Những người truyền lửa cho tương lai

Lam Nhi 20/11/2017 08:50

Đứng trước yêu cầu đổi mới của ngành giáo dục, nhiều thầy cô giáo đã chủ động, sáng tạo trong việc vận dụng khoa học giáo dục tiên tiến, vận dụng những sáng kiến kinh nghiệm vào thực tiễn quản lý giảng dạy.

Nhiệt huyết với mỗi bài giảng, “trái ngọt” mà thầy cô nhận được chính là sự kính trọng, thương yêu của học sinh, sự tôn trọng từ đồng nghiệp, phụ huynh và xã hội.

Học sinh hào hứng với tiết học Địa lý bằng tiếng Anh của cô giáo Nguyễn Thị Thúy Nga.

Bắt đầu từ những điều gần gũi

Vốn là học sinh chuyên ngữ, đến cấp 3 và ĐH lại dành tâm huyết cho bộ môn Địa lý, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Nga, Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương đã tận dụng những lợi thế sẵn có để tiết học của mình trở nên hấp dẫn với học trò.

Bắt đầu thử nghiệm từ những bài giảng Địa lý theo chủ điểm về môi trường, dân số, phát triển kinh tế… với ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ nên học sinh của cô Nga đã rất hào hứng vì được chủ động tìm kiếm, khám phá tri thức mà không phụ thuộc vào sách giáo khoa (SGK).

“Trên thực tế không có SGK Địa lý bằng tiếng Anh trong chương trình THPT nên buổi học nào học theo chủ điểm, tôi thường nhắc các con để SGK ở nhà và chủ động tìm kiếm tư liệu để lên lớp cùng cô và các bạn khác trao đổi, thảo luận. Việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh vừa giúp các em tự tin hơn khi sử dụng ngoại ngữ vừa tăng cơ hội tiếp cận với tri thức nhân loại nên được các em học sinh rất hào hứng đón nhận”- cô Nga chia sẻ.

Tất nhiên, để chủ động chinh phục kiến thức, không chỉ đòi hỏi người thầy phải đầu tư nhiều hơn cả về kiến thức cũng như trình độ ngoại ngữ mà chính học sinh cũng phải làm việc tích cực, phải say mê tìm tòi đầu tư.

Ngoài ra phải có sự hỗ trợ của thiết bị kỹ thuật, cơ sở vật chất như SGK, bản đồ tư liệu bằng tiếng Anh. Sự trợ giúp của công nghệ thông tin, mạng internet là hết sức cần thiết trong việc xây dựng, thiết kế một bài giảng Địa lý bằng tiếng Anh nói riêng cũng như những môn học khác nói chung.

Để thực hiện tốt việc giảng dạy một môn học bằng tiếng mẹ đẻ đã là công việc khó khăn, chuyển tải nội dung khoa học bằng một ngôn ngữ khác lại càng không đơn giản.

Bên cạnh những nỗ lực của bản thân, cô Thúy Nga chia sẻ còn nhận được sự ủng hộ rất lớn từ chính ngôi trường mình đang giảng dạy và đồng nghiệp xung quanh để hoàn thiện hơn những bài giảng, giúp học sinh không cảm thấy áp lực khi tiếp nhận những tri thức mới.

Là người có khả năng tạo hình, khéo tay, cô giáo Nguyễn Thị Dung, Trường Mầm non Hoa Hồng (quận Cầu Giấy - Hà Nội) thường xuyên sáng tạo ra những đồ chơi, các học liệu từ những đồ vật gần gũi xung quanh để đưa vào trong tiết dạy học của mình.

Những sản phẩm như sân khấu rối đa năng; sa bàn rối đa năng; bé học giỏi do cô Dung sáng tạo rất được hoan nghênh.

Đặc biệt là sản phẩm sách vải thông minh được phổ biến rộng rãi giúp trẻ phát triển nhiều mặt: nhận thức, ngôn ngữ, thẩm mỹ, vận động tinh, giao tiếp, sáng tạo, các kĩ năng toán học và kĩ năng tự phục vụ, tạo cho trẻ thói quen đọc sách và ngăn nắp, giúp trẻ giảm tiếp xúc nhiều với các thiết bị công nghệ hiện đại gây hại cho mắt và thần kinh.

Thấu hiểu tâm lý của con trẻ, cô Dung đã tận dụng mọi thời gian rảnh lên kế hoạch thiết kế những góc học tập sáng tạo để cuốn hút các con đến lớp.

Toàn bộ giá góc, tủ đồ đồ dùng cho 24 lớp học của Trường Mầm non Hoa Hồng đều được cô tỷ mỷ thiết kế mẫu mã. Mỗi lớp một màu sắc riêng, hình thức và phong cách riêng, sắp xếp và tư vấn bài trí, trang trí môi trường hoạt động cho các lớp theo hướng mở và thân thiện khiến học sinh rất hào hứng.

Đặc biệt, cô Dung cũng là người thiết kế hình thức cho “Khu vườn ngộ nghĩnh” trong dự án “Hoa Hồng Xanh” của trường khiến phụ huynh rất ấn tượng khi con được học tập trong một môi trường đẹp đẽ, hấp dẫn.

Thách thức cũng là động lực để phát triển

Cô giáo Nguyễn Thị Dung đến với nghề giáo cũng là một cái duyên. Dù công việc luôn đòi hỏi sự cẩn thận, chu đáo trong từng chi tiết nhỏ nhất cũng như thời gian làm việc kéo dài liên tục từ 6 rưỡi sáng đến 5,6 giờ chiều nhưng chưa khi nào cô cảm thấy nản lòng.

Đối diện với những khuôn mặt ngây thơ non nớt của các con, những ánh mắt tin tưởng, trìu mến, cô hiểu rằng mình phải nỗ lực hơn nữa để không phụ lòng tin tưởng của nhà trường và gia đình đã gửi gắm.

Không chỉ chăm sóc trẻ thật tốt mà giáo viên mầm non ngày nay còn phải thường xuyên trau dồi tri thức, kỹ năng để hướng dẫn, dạy bảo các con bởi đây là lứa tuổi quan trọng hình thành nên nhân cách mỗi người sau này.

Vì vậy, ngoài giờ lên lớp cô còn đăng ký tham gia các khóa học bổ trợ kỹ năng, các lớp tập huấn để cập nhật các kiến thức mới trong chăm sóc, nuôi dạy trẻ.

Chia sẻ về chương trình giáo dục phổ thông mới đang chuẩn bị triển khai, cô Thúy Nga cho biết dù chưa được tiếp cận với chương trình môn học cụ thể, SGK nhưng qua các phương tiện thông tin đại chúng, cô đã phần nào cảm nhận được những khó khăn trước mắt.

Nhưng thách thức cũng đồng thời là cơ hội để mỗi nhà giáo như cô vươn lên, thoát khỏi lối mòn tư duy, phương pháp dạy học để tìm cho mình cách truyền đạt hấp dẫn nhất đến với học sinh.

Với định hướng thay đổi theo hướng dạy học liên môn tích hợp theo chủ đề, cô Nga hiểu rằng mỗi giáo viên không phải chỉ thực hiện 1 nhiệm vụ như trước là hoàn chỉnh chuyển tải nội dung 1 môn học mà cần có sự trao đổi thông tin, tổ hợp trên tinh thần tích hợp liên môn với các giáo viên khác.

Vì vậy, bên cạnh hoạt động của cá nhân, sự chuẩn bị kỹ lưỡng của mỗi thầy cô còn cần có sự giao lưu học hỏi nhiều hơn, tăng cường trau dồi tri thức, chuyên môn không chỉ ở bộ môn của mình mà cả những bộ môn liên quan có tính liên hệ nhất định.

Ngay từ bây giờ, cô đã xác định và bắt tay vào chuẩn bị để tiếp cận chương trình mới bởi nếu chờ đến khi chương trình mới triển khai thì đã muộn vì không có thời gian để thích nghi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những người truyền lửa cho tương lai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO