Ngày 12/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính sớm trình Quốc hội Nghị quyết về giải pháp hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy hộ kinh doanh lên mô hình doanh nghiệp (DN) để nuôi dưỡng nguồn thu.
Đã xuất hiện khó khăn
Số liệu của Bộ Tài chính cho biết, đến hết tháng 6/2019, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 745,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018. Thu ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đều đạt khá; trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 51,5% dự toán, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây; thu ngân sách địa phương đạt 54,3% dự toán với 50/63 địa phương thu đạt trên 50% dự toán.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn về thu ngân sách nhà nước. Đó là, 3 khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh là thu từ khu vực DN nhà nước, thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài và thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tiến độ thu từ tháng 5 đến nay tuy có cao hơn cùng kỳ nhưng có dấu hiệu chậm lại và thấp hơn so với mức bình quân chung (tương ứng đạt 46,1%, 47,3% và 48,9% dự toán).
Về chi ngân sách, 6 tháng số chi đạt 666.100 tỷ đồng, bằng 40,8% dự toán, tăng 2,6% so cùng kỳ năm 2018. Một vấn đề đáng quan tâm là tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản 6 tháng đầu năm mới đạt 32,4% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cả mức thực hiện cùng kỳ năm 2018 (đạt 33,9%).
Liên quan đến các vụ gian lận về xuất xứ Việt Nam, bao gồm cả các loại hàng nhập khẩu, xuất khẩu giả mạo hàng Việt Nam để lừa dối người tiêu dùng, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, đối với các mặt hàng gỗ, sắt thép, hải quan đã phát hiện một số DN gỗ trong nước khai thu mua nguyên liệu gỗ từ các hộ nông dân, các địa phương để chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ ra nước ngoài. Song, theo điều tra của cơ quan hải quan lại không đúng như vậy. Nhiều địa phương đã ký khống cho các DN để họ có được giấy tờ đầu vào.
“Đề nghị UBND các địa phương không thực hiện hành vi tiếp tay cho DN xuất khẩu. Khi các nước như Mỹ họ điều tra ngược lại về vấn đề truy xuất nguồn gốc thì các sản phẩm của Việt Nam sẽ bị phạt và đánh thuế rất nặng”- ông Cẩn nói.
Tăng cường quản lý thu
Phát biểu tại Hội nghị, Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả mà Bộ Tài chính đã đạt được thời gian qua. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, ngành tài chính vẫn còn một số hạn chế, khó khăn phải đối mặt và giải quyết trong thời gian tới; trong đó có vấn đề về giải ngân, cổ phần hoá tuy có thực chất và hiệu quả nhưng vẫn còn chậm...
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị trong thu ngân sách về dài hạn phải rà soát lại tỷ lệ động viên, tính toán điều chỉnh chính sách thu nhằm nuôi dưỡng nguồn thu và tăng tỷ lệ điều tiết ở một số lĩnh vực nhằm vừa bảo đảm sản xuất, vừa bảo đảm nguồn thu, lộ trình điều chỉnh thuế thu nhập DN, thuế VAT...
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, cấp ủy, chính quyền địa phương để làm tốt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; rà soát, nắm chắc nguồn thu; tiếp tục mở rộng cơ sở thuế; chủ động đề ra các giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu, giảm bớt phạm vi và tỷ lệ quản lý thuế theo phương pháp khoán; rà soát và xác định lại các mức thuế khoán để phù hợp với tình hình thực tế.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tài chính cần tiếp tục siết chặt kỷ luật kỷ cương về ngân sách tài chính, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, bảo đảm bội chi ngân sách trong phạm vi Quốc hội cho phép; rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; cắt giảm tối đa các khoản chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách theo đúng quy định.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị tăng cường kiểm soát tạm nhập tái xuất, thu hút FDI một cách chọn lọc, đấu tranh quyết liệt đầu tư chui, núp bóng, bảo vệ môi trường...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, những tháng cuối năm Bộ sẽ tăng cường quản lý thu, nắm chắc nguồn thu, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp quản lý thu ngân sách phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu; phấn đấu tăng thu khoảng 5% so với dự toán.
Ngoài ra, Bộ Tài chính điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Các bộ, ngành, địa phương quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, theo dự toán; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (cả vốn trái phiếu Chính phủ và vốn vay nước ngoài); tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng; không để phát sinh mới nợ đọng xây dựng cơ bản.