Không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đang có xu hướng tăng đáng kể nồng độ khí ôzôn, loại khí gây ra nhiều bệnh về hô hấp. Trong đó, Hà Nội đang đứng trong danh sách những thủ đô ô nhiễm không khí nhất khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Ô nhiễm không khí là hiểm họa khôn lường cho sức khỏe.
400 tỷ đồng mỗi năm để điều trị các bệnh do ô nhiễm không khí
Theo đánh của các chuyên gia môi trường, ô nhiễm không khí đang là một vấn đề bức xúc đối với môi trường đô thị, công nghiệp và các làng nghề. Tại các khu công nghiệp, các trục đường giao thông lớn, môi trường không khí hiện đã bị ô nhiễm với các cấp độ khác nhau, nồng độ các chất ô nhiễm đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Trong khi đó, sự gia tăng dân số, gia tăng đột biến của các phương tiện giao thông tại các thành phố, trong khi cơ sở hạ tầng còn yếu kém đã làm cho tình hình ô nhiễm môi trường không khí ngày một trầm trọng hơn.
Số liệu của Trung tâm Quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường) cho thấy, tại các nút giao thông và công trình xây dựng, mức độ ô nhiễm tăng lên gấp 5 - 6 lần tiêu chuẩn cho phép. “Thủ phạm” gây ô nhiễm lớn nhất cũng được “điểm mặt chỉ tên” chính là hoạt động giao thông (chiếm tới hơn 70% tỷ lệ gây ô nhiễm). Tiếp đó, hoạt động sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản, xây dựng và dân sinh cũng chiếm một tỷ lệ tương đối về khí thải gây ô nhiễm không khí đô thị. Ngay đến TP Đà Nẵng được coi là tiêu biểu cho “đô thị sạch ở Việt Nam” nhưng 3 năm qua, số ngày có chất lượng không khí kém, không khí xấu ở đô thị biển này tăng lên đáng kể.
Ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề nhức nhối, gây ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe con người và sự “phát triển sạch” của đất nước.Theo khảo sát của Sở Y tế Hà Nội, những năm gần đây có đến 72% hộ gia đình ở Hà Nội có người mắc bệnh do ô nhiễm không khí. Thông tin từ Bộ Y tế cũng khẳng định, các bệnh về đường hô hấp có tỷ lệ mắc cao nhất trên toàn quốc, và một trong các nguyên nhân được xác định là do ô nhiễm không khí. Trong đó, tỷ lệ người dân mắc các bệnh hô hấp tại các làng nghề, khu vực gần các khu sản xuất công nghiệp, nút giao thông... cao hơn rất nhiều các khu vực khác.
Kết quả thống kê cứ 100.000 dân thì có đến 419 người mắc các bệnh về viêm phổi; 350 viêm họng và viêm amidan cấp; 273 viêm phế quản và viêm tiểu phế quản. Mỗi năm nước ta phải chi khoảng 400 tỷ đồng để điều trị những bệnh do ô nhiễm không khí gây ra…
Không thể mãi hành động trên… giấy
Môi trường không khí ô nhiễm nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến bất cập trong công tác quản lý đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết triệt để. Cụ thể là vẫn thiếu các quy định đặc thù cho môi trường không khí; tính hiệu quả, hiệu lực thi hành các chính sách, pháp luật chưa cao và thiếu tính gắn kết. Đặc biệt, chưa thực hiện được việc kiểm soát khí thải tại nguồn, cùng với ý thức tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường của các chủ nguồn thải còn yếu kém...
PGS.TS Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) cho rằng, chúng ta còn nhiều hạn chế trong phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các viện nghiên cứu. Suốt thời gian qua, mỗi ngành, mỗi đơn vị mới chỉ có những nghiên cứu về ô nhiễm như một “lát cắt ngang” ở một thời điểm và trong phạm vi hẹp; chưa có sự phối hợp liên ngành, chưa kết hợp nghiên cứu có hệ thống và áp dụng giải pháp tổng thể với tầm nhìn xa, nhằm cải thiện chất lượng không khí nên hiệu quả chưa cao.
GS.TS Trần Ngọc Chấn, cán bộ giảng dạy thuộc Viện Kỹ thuật môi trường (ÐH Xây dựng Hà Nội) cho rằng, chỉ cần nhìn bảng chỉ số ô nhiễm cứ tăng đều hằng năm là thấy ngay trách nhiệm quản lý, năng lực ứng phó yếu kém của mỗi quốc gia. Dựa trên cơ sở trình độ khoa học công nghệ hiện nay, cùng với một hệ thống chế tài quy định và các ban, ngành quản lý các cấp thì Việt Nam có đủ cơ sở khả thi trong khâu xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng không khí. Vậy tại sao, giảm thiểu ô nhiễm vẫn còn vấn nạn chưa có lời giải? Câu hỏi này đến nay vẫn còn bỏ ngỏ là bởi ý thức trách nhiệm của mỗi người, từ cán bộ quản lý, các nhà khoa học đến từng người dân.
“Chúng ta sẽ mãi không thể cải thiện được gì nếu vẫn chỉ hành động trên giấy. Bầu khí quyển cũng chẳng thể trong lành nếu chỉ chờ các văn bản hướng dẫn. Trong khi đó, hằng ngày, không ít nhà máy, xí nghiệp chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt, bất chấp hậu quả, vụng trộm xả nước thải - khí thải chưa qua xử lý ra môi trường; từng đoàn dài xe quá khổ quá tải không che chắn chạy mù đường; nạn khai thác gỗ, khoáng sản, phá rừng tràn lan”- GS.TS Trần Ngọc Chấn nhấn mạnh.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, giải pháp cho vấn đề này không chỉ nằm ở phạm vi của Tổng cục Môi trường, mà cần đến sự vào cuộc của cả bộ máy, các cấp chính quyền, cho đến mỗi doanh nghiệp và từng người dân… Bởi xét đến cùng, chúng ta đều là nạn nhân nhưng cũng là thủ phạm gây nên tình trạng ô nhiễm. Vì thế, bức xúc, lo lắng ngày hôm nay cần được chuyển hóa thành hành động. Nếu không, bài học trả giá về ô nhiễm sẽ đến nhanh hơn cả mức dự tính của những nhà quản lý.