“Nông nghiệp và khởi nghiệp” cụm từ được nhắc đến rất nhiều trong thời gian qua. Nông nghiệp là lợi thế đặc biệt của Việt Nam và khởi nghiệp là phương thức thúc đẩy phát triển nông nghiệp”- TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ tại Diễn đàn “Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp” - Diễn đàn Khởi nghiệp lần thứ II diễn ra sáng 27/12 tại Hà Nội.
Khách tham quan và mua sắm tại phiên chợ “Địa chỉ xanh, sản phẩm sạch
của các hợp tác xã nông nghiệp”, sáng 27/12 tại TP Hồ Chí Minh.
“Hệ sinh thái” để thúc đẩy khởi nghiệp
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm này, cả nước mới có khoảng 4.424 trong tổng số hơn 600 ngàn doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, con số này tương đương với tỷ lệ 1% trên tổng số DN hoạt động trên cả nước. Theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, nếu số DN đầu tư vào lĩnh vực này vẫn chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn này, thì ngành nông nghiệp sẽ chưa thể bứt phá.
Theo TS Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI, dù đạt được nhiều thành tựu nhưng nông nghiệp Việt Nam chưa có sự thay đổi mạnh mẽ, chưa bứt phá do nền kinh tế nông nghiệp mới chỉ dừng lại ở kinh tế hộ gia đình, manh mún, không gắn kết nên không phát triển được. Trong khi đó, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế nước nhà, muốn nền kinh tế phát triển bền vững, điều quan trọng đầu tiên là trụ đỡ này phải thật vững chắc.
Theo TS Lộc, khởi nghiệp đang có xu hướng bùng nổ tại Việt Nam. Bên cạnh các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ, nông nghiệp là lĩnh vực khởi nghiệp hứa hẹn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, khởi nghiệp trong nông nghiệp vẫn chưa thể phát triển sâu rộng, nhất là tại các khu vực nông nghiệp, nông thôn. Vì thế, việc xây dựng “hệ sinh thái” cho lĩnh vực này là cần thiết, tạo ra nền tảng hỗ trợ các cá nhân, DN khởi nghiệp trong lĩnh vực giàu tiềm năng, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro này.
“Và để phát triển nông nghiệp cần phải có hệ sinh thái để thúc đẩy khởi nghiệp”- TS Lộc nhận định và nhấn mạnh: Trong thời gian vừa qua, nông nghiệp và khởi nghiệp là hai cụm từ được nhắc đến nhiều nhất. Đây cũng được coi là cứu cánh của nền kinh tế Việt Nam. Nông nghiệp là lợi thế đặc biệt của Việt Nam và khởi nghiệp là phương thức thúc đẩy phát triển nông nghiệp.
Thảo luận về vấn đề khởi nghiệp ở Việt Nam, bà Loreen Weintraub- Tổng Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á Tập đoàn ORCA cho hay, ORCA là tập đoàn tham gia ở Việt Nam nhiều lĩnh vực trong đó có nông nghiệp. ORCA luôn trăn trở với câu hỏi: Tại sao Israel là nước khởi nghiệp tốt? Nếu nói về diện tích thì Israel nhỏ hơn Việt Nam, dân số cũng thấp hơn nhưng hiện tại Israel có đến hơn 5.000 DN khởi nghiệp.
Theo bà Loreen Weintraub, yếu tố quyết định sự phát triển bền vững hiện nay chính là sự thân thiện với môi trường. Do đó các DN khi khởi nghiệp cần phải hướng đến yếu tố này. “Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đã phải trải quan hạn hán nặng nề, vì vậy giải pháp đưa ra là phải lai tạo được những giống mới để phù hợp với khí hậu, điều kiện thời tiết ở Việt Nam. Song song với đó là sự đầu tư về công nghệ sau thu hoạch”- bà Loreen Weintraub chia sẻ quan điểm.
Lĩnh vực nông nghiệp nhiều tiềm năng nhưng cũng lại là
khu vực nhiều rủi ro, ít doanh nghiệp đầu tư.
Lỗ hổng trong đào tạo nguồn nhân lực
“Khởi nghiệp chỉ có thể thành công khi được quốc gia ủng hộ cho tinh thần khởi nghiệp. Thúc đẩy, khuyến khích, tạo ra sự hứng khởi cho khởi nghiệp, khuyến khích sự mạo hiểm trong khởi nghiệp và chấp nhận mạo hiểm. Khi nhà kinh doanh chấp nhận mạo hiểm, xã hội cũng nên khoan dung chấp nhận”- Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc chia sẻ về tinh thần khởi nghiệp hiện nay. |
Theo ông Bùi Khắc Hiền- Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý DN thì DN là một cơ thể sống, chỉ một ý tưởng mà hình thành DN và phát triển thì vô cùng khó. Do đó, ông Hiền khuyến cáo, giới trẻ khởi nghiệp phải có sự khao khát và hoài bão lớn. Đó là yếu tố đầu tiên. Phải luôn luôn có sự sáng tạo, luôn luôn có những ý tưởng mới. Thứ hai, theo ông Hiền, không có gì bằng chính quê hương của mình, bằng sản phẩm đặc thù của mình. “Các bạn trẻ không có sự nghiên cứu thêm về đặc thù của Việt Nam mà áp dụng công nghệ của thế giới vào thì rất khó để thành công. Chúng ta phải luôn tự tìm ra lối đi riêng của mình”- ông Hiền chia sẻ.
Còn ông Ngô Tiến Dũng- Tổng Thư ký Hiệp hội các DN ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cho hay: “Chúng tôi tuyển rất nhiều sinh viên ra trường, đặc biệt ở trường nông nghiệp. Tuy nhiên, các bạn chỉ giỏi về lý thuyết mà thực tiễn lại không áp dụng được. Chúng tôi phải cầm tay chỉ việc và đào tạo cho các bạn. Điều này cho thấy, kinh nghiệm thực tiễn đang là lỗ hổng trong đào tạo nguồn nhân lực hiện nay”- ông Dũng nhấn mạnh.
Để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần một môi trường “vườn ươm” để các “hạt giống” là các kết quả nghiên cứu có điều kiện “nảy mầm”. Môi trường này được gọi là hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp các DN khởi nghiệp phát triển. Tuy nhiên hiện nay, DN khởi nghiệp Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, DN khởi nghiệp rất cần những hỗ trợ ban đầu về dịch vụ, vốn… để biến các ý tưởng của mình thành mô hình, sản phẩm.