Số liệu thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, có tới 50% doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) báo lỗ, trong khi thực tế vẫn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Con số này không phải bây giờ mới được công bố, mà thực tế nhiều năm nay, trong khu vực DN FDI vẫn còn tồn tại tình trạng “lỗ giả, lãi thật” gây thất thu thuế của Nhà nước.
Dù báo lỗ triền miên, song Metro vẫn mở thêm 19 điểm bán lẻ.
50% DN FDI báo lỗ
Không thể phủ nhận, khu vực DN FDI góp phần không nhỏ vào tăng trưởng của nền kinh tế. Nhiều năm qua, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đã trở thành một trong những nhân tố quan trọng, bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, đóng góp vào tăng trưởng GDP và thu ngân sách nhà nước (NSNN), ghi dấu ấn đậm nét trong xuất khẩu... Tuy nhiên, bên cạnh những “trái ngọt” mà khu vực DN này mang lại cho nền kinh tế nước nhà, không thể không nhắc đến những “trái đắng”.
Đó là tình trạng gây ô nhiễm môi trường, tình trạng “tuồn” công nghệ lạc hậu vào trong nước, và đặc biệt là thực trạng “lỗ giả” nhưng... lãi lại là thật của các DN FDI khiến cho dư luận có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với một số DN thuộc khu vực này.
Làm ăn có lãi, nhưng vẫn kêu lỗ triền miên nhằm mục đích trốn nghĩa vụ nộp thuế. Đó là câu chuyện của CocaCola được dư luận biết đến nhiều năm nay. Gần 20 năm đầu tư kinh doanh, CocaCola liên tục khai lỗ. Với “thành tích” lỗ liên tục này, Cocacola đã tránh được việc đóng thuế cho Nhà nước sở tại. Đến hết năm 2012, tổng số lỗ lũy kế của Công ty này lên đến 3.768 tỷ đồng, vượt quá số vốn đầu tư ban đầu 2.950 tỷ đồng.
Về mặt lý thuyết, đáng lẽ CocaCola Việt Nam phải phá sản vì báo lỗ triền miên. Thế nhưng nghịch lý là, không những không tuyên bố phá sản, CocaCola lại tiếp tục mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
Đáng nói, CocaCola không phải là DN FDI duy nhất dở bài “lỗ giả lãi thật”. Câu chuyện của Metro Việt Nam cũng không khá hơn CocaCola. Cụ thể, sau khoảng 12 năm hoạt động, đơn vị này đã 6 lần thay đổi giấy phép kinh doanh, nâng tổng vốn đầu tư tại Metro Việt Nam lên hơn 301 triệu USD. Tuy nhiên, Metro Việt Nam lại liên tục kê khai lỗ với số lỗ lũy kế lên đến 1.657 tỷ đồng và chỉ duy nhất năm 2010 là có lãi 173 tỷ đồng. Và mặc dù lỗ, Metro Việt Nam vẫn tiếp tục mở thêm 19 điểm bán lẻ trên toàn quốc.
Còn hàng loạt những DN FDI khác nằm trong diện nghi vấn chuyển giá, trong đó phải kể đến những thương hiệu tầm cỡ như Pepsi, Adidas... khiến cho các DN FDI ngày càng trở nên “mất điểm”.
Số liệu thống kê của cơ quan quản lý cho hay, tại TP. Hồ CHí Minh, gần 60% trong số trên 3.500 DN FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm. Hay tại Bình Dương, một điểm khá hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút hàng loạt các dự án FDI lớn, song số DN FDI báo lỗ cũng chiếm đến 50% tổng số DN đầu tư vào đây trong giai đoạn 2006 – 2011.
Cần bịt ngay lỗ hổng quản lý
Trên thực tế, thực trạng làm ăn “lỗ giả lãi thật” của các DN FDI không phải là câu chuyện mới, nó đã xảy ra từ lâu và kéo dài suốt cả hai thập kỷ nay. Thực tế này khiến giới chuyên gia bày tỏ lo ngại, nó sẽ làm méo mó thị trường, tác động tiêu cực đến nền kinh tế cũng như quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nêu lên nguyên nhân của thực trạng này, Chủ tịch của một Hiệp hội DN có vốn đầu tư nước ngoài- TS Nguyễn Mại cho rằng, chủ yếu vẫn là do sự buông lỏng quản lý của các cơ quan nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng tỏ vẻ quan ngại khi nhắc đến hiện tượng DN FDI sử dụng máy móc, thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu gây nên tình trạng tiêu hao nhiều năng lượng. Thậm chí, có DN FDI đã lợi dụng sơ hở của cơ quan quản lý để gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, thậm chí đến mức nghiêm trọng...
TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng không ít lần nhắc đến câu chuyện chuyển giá nhằm trốn thuế của các DN FDI, đó là những “vết chàm” khiến nhiều DN FDI không nhận được thiện chí từ dư luận xã hội nước sở tại.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) sẽ sớm được thực thi. Cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài càng mở ra rộng hơn. Đặc biệt, hậu Covid-19, nền kinh tế đang chứng kiến sự dịch chuyển mạnh mẽ của nhiều dự án thuộc Mỹ, Nhật Bản, EU... sang Việt Nam.
Theo đó, đại dịch Covid-19 khiến cho không ít nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra lo ngại khi đầu tư vào thị trường Trung Quốc và đang bắt đầu có sự di chuyển từ Trung Quốc sang thị trường các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Đó là những dấu hiệu rất tốt cho một sự khởi đầu mới sau khi Việt Nam vừa trải qua thời kỳ khó khăn vì đại dịch Covid-19 hoành hành. Thế nhưng, nếu vẫn còn tồn tại những lỗ hổng trong khâu quản lý, liệu rằng, việc đón làn sóng đầu tư mới có mang lại những hiệu quả như kỳ vọng?