Học sinh (HS) lớp 12 đang trong giai đoạn chạy nước rút để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đề tham khảo mới nhất được Bộ GDĐT công bố đầu tháng 5 vừa qua có thể được xem là “kim chỉ nam”, giúp cả giáo viên và HS định hướng ôn tập hiệu quả, đúng trọng tâm.
Chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT 2020.
Không chủ quan với kiến thức cơ bản
Theo PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây, về cơ bản không thay đổi nhiều so với năm 2019. Thay đổi chỉ là tạo điều kiện thuận lợi hơn cho HS. Với việc điều chỉnh lại mục đích của kỳ thi, Bộ GDĐT đã công bố đề thi tham khảo phù hợp và nội dung đề thi chính thức tới đây sẽ bám sát với đề tham khảo này. Vì vậy, các trường THPT, giáo viên yên tâm với định hướng này để tổ chức ôn tập cho HS.
Cụ thể, với môn Toán, theo nhận định của nhiều giáo viên dạy Toán, đề thi tham khảo dễ hơn so với đề thi chính thức của kỳ thi THPT Quốc gia các năm trước. Đề vẫn tập trung vào chương trình lớp 12 với phần kiến thức không bao gồm nội dung giảm tải và tinh giản đã được Bộ công bố trước đó. Thầy Phạm Đức Duẩn (Trường THPT Liên Hà, Hà Nội) đánh giá, đề tham khảo phù hợp với thực tế dạy học đầy biến động do dịch Covid-19, có khả năng phân loại tốt giữa nhóm HS có học lực trung bình- khá-giỏi khi 38 câu đầu là kiến thức cơ bản, 7 câu sau đòi hỏi vận dụng thêm kiến thức và 5 câu cuối thuộc dạng khó.
“Một lưu ý là tất cả các câu vận dụng cao trong đề tham khảo môn Toán đều thuộc chương trình học kì I của lớp 12. Còn các câu hỏi thuộc nội dung ở học kì II lớp 12 đều ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Vì vậy, việc ôn tập của HS cũng cần lên kế hoạch theo phương án này để đạt điểm cao nhất trong khả năng của mình” - thầy Phạm Đức Duẩn nêu quan điểm.
Tương tự, với môn Ngữ văn, theo TS Trịnh Thu Tuyết (nguyên giáo viên dạy văn Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội), đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 môn Ngữ văn về cơ bản không có thay đổi so với đề thi THPT quốc gia trong những năm gần đây. Cấu trúc đề vẫn bao gồm 2 phần: Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm). Mức độ yêu cầu cho đề thi tốt nghiệp THPT đã nhẹ nhàng hơn so với đề thi THPT quốc gia trước đây. Việc ôn tập môn Ngữ văn ngoài việc bám sát theo đề thi tham khảo, cụ thể là các nội dung bài ở học kỳ 1 lớp 12, HS cũng cần theo dõi các thông tin xã hội, trong đó có tình hình dịch bệnh Covid-19 vì đây là một trong vấn đề thời sự nhất trong giai đoạn hiện nay để có những liên hệ phù hợp thực tế.
Đề thi bám sát thực tiễn
Một trong những thay đổi của môn tiếng Anh so với đề tham khảo trước đó là có nhiều câu hỏi liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, đề yêu cầu đọc đoạn văn về dịch Covid-19 để trả lời câu hỏi từ câu 36 đến câu 42. Cô Hoàng Thị Thu Hiền, Trường THPT A Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam nhận định số câu hỏi phân loại HS ít đi, song vẫn đủ phân hóa khi HS chỉ cần học tốt kiến thức sách giáo khoa là có thể đạt 5-6 điểm và phải học xuất sắc mới có thể đạt điểm 9 trở lên, điểm 10 là thách thức.
Theo ý kiến nhiều giáo viên, thời gian này là giai đoạn nước rút, thí sinh cần tập trung toàn bộ năng lượng để về đích thành công. Việc nhanh chóng lên kế hoạch cho việc ôn tập phù hợp là vô cùng quan trọng. Và đề thi tham khảo là một trong những tài liệu quan trọng giúp định hướng ôn tập thật hiệu quả trong khoảng thời gian còn lại này. Trước hết, cần rà soát lại toàn bộ các kiến thức gắn với nội dung đề thi tham khảo xem mình đang mạnh, yếu ở đâu để bổ sung, củng cố ngay những phần chưa tốt. Sau đó, tùy vào khối thi cần tập trung hơn cho môn nào để lựa chọn tổ hợp xét tuyển vào ĐH hoặc các mục đích khác.
Việc ôn tập dàn trải ở tất cả các môn, các phần sẽ khó đem lại hiệu quả mà cần có phương pháp, trong đó, mỗi dạng bài có thể sẽ kiểm tra một kĩ năng khác nhau và đều đòi hỏi thí sinh phải nắm vững kiến thức, từ cơ bản đến nâng cao. Nếu chỉ tập trung vào phần kiến thức nâng cao mà bỏ qua kiến thức cơ bản thì sẽ dễ mất điểm ở những câu thậm chí được đánh giá là không khó nên HS cần hết sức lưu ý, không được chủ quan, nhất là trong tình hình đề thi chủ yếu phục vụ cho mục tiêu xét tốt nghiệp thì các kiến thức nâng cao sẽ không nhiều.
Theo PGS.TS Mai Văn Trinh, Bộ GDĐT đã có những tinh giản, vừa đòi hỏi các nhà trường triển khai dạy học để đạt được những mục tiêu căn bản mà chương trình giáo dục phổ thông đặt ra, vừa hỗ trợ tốt các mục tiêu khác, trong đó có mục tiêu tuyển sinh.