Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên học sinh lớp 3 trên cả nước học chương trình, sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT mới). Trong đó, điểm mới đáng chú ý là có 2 môn tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc, thay vì là môn tự chọn như chương trình hiện hành.
Băn khoăn lớn nhất hiện nay ở các địa phương là các điều kiện cần và đủ cho việc triển khai dạy 2 môn này đều chưa đạt, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi.
Đơn cử năm học 2022 - 2023, tỉnh Sơn La có khoảng 30.000 học sinh lớp 3, trong đó, hơn 80% là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Theo thống kê, toàn tỉnh còn thiếu hơn 300 giáo viên dạy môn tiếng Anh và Tin học. Bên cạnh đó, phòng Tin học, trang thiết bị, mạng internet ở nhiều đơn vị trường, nhất là tại các điểm trường vùng cao chưa đáp ứng cũng gây khó khăn không nhỏ đối với việc giảng dạy 2 bộ môn này cho các em học sinh lớp 3.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Sơn La cho biết, trước mắt ngành giáo dục địa phương đang thực hiện rà soát, sắp xếp lại học sinh lớp 3 ở các điểm trường lẻ về trường trung tâm để thực hiện dạy học. Bên cạnh đó, bố trí giáo viên dạy liên cấp, liên trường thông qua phương án dạy trực tiếp kết hợp với dạy trực tuyến. Ngoài ra, Sở cũng sẽ ký hợp đồng thỉnh giảng theo công văn hướng dẫn của Bộ GDĐT, làm sao đáp ứng việc dạy và học đối với 2 bộ môn tiếng Anh và Tin học cho học sinh lớp 3 trong năm học này.
Thông tin từ Sở GDĐT Hà Giang cho thấy, hiện nay đội ngũ giáo viên cấp tiểu học còn thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế, chưa đảm bảo để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Tỷ lệ giáo viên toàn tỉnh đạt 1,3 giáo viên/lớp, nhiều lớp học tại các điểm trường chỉ tổ chức dạy học từ 5 - 7 buổi/tuần. Năm học 2022 - 2023, tỷ lệ giáo viên chỉ đạt 1,25 giáo viên /lớp. Trong khi quy định để dạy 2 buổi/ngày phải có tối thiểu 1,5 giáo viên/lớp (do số lớp tăng so với năm học 2021 - 2022 và thực hiện tinh giản biên chế). Để dạy tiếng Anh bắt buộc từ lớp 3, toàn tỉnh thiếu 93 giáo viên. Đơn cử như huyện Mèo Vạc chỉ có 1 giáo viên dạy tiếng Anh cấp tiểu học. Tương tự với môn Tin học, toàn tỉnh Hà Giang đang thiếu 77 giáo viên, hiện chỉ có 30,9% tổng số học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 được học tự chọn môn Tin học…
Để tổ chức dạy học hiệu quả, Bộ GDĐT yêu cầu các Sở GDĐT tham mưu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện sắp xếp tổ chức mạng lưới trường học, các điểm trường, lớp học phù hợp với tình hình thực tế nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Giáo dục; có phương án kịp thời đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm thực hiện Chương trình GDPT mới để tổ chức dạy học môn tiếng Anh và môn Tin học theo lộ trình quy định. Bộ GDĐT yêu cầu, các Sở GDĐT hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện chương trình môn tiếng Anh, môn Tin học từ năm học 2022-2023, bảo đảm 100% học sinh trên địa bàn được học 2 môn này theo đúng quy định Chương trình GDPT.
Với yêu cầu dạy bắt buộc tiếng Anh, Tin học cho 100% học sinh lớp 3 từ năm học 2022- 2023, hiện nhiều địa phương đang phải gồng lên áp dụng nhiều giải pháp tình thế để có thể đáp ứng yêu cầu. Có thể thấy, việc nỗ lực để đảm bảo có đủ giáo viên dạy những môn học mới là một bài toán không đơn giản. Do đó, cần phải có có kế hoạch tổng thể, dài hơi đảm bảo đủ giáo viên để kết quả dạy và học đạt chất lượng như mong đợi, chứ không thể chỉ phải là giải pháp tình thế, cấp bách, vá víu...