Ngay từ ngày đầu năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 02 dài gần 5.000 chữ về tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và đặc biệt vấn đề xử lý nợ xấu được nhấn mạnh trong chỉ thị này.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Maritime Bank).
Đây là vấn đề “nhạy cảm” nhất của các nhà băng hiện nay vì nợ xấu ngân hàng có tác động lớn tới hoạt động của hệ thống, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và thu Ngân sách Nhà nước. Công tác xử lý nợ xấu trong năm 2017 được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng.
Ngân hàng hối hả dọn nợ
Cuối năm 2016, người đứng đầu Vietcombank tuyên bố năm 2016 Vietcombank là ngân hàng tiên phong thu hồi các khoản nợ từ VAMC vượt 3 năm so với quy định và chính thức đưa nợ xấu về một sổ và chính thức kiểm soát, quản trị chất lượng tín dụng một cách thực chất và hiện tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm của ngân hàng này còn là 1,44%.
Việc Vietcombank tuyên bố như vậy đã tạo động lực “hối thúc” một số ngân hàng thương mại cổ phần khác lên kế hoạch mạnh mẽ về xử lý nợ xấu để làm “nhẹ” bớt hàng tỷ đồng vốn của ngân hàng đang vẫn “ngủ đông”.
Tại buổi tổng kết và triển khai kế hoạch kinh doanh của đơn vị mình, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cũng đã cho biết, năm 2016 thành công lớn nhất của ngân hàng này là xử lý triệt để gần 10.000 tỷ đồng nợ xấu trong giai đoạn 2007-2010 tồn lại bằng năng lực tài chính, thu nợ, bán nợ. Cùng với đó ngân hàng đã kiểm soát được nợ xấu mới phát sinh, nâng cao chất lượng nợ.
“Chính vì vậy, trong năm 2017 chúng tôi sẽ tập trung xử lý nợ xấu và mua lại nợ đã bán cho VAMC bằng nguồn lực của ngân hàng, nếu đúng kế hoạch thì khoản nợ này sẽ hoàn thành trước thời hạn từ 2-3 năm,” ông Thắng cho biết.
Ngoài ra, ông Thắng cũng cho biết thêm, VietinBank vẫn đang tích cực tham gia hỗ trợ ngân hàng yếu kém bằng cách tham gia tái cơ cấu 2 ngân hàng 0 đồng là GPBank và OceanBank. Đặc biệt, VietinBank đã tập trung hỗ trợ 2 ngân hàng xây dựng đề án tái cơ cấu và đã trình Ngân hàng Nhà nước.
Ông Thắng cho biết thêm, kể từ khi VietinBank tham gia tái cơ cấu hai ngân hàng này thì công tác thu hồi, xử lý các khoản nợ xấu, nợ ngoại bảng của OceanBank và GPBank được cải thiện đáng kể.
Tính đến nay, nợ xấu của OceanBank đã xử lý được hơn 5.000 tỷ đồng và kinh doanh đã bắt đầu có lãi.
Còn tại Agribank, tỷ lệ nợ xấu cũng đã giảm xuống mức dưới 2%. Trong năm 2017, ngân hàng này cũng đặt ra biện pháp sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát để phòng ngừa, hạn chế rủi ro khi quy mô kinh doanh tăng lớn.
Một số ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng đã lên kế hoạch tập trung nhiều hơn vào công cuộc xử lý nợ xấu thoe chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, tới đây, nợ xấu sẽ được tính đúng, tính đủ, đồng thời, những ngân hàng có số lượng nợ xấu lớn mà không tích cực xử lý sẽ bị Ngân hàng Nhà nước “tuýt còi”. Hiện có khoảng 10 tỷ USD nợ xấu mà các ngân hàng bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được coi là nợ ngoại bảng.
Trong chỉ thị 02, Ngân hàng Nhà nước cũng cảnh báo sẽ kiên quyết xử lý những tổ chức tín dụng có nợ xấu lớn không tích cực xử lý. Ngoài ra, Chỉ thị cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu (bao gồm: nợ xấu nội bảng; nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được; nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ; trái phiếu doanh nghiệp tổ chức tín dụng đã mua; các khoản phải thu khó đòi; lãi, phí phải thu phải thoái nhưng chưa thoái) từng quý trong năm 2017 và báo cáo theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
VAMC sẽ bán nợ nhiều hơn mua vào
Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, năm 2017 VAMC dự kiến mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt khoảng 25.000 tỷ đồng và tập trung xử lý khoảng 33.000 tỷ đồng. Trong đó, VAMC sẽ tập trung vào tái cơ cấu lại nợ, xử lý phân loại để phát mại tài sản và thu hồi nợ.
Để kế hoạch bán nợ được thành công, ông Đông chia sẻ, trong định hướng của 2017, VAMC xác định giao cho tất cả các phòng ban, phân loại dần những khoản nợ xấu để có hướng xử lý phù hợp đối với từng loại nợ.
Bên cạnh đó, VAMC cũng xác định trong năm nay sẽ phối hợp với các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước để sớm trình Chính phủ và Quốc hội đề án cơ cấu và xử lý nợ xấu để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho VAMC hoạt động. Đề án này sẽ tập trung vào nâng cao năng lực thực sự của VAMC từ nguồn lực về vốn, về công nghệ về con người để đảm bảo VAMC là trung tâm trong thị trường mua bán nợ vì hiện khối lượng nợ xấu hiện VAMC đang quản lý rất lớn.
“Năm 2017 cũng là năm chúng tôi thực hiện rất quyết liệt việc mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường và hình thành một nhóm phân tích thực hiện tái cơ cấu lại những doanh nghiệp đang còn nợ xấu tại ngân hàng… Nghĩa là năm 2017 VAMC sẽ đưa hết chức năng nhiệm vụ của mình, có những nhiệm vụ thì quyết liệt hơn, có những nhiệm vụ thì thí điểm để lấy kinh nghiệm cho các năm tiếp theo,” ông Đông nhấn mạnh.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu VAMC tập trung rà soát, phân loại, đánh giá lại các khách hàng vay, tài sản bảo đảm và các khoản nợ đã mua để xác định khả năng thu hồi nợ và có giải pháp xử lý phù hợp. Ngoài ra, Thống đốc cũng yêu cầu VAMC triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp mua, bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường đồng thời áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường.
Đối với những khách hàng chây ỳ không trả nợ, Ngân hàng Nhà nước cũng cho phép VAMC phối hợp với tổ chức tín dụng bán nợ khởi kiện khách hàng không hợp tác, đồng thời phối hợp với cơ quan thi hành án và cơ quan chức năng trong quá trình thu giữ tài sản và thi hành các bản án đã có hiệu lực.