Cái tên bản Bốc Vác không phải là địa giới hành chính, hay là tên của một bản làng nào nơi đây mà đó là vị trí “trú ngụ”, đại bản doanh của mấy chục con người nghỉ ngơi sau buổi làm việc vất vả cho cái gọi là nghề. Cái nghề chuyển hàng từ xe này sang xe khác, từ xe mang biển số Lào sang xe Việt để lấy mấy chục ngàn dắt lưng.
Từ ngày của khẩu thông thương, những người đàn ông săn thú,
đốn cây xưa kia trở thành những công nhân bốc vác.
Có mặt tại cửa khẩu Nậm Cắn, thuộc xã Nậm Cắn, huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) vào những ngày cuối tháng Giêng, cái nắng đủ nóng làm cho nơi đây trải một màu vàng nhạt kéo dài từ chân núi đến tận trời cao. Nó khác hẳn với thời tiết băng giá của những ngày giáp Tết vừa qua. Nậm Cắn trong tôi từng là một vùng núi với những khu rừng thiên nhiên hoang vu, những thân gỗ lớn “chót vót”.
Vậy nhưng, hơn 300 km từ TP Vinh trên chiếc xe Ware đến với bà con, những hình ảnh hùng vĩ ấy đã không còn. Cảnh vật xung quanh giờ ủ rũ, đượm buồn. Ở đó, có những con người ngày đêm mưu sinh. Nắng hay mưa, lạnh giá cũng như oi bức, mấy chục con người cứ vật vờ dưới cái chòi nhỏ, ngóng đợi từng chuyến xe nông sản từ Lào về để bốc bốc, vác vác.
Họ là những cậu bé bỏ dở giấc mơ học hành, hoặc những người hạn chế một phần nhận thức, là người trụ cột của gia đình... ở nơi cửa khẩu biên giới này họ được gọi với cái tên rất thực “Bản Bốc vác”.
Phải nói thêm rằng, cái tên bản Bốc Vác không phải là địa giới hành chính, hay là tên của một bản làng nào nơi đây mà đó là vị trí “trú ngụ”, đại bản doanh của mấy chục con người nghỉ ngơi sau buổi làm việc vất vả cho cái gọi là nghề. Cái nghề chuyển hàng từ xe này sang xe khác, từ xe mang biển số Lào sang xe Việt để lấy mấy chục ngàn dắt lưng.
Từ ngày vùng đất Nậm Cắn hình thành nên một cửa khẩu mang tầm vóc quốc tế cũng là lúc mảnh đất vùng biên này thay đổi. Những ngày đầu dự án này được triển khai các loại nông sản, con gà, con vịt hay những đặc sản rau rừng được người xây dựng công trình “gom” sạch. Nhưng rồi, công trình hoàn thành, từng lớp người rút đi, Nậm Cắn thay đổi. Cái thay đổi là diện mạo, là các công trình công cộng phục vụ giao thương giữa hai nước Việt - Lào.
Nhưng cái thay đổi được xem là lớn nhất chính là người dân, họ phải thay đổi cho hợp với sự nhộn nhịp của một cửa khẩu quốc tế, từ cuộc sống, cái ăn, cách nói, thậm chí cách tiêu cho phù hợp. Và rồi, việc phát rừng làm rẫy cũng bị hạn chế, đất trồng lúa vơi dần, chăn nuôi giảm... Những trụ cột của gia đình đã mang thân lên sát cửa khẩu để lấy sức mình đổi tiền mưu sinh. Họ làm không thiếu một nghề gì, thuộc hàng “thợ tiện” gọi là có, nhưng dễ kiếm nhất và nhiều việc nhất vẫn là bốc vác hàng hóa.
Cũng phải nói thêm rằng, từ khi nước ta có chủ trương hạn chế xe quá khổ quá tải nên những mặt hàng nông sản từ Lào về Việt Nam như ngô, sắn, gừng... buộc phải hạ tải hoặc chuyển lên xe có tải trọng lớn hơn. Vì thế, từ đó những người đàn ông nơi đây có thêm một nghề, một nguồn thu nhập.
Nhấp ngụm nước chè được pha loãng từ mấy gói trà cũ mốc, anh Khàng Phò Gia (39 tuổi) trú tại bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn - người được nhóm bốc vác tôn là tổ trưởng chia sẻ: “Trước đây, cả bản ta nương tựa vào rừng, thanh niên, đàn ông trong bản xưa kia đều lên rừng kiếm con nai, con hoẵng, chặt gỗ bán lấy tiền. Nhưng giờ đây, rừng nhà nước cấm, thú rừng không còn, sang rừng nước bạn thì phạm luật, thanh niên đàn ông trong bản kéo nhau lên cửa khẩu tìm việc nuôi gia đình thôi, cũng may mà còn có việc để làm, thế là mình có việc”.
Những chiếc xe chở nông sản từ Lào về phải sang tải, chủ hàng họ gọi người trong bản ra bốc hàng, những ngày đầu chỉ dăm ba người, nhưng giờ đã có hẳn 3 đội bốc vác trải đều dọc tuyến cửa khẩu. Thậm chí, có nhiều người đi nhiều nơi, làm ăn nhiều xứ nhưng giờ vẫn về bám trụ ở cửa khẩu để nuôi vợ con, gia đình.
Người được xem là “xuất ngoại” nhiều nơi chính là anh Ngân Văn Sáo (34 tuổi) trú tại bản Noọng Dẻ chia sẻ: “Đi đâu thì cũng phải làm việc, ở xứ người tiền có thể cao hơn, nhưng hạn chế ngôn ngữ, thiếu thốn tình cảm gia đình nên nhiều lúc cũng chán. Về quê, lên cửa khẩu mưu sinh đâm ra lại hay, nghe tiếng suối chảy, nghe tiếng dân tộc mình, anh em bạn bè trong bản khổ sướng với nhau cũng vui lắm”. Anh Sáo là người đã từng làm việc tại Lào, Thái Lan vào Nam ra Bắc, có “thâm niên” đây đó nhưng rồi cũng trở về với chốn quê thân thương.
Nếu như anh Sáo, anh Gia là những người có hiểu biết và có sức khỏe thì đối với Hờ Bá Vừ - dân tộc Mông (33 tuổi) trú tại bản Tiền Tiêu lại là “thợ” bốc vác hạn chế về nhận thức, gia đình cực kỳ khó khăn. Anh Vừ kể: “Mình lấy vợ năm 17 tuổi, đến nay đã có 4 con, nuôi một mẹ già, hơn 4 năm bám trụ cái nghề bốc hàng, mỗi ngày kiếm được 100 ngàn đồng, cũng chưa đủ chi tiêu nhưng thấy vui.
Câu nói của Vừ lúc rõ lúc không nhưng tôi cảm nhận được sự thật thà, chất phác của chàng trai người Mông vì tổ ấm gia đình mà không quản ngại sương gió, nắng mưa bám trụ với một góc nhỏ cửa khẩu Nậm Cắn - nơi đã tạo ra cho những người đàn dân tộc Thái, Khơ Mú, Mông này một “chốn làm ăn”.
Giữa cái nắng ban trưa, nằm trong “đại bản doanh” che tạm bằng tấm bạt rách lấy từ chiếc xe tải, gần 50 “công nhân” bốc hàng của núi rừng Nậm Nơn ngày ngày chờ đợi những chuyến xe chuyển hàng, bởi xe có về họ mới vui. Hàng chục tấn hàng trên chiếc xe mang BKS Lào 1371 đầy ắp những bì đựng ngô chỉ trong chưa đầy 1 giờ đồng hồ đã được sang tải một cách nhanh gọn. Khi hai xe đấu đuôi vào nhau, thì việc chuyển hàng chỉ là một “dây chuyền” quen thuộc với những công nhân bốc vác nghiệp dư này.
Tại cửa khẩu Nậm Cắn có ba điểm xe dừng để chuyển hàng, cả ba điểm này đều nằm tại bản Tiền Tiêu, cách nhau vài trăm mét. Riêng “trụ sở” của anh Gia, anh Sáo, anh Vừ là ngay cánh gà cửa khẩu, cũng là nơi được xem số lượng xe sang tải nhiều nhất. Hàng ngày, trung bình những chuyến xe cần sang tải ở đây khoảng 4-6 xe với lượng hàng từ 80-150 tấn hàng, mỗi tấn chủ hàng trả 40 ngàn đồng, nếu ngày nhiều xe tổ của anh Gia cũng kiếm được mỗi người gần 150 ngàn đồng.
Tuy nhiên, cũng có ngày về không, những ngày cuối tuần không có hàng, cửa khẩu cũng cấm những lao động này vào khu vực biên giới, vậy là một tuần, những công nhân này chỉ làm từ 4-5 ngày, thu nhập bình quân cũng chỉ từ 3-4 triệu đồng/ tháng.
Tựa lưng vào góc tường đang thiu thiu ngủ, nghe tiếng gọi lớn em Lương Văn May (19 tuổi) giật bắn người, tưởng có hàng May loay hoay mặc áo chạy ra bãi. Sau khi định thần, May cho biết: “Em là người nhỏ tuổi nhất của tổ, nhưng cũng đã có “thâm niên” 3 năm công tác rồi đó anh à. Vì hoàn cảnh gia đình, em bỏ học năm 16 tuổi, không nghề ngỗng gì, em lên đây xin gia nhập đội “bốc vác”, chứ giờ đi rừng, đi nương cũng không có gì, nhiều lúc lại phạm pháp”.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Hờ Chống Nhìa - Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn chia sẻ: “Xã chúng tôi có 6 bản, dân số gần 900 hộ, hơn 50% là hộ nghèo, cuộc sống khó khăn lắm. Ngày xưa, dân còn đi rừng làm rẫy, lên núi bắt con thú, xuống suối bắt con cá, nhưng giờ nhà nước cấm, đàn ông trong xã chỉ nhìn vào ở cửa khẩu thôi. Đến đó họ còn có việc mà làm, chứ ngồi nhà thì vợ con đói khổ à”.
Thế là, từ ngày cửa khẩu Nậm Cắn thông thương, người dân vùng biên có thêm một nghề để mưu sinh. Mặc dù cũng chỉ là cái nghề “bán sức” lấy tiền nhưng dẫu sao nó cũng hạn chế phần nào việc trai bản lên rừng khai thác lâm sản trái phép, đưa đến cho người dân vùng biên cương này một vận hội mới, một thách thức mới.
Chia tay Nậm Cắn, chia tay những “công nhân” mưu sinh nơi miền biên viễn theo dòng Nậm Mô về xuôi, tôi nhớ như in câu nói của trưởng bản Noọng Dẻ Cụt Văn Khăm: “Bản ta giờ đàn ông ở ngoài tê cả rồi, chúng đi bốc vác ngoài đó, mấy trăm đứa luôn tề, ngoài đó chúng nó thành lập được một bản rồi, bản “Bốc vác” đó, thành ra có cửa khẩu đóng chân cũng là cái hay...”.