Thời gian qua, tại một số tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái, Lai Châu, Sơn La… đã xảy ra mưa lũ. Sau mưa lũ, vô số vi sinh vật từ đất, bụi, chất thải… hòa vào dòng nước là nguy cơ và mầm mống tạo ra dịch bệnh với con người.
Xử lý nước sạch.
Để đảm bảo môi trường, phòng chống dịch bệnh sau lũ, ngành y tế các địa phương đã tăng cường cán bộ, nhân viên xuống các thôn bản phun khử khuẩn môi trường, hướng dẫn người dân khử sạch nguồn nước để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm. Sở Y tế các địa phương hỗ trợ cung cấp hóa chất, hướng dẫn người dân triển khai thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt bằng Chloramin B, Aquatabs hoặc những hóa chất khử khuẩn khác tại các vùng bị lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt.
Nhân viên y tế cơ sở cũng đã hướng dẫn bà con thau rửa nền, tường nhà, đồ dùng, vật dụng, xử lý giếng nước bằng CloraminB theo hướng dẫn, phun thuốc diệt khuẩn khu chuồng trại chăn nuôi. Đồng thời tập trung vào công tác truyền thông đến từng cụm bản, điểm tái định cư tạm thời của người dân để hướng dẫn cho người dân cách vệ sinh phòng bệnh. Trong đó có một số bệnh phổ biến như:
Đau mắt đỏ: Mầm bệnh gây đau mắt đỏ thường là nhóm virus Adeno hoặc vi khuẩn nhóm Chlamydia vốn rất sẵn có trong môi trường nước bẩn, tù đọng. Triệu chứng của đau mắt đỏ thường là đỏ một hoặc cả hai mắt; ngứa một hoặc cả hai mắt; cảm giác có sạn ở trong mắt; rỉ dịch ở một hoặc hai mắt; chảy nước mắt. Đau mắt đỏ làm cho bạn có cảm giác như có một vật gì ở trong mắt mà không thể lấy ra được.
Bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường ruột: Các loại bệnh về đường ruột do vi khuẩn (E.coli, tả, lỵ, thương hàn) gây ra. Bệnh tiêu chảy do E.coli (trực khuẩn đại tràng) thường hay gặp, đặc biệt là tiêu chảy cấp do vi khuẩn tả. Các loại bệnh này nếu không phát hiện sớm, có biện pháp chữa trị, cách ly kịp thời sẽ có nguy cơ lây lan thành dịch.
Bệnh viêm đường hô hấp: Trong mùa mưa bão thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt độ thay đổi nhanh chóng, mưa bão bất thường kéo dài, độ ẩm gia tăng, mưa nhiều…, cơ thể con người không kịp “điều chỉnh” để thích nghi nên rất dễ bị cảm lạnh, cúm, nhiễm lạnh dẫn đến hiện tượng viêm họng, ho, sổ mũi, nhức đầu…
Ngành Y tế khuyến cáo: Ở những nơi xảy ra lũ lụt, người dân cần thực hiện vệ sinh môi trường khu vực nhà ở và chung quanh nơi mình sinh sống, nhất là đối với các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm cần vệ sinh chuồng trại một cách triệt để; những gia đình sử dụng nước giếng, xây bể chứa nước sạch nên dùng ni-lông bịt miệng giếng, bể nước khi mưa lũ; chuẩn bị thực phẩm, rau sạch trong nhà để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho mỗi bữa ăn, phòng tránh các bệnh về đường tiêu hóa.
Sau mưa lũ người dân phải thu dọn rác thải, bùn đất, thu gom xác động vật đi tiêu hủy, vệ sinh nhà cửa và khu vực xung quanh nhà, lau rửa bể nước, chum vại đựng nước, rửa sạch nồi xoong, bát đĩa và phơi khô. Với các gia đình có nguồn nước bị ảnh hưởng bởi mưa bão, không nên tiếp tục sử dụng nguồn nước đó, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được cán bộ y tế hướng dẫn cách khử khuẩn nguồn nước bằng CloraminB... Đồng thời, mọi người dân cần thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa tay thường xuyên bằng xà-phòng và xử lý nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt.