Khảo sát về vấn đề an toàn nơi công cộng đối với phụ nữ, trẻ em gái và người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) do Tổ chức Plan International Việt Nam và Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy, phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối vẫn cao.
Nỗi lo sợ quấy rối
Khảo sát về vấn đề an toàn nơi công cộng đối với phụ nữ, trẻ em gái và người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) được thực hiện từ ngày 9/6/2023 - 23/6/2023 theo hình thức trực tuyến cho thấy, 87,6% phụ nữ và trẻ em gái tham gia khảo sát cảm thấy an toàn khi đi lại ở nơi công cộng.
So với cuộc khảo sát năm 2021, tỷ lệ phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy an toàn khi đi lại nơi công cộng có xu hướng tăng từ 77,1% năm 2021 lên 87,6% năm 2023. Tuy nhiên, vẫn còn 12,4% phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy không an toàn khi đi lại nơi công cộng và chủ yếu tập trung ở khu vực miền núi và nông thôn.
Cụ thể có 18,5% phụ nữ và trẻ em gái sống ở khu vực miền núi và nông thôn cảm thấy không an toàn khi đi lại nơi công cộng; trong khi tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 10,6%.
Nguyên nhân phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy không an toàn là do sợ bị cướp giật, trộm cắp, tai nạn, bị xâm hại, quấy rối tình dục và sợ bị bắt cóc.
Khảo sát cũng cho thấy, có tới hơn 30% phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy không an toàn ở một số điểm công cộng nơi họ sống. 3 điểm công cộng mà phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy không an toàn nhất là bến xe, bến tàu, bến phà, nhà chờ xe buýt, chiếm tỷ lệ 60,9%; tiếp đến là nhà vệ sinh công cộng (43,6%) và cuối cùng là đường phố, vỉa hè (38,2%). Các địa điểm này là nơi dễ xảy ra nguy cơ bị trộm cắp, bị quấy rối, trêu ghẹo và nguy cơ tai nạn.
Điều đáng nói, có tới 18,8% người tham gia khảo sát cho biết, từng bị hoặc chứng kiến các hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng hoặc trên các phương tiện công cộng. Đường phố, vỉa hè, công viên, sân chơi, xe buýt và phương tiện công cộng là những địa điểm xảy ra quấy rối tình dục nhiều nhất. Phần lớn thủ phạm gây ra các hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng là nam giới chiếm tỷ lệ 92,3%.
Cần những hành động thiết thực
Cũng theo khảo sát, phản ứng phổ biến của các nạn nhân là tìm sự hỗ trợ của người xung quanh hoặc bỏ đi. Tuy nhiên, vẫn có tới 29,7% nạn nhân lựa chọn cách im lặng chịu đựng và không làm gì trước các hành vi quấy rối tình dục của thủ phạm. Đáng chú ý, khi phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối tình dục đề nghị hỗ trợ thì có tới 2,7% phản ứng bằng cách “đổ lỗi cho nạn nhân”.
Thượng tá Khổng Ngọc Oanh - Đội trưởng Đội phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, những năm gần đây, tội phạm xâm hại phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là các hành vi xâm hại tình dục, bạo lực học đường, bạo lực gia đình luôn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng và có diễn biến phức tạp. Ngoài ra, xuất hiện nhiều vụ sàm sỡ, tấn công tình dục nơi công cộng, chung cư, nơi có đông người thuê trọ, những đoạn đường, khu vực vắng vẻ…
Đánh giá về kết quả từ cuộc khảo sát, ông Lê Khánh Lương - Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, vấn đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái ở nơi cộng cộng đã có những cải thiện tích cực hơn thông qua việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đi vào cụ thể một vài khía cạnh cho thấy, các cơ quan chức năng ở cả Trung ương và địa phương cần tiếp tục nỗ lực để thực hiện hiệu quả hơn nữa việc đảm bảo an toàn cho người dân nói chung, phụ nữ và trẻ em gái nói riêng khi tham gia vào các hoạt động ở nơi công cộng” - ông Lương nói.
Ông Lê Khánh Lương - Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH)cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án/Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025. Bộ LĐTB&XH sẽ có các giải pháp hướng dẫn triển khai thí điểm một số mô hình, trong đó có mô hình thành phố an toàn, thân thiện đối với phụ nữ và trẻ em gái, để trên cơ sở đó, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn và áp dụng rộng rãi trên phạm vi toàn quốc.