Xây dựng thương hiệu cho gạo Việt

HẠNH NHÂN 12/02/2023 09:24

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 15 USD/1 tấn so với cuối tháng 1/2023. Cụ thể, loại 5% tấm giao dịch ở mức 473 USD/tấn, gạo 25% tấm có giá 453 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất trong 2 năm gần đây. Trước đó, vào tháng 12/2022, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam duy trì ở mức cao nhất thế giới với khoảng 438 USD/tấn (cao hơn gạo Thái Lan cùng loại khoảng 20 USD/tấn). Dù vậy, để phát triển ổn định và bền vững trên thị trường quốc tế, gạo Việt cần sớm xây dựng những thương hiệu gạo mạnh để tăng sức cạnh tranh.

Gạo Việt Nam cần sớm xây dựng thương hiệu mạnh để tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Giá gạo xuất khẩu tăng cao

Theo nhận định của Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam, thường cuối vụ giá gạo rất thấp nên đối tác nhập khẩu căn cứ vào giá đó để đàm phán mua vụ Đông Xuân. Tuy nhiên, năm nay, chúng ta lại bán được giá khá cao nên các hợp đồng ký cho vụ Đông Xuân trong năm 2023 sẽ có giá tốt hơn. “Giá gạo xuất khẩu trong tháng đầu năm 2023 tăng cao do những bất ổn về kinh tế, chính trị, xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có hồi kết, các quốc gia có nhu cầu dự trữ lương thực nhiều hơn. Hiện nhiều nước nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, châu Phi… đang tích cực thu mua gạo dự trữ”, ông Nam thông tin.

Những tín hiệu tích cực từ thị trường đã thúc đẩy các hợp đồng xuất khẩu gạo được ký kết. Nhiều doanh nghiệp cho biết đã nhận được hàng loạt đơn hàng lớn khi vừa khai xuân và kỳ vọng ngành gạo tiếp tục tỏa sáng. Như Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, đã ký nhiều hợp đồng cung cấp gạo giao từ nay đến đầu quý II/2023 cho các thị trường Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, châu Âu, Australia và Mỹ, số lượng lên đến gần 1.500 container, tương đương khoảng 30.000 tấn, chủ yếu gạo chất lượng cao và gạo thơm. Đại diện Tập đoàn Lộc Trời thông báo hiện doanh nghiệp đã nhận được đơn đặt hàng lên đến 40.000 tấn gạo cho thị trường châu Âu trong năm 2023. Với sự khởi đầu ấn tượng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo kỳ vọng năm 2023 sẽ thắng lớn, vượt con số 3,5 tỷ USD mà ngành gạo đã xác lập trong năm 2022.

Cùng với đó, trong thời gian qua gạo Việt Nam đã thâm nhập sâu vào những thị trường khó tính như: châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước thuộc khối Ả Rập. Trong đó, điển hình là gạo thơm ST24, ST25 được xuất khẩu sang nhiều nước, với giá gấp hơn 2 lần gạo trắng thông thường.

Sớm xây dựng những thương hiệu mạnh

Tuy nhiên, trước giá gạo tăng cao, hạt gạo Việt ngày càng nâng cao giá trị, vấn đề phát triển thương hiệu mạnh cũng như phát triển thương hiệu quốc gia cũng được giới chuyên gia đề cập nhằm tăng sức cạnh tranh của nông sản này trên thị trường quốc tế. Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, một quốc gia có nhiều doanh nghiệp với thương hiệu mạnh sẽ là nền tảng quan trọng để nâng tầm thương hiệu của quốc gia. Khi thương hiệu quốc gia được nâng tầm trên thị trường quốc tế, sẽ tạo ra sự bảo chứng về uy tín và chất lượng sản phẩm, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa.

Nhắc lại những thiệt thòi do hạn chế phát triển thương hiệu, có thể thấy gạo ST25 đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới năm 2019 tại Hội nghị gạo thế giới diễn ra tại Manila (Philippines). Nhờ danh hiệu gạo ngon nhất thế giới mở đường, vừa qua gạo ST25 đã vượt qua hơn 600 tiêu chuẩn kỹ thuật thành công thâm nhập vào thị trường Nhật Bản - một thị trường được đánh giá có yêu cầu cao bậc nhất khu vực châu Á. Song thực tế dù ST25 đạt giải thưởng gạo ngon nhất thế giới nhưng rất ít người tiêu dùng trên thế giới biết đến. Ví dụ khác: Năm 2020 kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam sang Anh đạt 2,67 triệu USD tương ứng 3.396 tấn, nhưng thị phần gạo mang thương hiệu Việt Nam tại Anh chỉ chiếm 0,45%. Hầu hết các sản phẩm gạo của Việt Nam đều mang thương hiệu nhà phân phối của Anh…

Bộ Công Thương cho biết, doanh nghiệp chưa chú trọng đến bảo hộ sở hữu trí tuệ nên nhiều nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam bị các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng, hoặc khi tiến ra thị trường nước ngoài thì đã bị các đối thủ cạnh tranh đăng kí mất. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ngày càng lớn, việc xây dựng thương hiệu càng quan trọng. Do đó, cần sớm xây dựng chiến lược thương hiệu, kết hợp giữa xây dựng, bảo vệ và khuếch trương thương hiệu.

Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng - Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), quan niệm chỉ cần sản phẩm có bao bì đẹp, tên tuổi nổi một chút, chịu khó quảng cáo trên truyền hình, tờ rơi, có mặt ở vài hội chợ đã là có thương hiệu là sai lầm. Trong khi thực chất đã gọi là thương hiệu thì phải tìm câu trả lời từ phía khách hàng. Nhà sản xuất và doanh nghiệp phải xem khách hàng thực sự suy nghĩ, đánh giá về sản phẩm đó như thế nào. Muốn có thương hiệu, sản phẩm đòi hỏi phải chất lượng, tiện lợi, luôn đổi mới, bổ sung những giá trị mới. Ngoài ra, dịch vụ trước, trong và sau bán hàng của doanh nghiệp phải tốt.

Đề cập tới vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo nói riêng và nông sản xuất khẩu nói chung, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhấn mạnh việc hỗ trợ phát triển thương hiệu sản phẩm với các mặt hàng xuất khẩu thông qua việc xây dựng thương hiệu quốc gia, phát triển các kênh bán hàng ngay tại thị trường xuất khẩu. “Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm không chỉ là nhiệm vụ của doanh nghiệp mà phải được thực hiện ở quy mô, tầm cỡ quốc gia. Để tạo lập giá trị bền vững, thương hiệu nông sản cần được gắn với chỉ dẫn địa lý mang hình ảnh quốc gia, địa phương qua đó tạo sự khác biệt hóa và nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm”, chuyên gia Cấn Văn Lực gợi mở.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng thương hiệu cho gạo Việt