Phát triển đối tượng tham gia BHYT: Nhanh chóng tìm giải pháp tháo gỡ

Lan Hương 05/12/2016 12:05

Theo Quyết định 1584/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2015 - 2020 cho UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thì năm 2016, tỷ lệ bao phủ BHYT là 78% số dân. Song thực tế cho thấy, bên cạnh nhiều nhóm đối tượng có tỉ lệ tham gia BHYT cao (đạt gần 100%), vẫn còn một số nhóm có tỉ lệ bao phủ thấp, chưa đạt như mong muốn.

Ảnh minh họa.

Không ít thách thức

Theo thống kê đến hết quý III/2016, tỉ lệ bao phủ BHYT cả nước đạt 79,41%. So với tỉ lệ năm 2016 được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg, vẫn còn 20 tỉnh, thành phố chưa đạt chỉ tiêu. Theo BHXH Việt Nam các địa phương, những nhóm đối tượng có tỉ lệ tham gia BHYT cao như: người lao động thuộc khối hành chính sự nghiệp, đối tượng được NSNN đóng hoặc được quỹ BHXH đảm bảo kinh phí mua thẻ BHYT (người nghèo, người có công với cách mạng, cán bộ hưu trí, trẻ em dưới 6 tuổi…). Trong khi đó, tỉ lệ bao phủ thấp lại tập trung ở các nhóm: Người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người thuộc hộ gia đình nông- lâm- ngư- diêm nghiệp có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên (HSSV), hộ gia đình.

Đối với hộ cận nghèo, tại Quyết định số 1584/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao các địa phương huy động các nguồn lực tài chính để hỗ trợ tham gia, trước mắt là hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại của các đối tượng thuộc hộ cận nghèo, nhưng đến nay vẫn còn một số tỉnh, thành phố chưa có cơ chế hỗ trợ, nên tỉ lệ tham gia của nhóm này chưa đạt 100%. Còn 9 tỉnh chưa thực hiện hỗ trợ hoặc hỗ trợ một phần cho người thuộc hộ cận nghèo mua thẻ BHYT (ngoài phần được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương). Tính chung, đến hết quý III, cả nước có 2,9 triệu người thuộc hộ gia đình cận nghèo tham gia BHYT (đạt 90,3%; còn khoảng 500.000 người chưa tham gia).

Về nhóm đối tượng HSSV, hiện có 12,3 triệu em tham gia BHYT (11,2 triệu HS và 1,1 triệu SV); còn trên 2 triệu em chưa tham gia. Đặc biệt đối với nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình, Luật BHYT 2014 đã quy định là 100% thành viên trong hộ gia đình phải tham gia, nhưng không quy định phải tham gia ở cùng thời điểm. Do đó, người dân vẫn quen mua thẻ BHYT theo cá nhân và chủ yếu chỉ tham gia khi có nhu cầu KCB. Tỉ lệ người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình rất thấp, mới chỉ đạt khoảng 37%.

Cần đưa vào chỉ tiêu cụ thể

Đánh giá sau hơn một năm triển khai, thực hiện những quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung của Luật BHYT, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho rằng, với nỗ lực phấn đấu của toàn ngành BHXH, chính sách BHYT đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng với hơn 76,5% số dân có thẻ BHYT trong năm 2015. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, khó khăn cần được khắc phục trong thời gian tới.

Theo cơ quan BHXH Việt Nam, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tham gia BHYT không đạt được như mục tiêu đề ra do nhiều địa phương vẫn còn lơ là không chú trọng công tác tuyên truyền. Đơn cử như đối với nhóm đối tượng là HSSV nhiều cơ sở giáo dục vẫn chưa có biện pháp ràng buộc, nên tỉ lệ HSSV tham gia chưa đồng đều và chưa đúng quy định của Luật BHYT.

Đối với nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình, Luật BHYT 2014 đã quy định là 100% thành viên trong hộ gia đình phải tham gia, nhưng không quy định phải tham gia ở cùng thời điểm. Do đó, người dân vẫn quen mua thẻ BHYT theo cá nhân và chủ yếu chỉ tham gia khi có nhu cầu KCB. Tỉ lệ người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình rất thấp, mới chỉ đạt khoảng 37%...

Trước thực trạng trên để thực hiện mục tiêu phát triển BHYT toàn dân, BHXH Việt Nam đã kiến nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục, các Sở GD-ĐT đưa ra những tiêu chí đánh giá, xếp loại để HSSV ý thức được việc tham gia BHYT là trách nhiệm công dân của mình. Đồng thời cũng phải coi đó là một trong những tiêu chí thi đua của nhà trường trong việc giáo dục và chăm sóc sức khỏe HSSV.

Bộ Y tế cần trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 nhằm giải quyết kịp thời vướng mắc về giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHYT, cụ thể hóa hình thức tham gia BHYT theo hộ gia đình và BHYT HSSV. Đối với UBND các địa phương cần phải đưa tỉ lệ tham gia BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, 5 năm của địa phương và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện chỉ tiêu này…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển đối tượng tham gia BHYT: Nhanh chóng tìm giải pháp tháo gỡ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO