Phản biện dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Nhã Phương 05/04/2017 14:10

Ngày 5/4, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường (HĐTV) tổ chức Hội nghị phản biện dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam -TS Lê Bá Trình; GS.TS Phạm Thị Trân Châu, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn chủ trì Hội nghị.

Phó Chủ tịch Lê Bá Trình phát biểu tại hội nghị.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hệ thống các môn học của chương trình giáo dục phổ thông được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc.

Trong một năm học, thời gian thực học các môn học của chương trình giáo dục phổ thông tương đương với 37 tuần gồm: 35 tuần thực học dành cho những môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa và môn học tự chọn bắt buộc; 2 tuần thực học giành cho các môn tự chọn và nội dung giáo dục của địa phương.

Chương trình giáo dục phổ thông cụ thể hóa mục tiêu giáo dục phổ thông, giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời.

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, Tổng chủ biên Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Điểm mới trong phương pháp xây dựng chương trình là vận dụng phương pháp sơ đồ ngược dựa trên bối cảnh thời đại, nhu cầu phát triển đất nước, nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, mục tiêu giáo dục phổ thông, yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực. Mục tiêu của chương trình nhằm cung cấp thông tin chính xác, khách quan, kịp thời về mức độ đạt chuẩn chương trình của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lý và phát triển chương trình, đảm bảo sự tiến bộ của từng học sinh góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Bày tỏ quan điểm của mình, GS Nguyễn Lân Dũng, Phó Chủ nhiệm HĐTV cho rằng, đổi mới căn bản và cải cách giáo dục là một, chỉ khác nhau về cách gọi.

Thực chất của cải cách giáo dục là cải cách về chương trình, đó là việc chính yếu nhất. Trước đây, quan niệm chương trình rất đơn giản, chủ yếu là những nội dung được sắp xếp trước sau với môt lịch trình về thời gian nhất định. Đó là quan niệm chương trình theo cách tiếp cận nội dung. Lần này, trong đổi mới chương trình phải có cách tiếp cận khác, tiếp cận mới, tiếp cận việc xây dựng phẩm chất và phát triển năng lực.

“Mấy năm nay ta thường nói là phát triển năng lực người học. Nói vậy không sai nhưng chưa đủ vì còn phải phát triển cả năng lực của người dạy nữa. Đó là kết quả của sự tương tác giữa thầy và trò với phương pháp sư phạm mới là tôn trọng tư duy độc lập của học sinh. Thầy không phải nắm độc quyền “chân lý” rồi cứ thế áp đặt theo kiểu bề trên chỉ xuống, bắt phải thuộc lòng và ghi nhớ đầy đủ để nói và viết theo, không được sai câu chữ. Thầy phải là người bạn lớn, bình đẳng và cùng đồng hành với học sinh trong quá trình đi tìm “chân lý””, GS Nguyễn Lân Dũng nói.

GS Nguyễn Lân Dũng cũng nhấn mạnh: Đối với giáo dục đời sống và giáo dục công dân, hiện nay các trường phổ thông đang bận rộn dạy kỹ năng sống với 200.000 - 300.000 học sinh nhưng không thành công theo hướng giảng đạo đức mà phải thay đổi phương pháp theo hướng kể chuyện cho các em nghe, những câu chuyện sẽ hướng các em tới những tình huống cụ thể hơn là giảng đạo đức. Vì vậy, muốn giáo dục đạo đức tốt phải đi kèm với các hoạt động ngoại khoá và những người dạy đạo đức phải có đạo đức, phải là tấm gương cho các em nhìn vào.

Ở góc độ khác, GS Nguyễn Khang, thành viên HĐTV, chương trình và nội dung giáo dục phổ thông cần phải được triển khai theo 3 bước liên hoàn: Chương trình khung - chương trình môn học - sách giáo khoa. Trong đó “chương trình khung” sẽ tác động đến toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông gồm con người và cơ sở vật chất. Ngoài ra, đối với học nghề thi phổ thông hiên nay không đúng mục đích.

Hàng năm học sinh lớp 9, lớp 12 “đua” nhau đi học nghề và thi nghề phổ thông chỉ để kiếm từ 1 - 2 điểm khuyến khích trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hoặc xét tốt nghiệp THPT. Không có học sinh nào thích và theo cái nghề đó. Nếu bỏ điểm khuyến khích nói trên sẽ không một học sinh nào đi học nghề và thi nghề phổ thông.

Theo Chủ nhiệm HĐTV, Phạm Thị Trân Châu, hội nghị phản biện đã thẳng thắn trao đổi những vấn đề quan trọng, bức xúc trong giáo dục hiện nay. Các ý kiến này sẽ được tổng hợp đầy đủ để làm tư liệu tư vấn cho Ban Thường trực tổ chức những hội nghị phản biện khác.

Thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình hoanh nghênh những ý kiến góp ý tâm huyết của các thành viên HĐTV. Phó Chủ tịch cho rằng, hội nghị phản biện có liên quan đến nhiệm vụ của UBTƯ MTTQ Việt Nam vì MTTQ có chương trình giám sát trong lĩnh vực giáo dục. Hội nghị phản biện lần này là bước đệm để chuẩn bị trước khi trình Ban Thường trực.

Theo Phó Chủ tịch Lê Bá Trình, Hội nghị phản biện dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được đại biểu thảo luận sôi nổi, trao đổi trực tiếp trên tinh thần xây dựng, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của đất nước.

“Mong rằng sau hội nghị phản biện, HĐTV Khoa học - Giáo dục và Môi trường sẽ tổng hợp các ý kiến phát biểu, thống nhất các nội dung phản biện để gửi lên Ban Thường trực UBTƯMTTQ Việt Nam phê duyệt và trình Đoàn Chủ tịch trước khi gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo”, Phó Chủ tịch Lê Bá Trình nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phản biện dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO