Thái Lan. Với gạo trắng, gạo Việt Nam gần đây có lúc giá vượt trên gạo Ấn Độ và Thái Lan. Gạo Việt Nam đã thâm nhập được các thị trường khó tính như EU và bước đầu có thương hiệu.

ĐBSCL là vựa lúa, giữ vai trò đảm bảo an ninh lương thực cả nước, nhưng người nông dân vẫn chưa thể giàu từ lúa gạo, theo ông đâu là nguyên nhân?

- Lợi nhuận của bà con nông dân không cao do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là sau khi sản xuất, chúng ta vướng nhiều khâu trung gian dẫn đến lợi nhuận rơi phần lớn ở khâu trung gian. Thứ hai, chưa xây dựng được tốt thương hiệu lúa gạo quốc gia. Nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài nhập khẩu gạo Việt Nam về họ đóng gói thượng hiệu của họ, mang lại lợi nhuận cho họ. Hiện nay, chúng ta nói tăng giá trị hạt gạo từ khâu sản xuất đến bàn ăn nhưng thật sự chưa làm được, bởi vậy lợi nhuận mang về cho người trồng lúa chưa được bao nhiêu…

Vì sao gạo của chúng ta từng đạt nhất thế giới, song hầu hết vẫn xuất khẩu chưa có thương hiệu riêng, thưa ông?

- Đó là điều cần phải tính trong thời gian tới. Mặc dù đã có nhiều cải thiện nhưng hiện nay gạo Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là xuất khẩu thô, chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường. Các DN nước ngoài khi nhập khẩu gạo Việt Nam về thì họ đóng gói theo thương hiệu của họ để bán cho người tiêu dùng.

Ông có chia sẻ gì về những giải pháp để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam?

- Việc xây dựng thương hiệu gạo Việt cần bao gồm cả thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng miền và thương hiệu DN. Hiện nay, việc xuất khẩu đang ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên phần lớn chúng ta chỉ xay gạo ra, chà bóng, cho vào bao rồi bán. Hiện nay, các nước châu Âu muốn mua dạng gạo đóng gói 0,5kg, 1kg trong khi mình đóng bao 20kg đến 30kg. Chúng ta phải đẩy mạnh chế biến sâu. Tôi lấy ví dụ chúng ta xuất khẩu gạo với giá khoảng 500 USD/tấn, tương đương 14.000 – 15.000 đồng/kg trong khi trong nước chúng ta đi mua gạo ngon ăn được cũng phải có giá từ 17.000 đến khoảng 20.000 đồng/kg. Những sản phẩm sau gạo mới mang lại siêu lợi nhuận. Các DN cũng phải tự làm thương hiệu và tuỳ thị trường và thị hiếu người tiêu dùng, làm thương hiệu cho phù hợp. Ví dụ người dân Đông Bắc Á chuộng gạo hạt dài và dẻo, người dân Trung Đông thích gạo khô, người Tây Âu và Bắc Mỹ thích gạo thơm mình cần phải tập trung xây dựng thương hiệu để đáp ứng nhu cầu…

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhanh chóng xây dựng thương hiệu gạo quốc gia

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO