Đường hoa, đường sách, đường âm nhạc và tuyến phố đi bộ- đó là những con đường vui, là điểm nhấn trong lòng đô thị hiện đại. Gần đây, cư dân đô thị thêm niềm vui khi biết thành phố mình đang sống có hoặc sẽ có những con đường như thế. Nhất là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, những con đường vui đó được người dân đặc biệt hoan nghênh, dẫu rằng vẫn còn đó nhiều việc phải làm để “điểm nhấn đô thị” đẹp hơn.
Đường sách TP Hồ Chí Minh.
Trong các đô thị, vấn nạn đường sá ngày càng trở nên nghiêm trọng, bức bối, đặc biệt đối với những thành phố lớn. Ra đường là... ra chiến trường khi mà lượng xe cộ dày đặc; chen lấn, giành giật nhau để đi. Vỉa hè bị cắt gọn giành đất mở đường cho xe cộ lưu thông.
Những hàng cây cũng theo đó mà biến mất. Rồi thì cầu vượt, cầu chui mọc lên nhưng vẫn không thể giải quyết được nạn ùn tắc.
Vào giờ cao điểm hay những ngày mưa, nhiều nút giao thông kẹt cứng, người ta chôn chân tại chỗ trong sự bực bõ, sốt ruột. Cũng chính từ sự quá tải ấy mà sinh ra nhiều hệ lụy, kể cả việc tâm tính con người bị thay đổi. Người ta dễ mất bình tĩnh hơn, dễ cáu bẳn hơn.
Cũng do lòng thành phố quá chật chội nên những con đường dẫu có mở ra nhiều hơn, to hơn thì chật chội vẫn hoàn chật chội. Ô nhiễm đô thị do giao thông gây ra ngày một nặng nề hơn, “Ninja” xuất hiện trên đường phố ngày một nhiều hơn. Bộ mặt đô thị cũng vì thế mà xấu đi. Đã thế, nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè thực sự đã trở thành căn bệnh trầm kha, “chữa trị” đủ cách vẫn chưa khỏi.
Nói tóm lại, nội thành những đô thị lớn ngày một chật chội. Giao thông động cũng chưa lo nổi nên giao thông tĩnh lại càng khó khăn.
Trong tình thế ấy “bỗng dưng” xuất hiện những con đường “sống chậm” giàu tính văn hóa, là sự văn minh đô thị- đó là đường hoa, đường sách, đường âm nhạc và đường đi bộ. Trước hết phải đánh giá rất cao ý tưởng lẫn quyết tâm hình thành những con đường ấy.
Trong lúc đường phố chật chội căng cứng, chỉ nghĩ đến một con đường thảnh thơi đã khó. Ấy vậy mà chúng đã được hình thành, ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Giành đất cho nó cũng có nghĩa là quan tâm đến đời sống tinh thần của người dân.
Thực tế thì nhiều con đường, nhiều tuyến phố được hình thành một cách tự nhiên, cho dù “tên khai sinh” của chúng là gì. Ví dụ, với người Hà Nội, nói đến “phố quần áo” là người ta hình dung ngay ra phố Trần Nhân Tông. Mua đồ thủy tinh, bát đũa thì đến phố Hàm Long. Ngay cả cái việc... ăn thịt chó thì một thời người ta chỉ biết đến Nhật Tân.
Sự hình thành tự nhiên ấy có lí do thực tế của nó. Nhưng nay, với sự chủ động, chính quyền đã quy hoạch cả những phố mang tính “chuyên đề” rất văn hóa thì lại là chuyện rất khác.
Mấy năm nay, mỗi độ Tết đến Xuân về, không chỉ người dân TP.Hồ Chí Minh mà người nhiều nơi khác biết đến đường hoa Nguyễn Huệ.
Trong một không gian rất đẹp bởi những kiến trúc đặc sắc, là miên man các loài hoa, cây cảnh. Có thể nói hầu hết những loài hoa đẹp của đất nước vào cữ đó đều có mặt ở đường hoa Nguyễn Huệ.
Hà Nội dịp Tết cũng có đường hoa, đó là đường hoa đào Hàng Lược truyền thống và không gian hoa xung quanh Hồ Gươm. Chính những con đường “sống chậm” ấy đã trở thành điểm nhấn quan trọng trong lòng đô thị, khiến tâm hồn reo vui trở lại khi được dứt mình ra khỏi sự gầm gào của những loại động cơ.
Nhưng, gần đây, có một số ý kiến chê bai đường sách, đường hoa, phố đi bộ. Kể cả dự án xây dựng con đường âm nhạc cũng bị mổ xẻ, cho dù nó mới chỉ là ý tưởng.
Ví dụ, có người cho rằng, đường sách chỉ phục vụ cho một cộng đồng nhỏ cư dân thành phố, lại bị thương mại hóa, trở thành “phố bán sách” dành cho những nhà xuất bản và giới đầu nậu.
Có người lại cho rằng, phố ấy bị “thầu” rồi. Ai đó bỏ tiền ra “mua” con phố, rồi “san nền, phân lô” bán lẻ cho người khác giống kiểu mấy nhà đầu cơ bất động sản “chạy” dự án để kiếm lời.
Nếu điều đó có thật thì rất đáng phê phán, phải chấn chỉnh. Nhưng cũng không thể vì thế mà “vùi dập” phố hoa, phố sách, phố đi bộ.
Như đã nói, trong sự chật chội của đô thị hiện nay, có một đoạn phố để ta có thể thảnh thơi là một nỗ lực rất lớn và rất cần thiết.
Vì thế, nó phải được trân trọng, được vun đắp để ngày một đẹp hơn, tốt hơn; chứ không phải là kết thúc sứ mệnh của nó một cách vội vã.
Vậy thì, vấn đề quan trọng là khi đã hình thành những con phố đó thì phải vun đắp cho nó, để cho nó trở thành thương hiệu đẹp thật sự. Đó là điều không dễ làm. Mà đã không dễ thì rất cần sự chung sức của nhiều người.