Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Ảnh: VTV.
Nghị quyết nêu rõ đã đưa ra 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 gồm: Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019; Các bộ được phân công làm đầu mối theo dõi các bộ chỉ số và các bộ, cơ quan được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần; Tiếp tục cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh; Cải cách thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh; Tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Để hiện thực hóa những mục tiêu này, ngay khi vừa ban hành nghị quyết, Tổ công tác của Thủ tướng đã tiến hành họp để đưa ra các giải pháp cụ thể tiếp tục thực hiện con đường cải cách đã vạch ra. Theo đó, Thủ tướng sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, với mục tiêu dự kiến cắt giảm 20% các văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, ít nhất 20% chi phí hành chính tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh mỗi năm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là cắt giảm ngay những quy định là rào cản với hoạt động sản xuất, kinh doanh và ngăn chặn việc phát sinh các quy định mới làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Như vậy Chính phủ, các Bộ, ngành sẽ tiếp tục rà soát quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính.
Cụ thể, sẽ nghiên cứu sửa đổi 25 điểm chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật mà Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) vừa mới chỉ ra. Đặc biệt, phải kiểm soát việc ban hành các thông tư, nhiều rào cản rất lớn đang nằm trong các văn bản này. Cùng với đó, cải cách mạnh mẽ các quy định về kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu. Sẽ không còn tình trạng “cắt cái này mọc cái khác”. Và để tránh thủ tục tiếp tục mọc ra sau cắt giảm sẽ cần hạn chế việc ban hành các thông tư, tiến tới làm sao ban hành nghị định mà không cần thông tư hướng dẫn, để tránh cho được tình trạng một Cục của một Bộ ban hành một công văn mà “cả nước phải theo”.
Dù đã có nhiều giải pháp được ban hành để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong cuộc đua năng lực cạnh tranh toàn cầu, tuy nhiên nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về hiệu quả của những sự cải cách này sẽ không cao nếu gặp rào cản từ những người thực thi chính các thủ tục hành chính.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI chỉ ra thực tế, đang có xu hướng các bộ tách ra để ban hành nhiều văn bản thay vì gom lại, “làm cho quy trình trở nên tốn kém và hệ thống pháp luật trở nên phức tạp”. Rõ ràng, nếu không kiểm soát tốt khâu cán bộ trong tổ chức thực hiện các chủ trương từ cấp cao cho đến cấp thấp, chắc chắn hiệu quả của những sự cải cách sẽ không được như mong muốn.