Tình hình thời tiết không thuận lợi nên vụ vải thiều năm nay có sụt giảm sản lượng so với năm 2015. Theo ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, sản lượng vải của Bắc Giang, Hải Dương năm nay ước giảm khoảng 10%. Riêng tại Bắc Giang, vào vụ thu hoạch có trên 200 thương nhân là người Trung Quốc đến giám sát thu mua.
Hải Dương, Bắc Giang tìm đầu ra cho vải thiều ngay từ đầu vụ.
Tiếp tục vào những thị trường khó tính
Đến hẹn lại lên,chuẩn bị bước vào chính vụ vải thiều, tâm lý lo ngại, điệp khúc “được mùa rớt giá” lại ám ảnh bà con nông dân vùng vải thiều Bắc Giang, Hải Dương. Không thể không lo khi mà các vụ vải thiều trước đây, bà con nông dân đã có lúc phải bán chỉ 1.000 đồng/ kg vải thiều cho thương lái, chấp nhận lỗ còn hơn nhìn vải thối vì ế.
Tuy nhiên, vụ vải thiều 2015 và 2016, đã không còn điệp khúc được mùa rớt giá đã với nông dân trồng vải khi ngay từ đầu vụ, công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều đã được nhà quản lý nỗ lực thực hiện để tìm đầu ra cho quả vải.
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, năm 2015, thu hoạch vải thiều đạt sản lượng cao, được giá, thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu thuận lợi. Giá trị sản xuất toàn tỉnh đạt khoảng 2.900 tỷ; giá trị xuất khẩu đạt 1.700 tỷ (80 triệu USD). Đặc biệt thị trường tiêu thụ có sự chuyển dịch tích cực: Tiêu thụ tại thị trường nội địa chiếm 55% tổng sản lượng, thị trường xuất khẩu chiếm 45%.
Lần đầu tiên vải thiều tươi của Bắc Giang đã xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Úc, Pháp, Anh, Nhật Bản, Malaysia… đồng thời duy trì ở thị trường truyền thống Trung Quốc và nội địa.
Bước vào niên vụ vải thiều 2016, dù được đánh giá do tình hình thời tiết bất lợi và một số nguyên nhân khác, song vụ vải thiều năm 2016 của tỉnh Bắc Giang vẫn thu hoạch khoảng 130 ngàn tấn, giảm 65.000 tấn so với vụ vải năm 2015.
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, vào vụ thu hoạch vải thiều, toàn tỉnh có khoảng gần 3.000 điểm thu mua lớn nhỏ, với trên 1.500 thương nhân trong và nước về thu mua và giám sát tiêu thụ vải thiều.
Ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho hay, đến thời điểm này, đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký mua vải thiều để đưa vào thị trường Mỹ, Úc, EU… một số doanh nghiệp chuyên xuất khẩu vải thiều như Công ty TNHH Thanh Bình Jeune (Pháp), Công ty TNHH Phong Sơn Tiệm (Hà Nội), Công ty Liên doanh xuất nhập khẩu Teanda (TP HCM) đã đến khảo sát và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với vải thiều đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc, EU... Một số doanh nghiệp trên địa bàn đang xúc tiến, tiếp cận thị trường Trung Đông.
Đặc biệt, ông Thái cho biết, năm 2016, huyện Lục Ngạn - địa phương được coi là “thủ phủ” vải thiều của Bắc Giang đã được Mỹ cấp 15 mã vùng trồng vải cho hơn 200 hộ dân với 158 ha theo tiêu chuẩn Globalgap, với chất lượng đặc biệt. Theo đó, số diện tích vải này được trồng, chăm sóc dưới sự giám sát nghiêm ngặt về quy trình sản xuất của các cơ quan chức năng. Dự kiến sản lượng đạt khoảng 1.000 tấn đảm bảo điều kiện xuất khẩu vải thiều sang Mỹ, Úc, EU... Vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap đạt 12.560 ha, sản lượng dự kiến đạt khoảng 53.000 tấn, đáp ứng nhu cầu sử dụng quả vải chất lượng cao.
Kế hoạch của thương lái Trung Quốc
Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính. Dự kiến năm nay, tại vựa vải Bắc Giang, có tới 200 thương nhân Trung Quốc đến giám sát thu mua. Đây cũng là một thực tế cần phải cảnh giác bởi lâu nay, làm ăn với các thương nhân Trung Quốc vẫn luôn ẩn chứa nhiều rủi ro. Theo khuyến cáo của giới chuyên gia, cần phải thận trọng khi xuất khẩu vải thiều vào thị trường này, nhất là các thông tin về thị trường tiêu thụ, chính sách biên mậu, sự cạnh tranh giữa các thương nhân người Trung Quốc...
Để đẩy mạnh tiêu thụ vải cho niên vụ vải năm nay, tránh tình trạng ùn tắc nông sản như đã xảy ra những năm trước đây, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang cho hay, ngay từ đầu vụ đã lên kế hoạch thực hiện, tổ chức các chương trình kết nối sản xuất, tiêu thụ, xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp nhằm mục đích đưa quả vải tươi vào hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại tại các siêu thị lớn như Co.opmart, Hapro, BigC, Aeon... và các chợ đầu mối hoa quả của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với đó tạo dựng và duy trì mối quan hệ hợp tác gắn bó với đối tác khách hàng Trung Quốc, Lào, Campuchia nhằm tạo tính ổn định, bền vững trong việc chế biến, tiêu thụ vải thiều.
Giới chuyên gia đánh giá, việc nhà quản lý chính quyền địa phương lên kế hoạch bàn giải pháp tiêu thụ vải thiều cũng như các loại nông sản khác cho bà con nông dân nói chung là rất cần thiết.
Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là giải pháp tạm thời, mang tính chất ngắn hạn. Về lâu dài, để các sản phẩm nông sản Việt có đầu ra bền vững, ổn định, cần thiết phải thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, giúp bà con nông dân, nhà sản xuất bảo quản nông sản sau thu hoạch, đồng thời đưa công nghệ chế biến vào sản xuất để có thể đa dạng hoá các sản phẩm nông sản đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và thế giới. Khi đáp ứng được những tiêu chí về công nghệ, sản phẩm vải thiều nói riêng, các mặt hàng nông sản nói chung của Việt Nam mới có thể phát triển bền vững. Lúc đó, đời sống, thu nhập của người nông dân mới được nâng lên.