Học qua truyền hình là hình thức học không mới, có từ cách đây hàng chục năm với nhiều chương trình đã thành thương hiệu của Ban Khoa giáo, Đài truyền hình Việt Nam. Trong thời gian nghỉ học phòng tránh dịch do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra, nhiều địa phương như Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long…cũng đã tổ chức ôn tập kiến thức qua truyền hình cho học sinh (HS).
Học từ xa đang là xu hướng phổ biến ở các nước, giáo dục Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
Tận dụng ưu thế học từ xa
Mới đây nhất, Sở GDĐT TP HCM đã đề nghị Ban khoa giáo Đài Truyền hình TP HCM tổ chức phát sóng ôn tập cho HS lớp 9, 12 từ ngày 24/2. Sở GDĐT TP hỗ trợ nguồn giáo viên đã có nhiều kinh nghiệm trong ôn thi. Giáo viên đều được rà soát năng lực trước khi phát sóng. Hình thức này nhằm tạo điều kiện cho HS ôn tập tại nhà.
Tương tự, nhiều trường dân lập, tư thục và một số trường công lập khối phổ thông cũng đẩy mạnh học trực tuyến thông qua việc giảng bài qua clip và đưa lên trang web, diễn đàn của nhà trường, các nhóm kín giữa phụ huynh và HS… Riêng đối với đại học, việc học online, học từ xa của nhiều trường đã được thực hiện từ lâu với phần mềm chuyên nghiệp cũng như trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc giảng dạy. Như tại Viện ĐH Mở Hà Nội, trong thời gian nghỉ dịch, nhà trường đã mở trên 1.400 lớp học trực tuyến, với hàng vạn lượt sinh viên ghi danh… Nhà trường cũng xây dựng khóa học trực tuyến về kiến thức phòng, chống dịch bệnh do SARS-CoV-2 để tất cả những ai quan tâm đến dịch bệnh có thể theo dõi, tham khảo.
Bên cạnh đó, những trang mạng học trực tuyến đã có sẵn nền tảng công nghệ, học liệu, thầy cô giáo… đợt nghỉ dịch này cũng có thêm lượng người truy cập khá lớn, trong đó phần nhiều là HS và phụ huynh tìm hiểu chương trình ôn tập cho con từ xa, bổ sung kiến thức trong thời gian nghỉ học chính khóa ở trường.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại về hiệu quả của các chương trình học trực tuyến kể trên thực chất chưa được kiểm soát chặt chẽ. PGS.TS Phạm Tất Dong- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khuyến học Việt Nam nhận định trước hết phải ghi nhận sự cố gắng của ngành giáo dục và một số nhà trường… trong việc chia sẻ sự sốt ruột với nhiều bậc phụ huynh trước kỳ nghỉ dài bất đắc dĩ. Trong đó có giải pháp học trực tuyến. Tuy nhiên các trường không nên tận dụng hình thức đó để dạy bài mới, vì điều kiện mỗi gia đình là khác nhau, rất nhiều gia đình không có điều kiện học trực tuyến nên nếu cho các em học, chỉ nên là hình thức ôn tập.
Để không mang tính chất tức thời
Mới đây, Hiệp hội Các trường ĐH- CĐ Việt Nam đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về giải pháp học tập cho HS, sinh viên trong đợt nghỉ do SARS-CoV-2 .
Hiệp hội cho rằng, Nhà nước nên huy động các kênh truyền hình cùng tham gia vào hoạt động giảng dạy nhiều giờ trong ngày, thậm chí cả ngày theo hình thức phi lợi nhuận. Giảng dạy trực tuyến, trong đó có giảng dạy trên truyền hình, là xu hướng chung của giáo dục toàn thế giới, các trường học Việt Nam cũng nên theo, thay vì sử dụng hoàn toàn phương thức dạy học truyền thống như hiện nay. Thời gian này cũng là cơ hội để các trường suy nghĩ về việc triển khai đại trà giảng dạy trực tuyến trong tương lai chứ không chỉ trong thời gian tránh dịch.
Để việc học từ xa không chỉ mang tính chất tức thời, TS Lê Viết Khuyến- Hiệp hội Các trường ĐH- CĐ Việt Nam nhấn mạnh: Hình thức đào tạo từ xa là xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay. Giáo dục Việt Nam cũng không cưỡng lại được xu hướng đó. Trong đó, giao tiếp thầy trò có ý nghĩa với lớp nhỏ còn với lớp 40-50 HS, thậm chí ở các thành phố lớn như Hà Nội có lớp đến 60-70 em thì khó có giao tiếp thầy trò được. Chủ yếu trò xem thầy giảng và ghi chép là chính. Còn với việc dạy qua truyền hình, ngoài các thầy cô giảng dạy chính, các thầy cô khác có thể vẫn tổ chức lớp học theo nhóm chứ không hẳn suy nghĩ cực đoan là ai học thì học, không học thì thôi. Nó khắc phục được việc tập trung đông, bất cứ khi nào có dịch bệnh, tình huống khẩn cấp đều có thể áp dụng triển khai ngay được chứ không bối rối như hiện nay.
Tuy nhiên, TS Khuyến cũng thừa nhận, đến bây giờ, phương thức học từ xa chưa có một quỹ đạo thống nhất trong toàn quốc, đặc biệt là với giáo dục phổ thông. Việc học từ xa trước giờ có triển khai nhưng kế hoạch, chiến lược ở tầm toàn quốc là rất yếu ớt, không tương xứng. Thực tế, một số nơi có triển khai dạy học trực tuyến nhưng kết quả không được công nhận. Bộ GDĐT cần tính toán để có cơ sở đánh giá việc học từ xa, kèm với đó là công nhận kết quả dạy và học đó.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho rằng việc sử dụng công cụ internet, sự truyền tải của nó để phục vụ việc học online và các phần mềm học trực tuyến là 2 việc khác nhau, cần phân biệt rõ. Hiện Bộ GDĐT đã có khung chương trình năm học và các trường có nhiệm vụ thực hiện chương trình đó. Nếu trang mạng hỗ trợ kiến thức cho học sinh thì phải đáp ứng chương trình này. Nếu có gì sai lệch hoặc không chuẩn xác thì cần có thông tin truyền thông, Luật xuất bản… quy định cụ thể vấn đề này.