Từ nhiều năm nay, ẩm thực Việt Nam đã được các chuyên gia và giới truyền thông quốc tế đánh giá cao, nhiều món ăn lọt vào danh sách món ngon của thế giới.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng xác định văn hóa ẩm thực là dòng văn hóa chủ đạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thương hiệu du lịch quốc gia. Tuy nhiên, để biến những tiềm năng, lợi thế về ẩm thực thành sản phẩm du lịch, tạo điểm nhấn cho từng địa phương thì vẫn còn đó nhiều việc cần làm.
Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn về ẩm thực, nhiều món ăn Việt đã ghi danh trên bản đồ ẩm thực quốc tế, như: phở, bánh mì, bún chả, hủ tiếu, bánh xèo…
Ẩm thực Việt Nam cũng được quảng bá và truyền thông đánh giá cao ở nhiều quốc gia. Chuyên trang du lịch Travel + Leisure (Mỹ) từng nhận xét, Việt Nam là điểm đến có nền ẩm thực hấp dẫn trong khu vực châu Á. Kênh CNN viết Hội An là một trong những điểm đến ẩm thực hàng đầu tại Việt Nam và món ăn đặc trưng nhất làm nên tên tuổi của khu phố cổ này chính là món cao lầu... Nhiều người nổi tiếng thế giới cũng tìm đến Việt Nam để trải nghiệm du lịch ẩm thực, góp phần tạo ra “cơn sốt” cho ẩm thực Việt.
Trong tháng 6 vừa qua, Tập đoàn Michelin công bố danh sách tuyển chọn đầu tiên các nhà hàng đạt chuẩn Michelin Guide Hà Nội và TPHCM, trong đó có 4 nhà hàng được nhận một Sao Michelin (3 nhà hàng ở Hà Nội và 1 nhà hàng ở TPHCM) nhờ có chất lượng món ăn cao; 29 cơ sở ăn uống được thẩm định viên công nhận có món ăn đáng trải nghiệm với giải thưởng Bib Gourmand - hạng mục tôn vinh những nhà hàng phục vụ món ăn ngon với giá cả phải chăng; 70 nhà hàng được giải Michelin Selected.
Từ niềm tự hào đa dạng ẩm thực, cùng sự công nhận của bạn bè thế giới và các chuyên trang, tổ chức quốc tế uy tín, nhiều lễ hội về ẩm thực đã được các địa phương chú trọng tổ chức. Mới đây, trong khuôn khổ Lễ hội Vì Hòa bình 2024 diễn ra tại Quảng Trị, từ ngày 12-14/7, Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực Hương vị miền hoa nắng - Taste of Sunland được tổ chức nhằm tôn vinh sự đa dạng, đặc sắc của nền ẩm thực Việt Nam nói chung và ẩm thực Quảng Trị nói riêng trong hoạt động du lịch. Lễ hội có khoảng 100 gian hàng ẩm thực đến từ các địa phương trên mọi miền đất nước và một số gian hàng món ăn nước ngoài.
Trong đó Quảng Trị giới thiệu đến bạn bè những nét văn hóa ẩm thực mang đậm đà bản sắc của địa phương như: Nem chả chợ Sãi, bún hến Mai Xá, gà Cùa, mẹt heo Gio An lên mâm, cháo bột Hải Lăng, hải sản Cửa Việt, các món ăn của đồng bào Vân Kiều-Pako, các món ăn chay, các sản phẩm OCOP.
Còn nhiều hơn nữa những ghi danh và lễ hội ẩm thực được tổ chức trên cả nước, và từ đây có thể thấy rằng, chúng ta đang ở trong thời điểm “vàng” để thúc đẩy du lịch ẩm thực làm điểm nhấn trong phát triển ngành du lịch không khói.
Trong Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định, du lịch ẩm thực là một trong những dòng sản phẩm quan trọng góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh và thương hiệu du lịch Việt Nam.
Theo đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch ẩm thực hấp dẫn, chất lượng; chú trọng cung cấp các trải nghiệm khám phá về bản sắc văn hóa, sinh hoạt cộng đồng tại điểm đến gắn với các món ăn, đồ uống; quan tâm chia sẻ với du khách không gian ẩm thực hay văn hóa ứng xử trên bàn ăn theo truyền thống, từ đó nâng hành trình khám phá du lịch ẩm thực lên một tầm cao mới.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam Nguyễn Quốc Kỳ, việc xây dựng “Bản đồ ẩm thực Việt Nam” sẽ góp phần tôn vinh, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, từ đó trở thành động lực để phát triển kinh tế, xã hội.
Chính vì vậy, Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 - 2024” của Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) hướng tới xây dựng “Tổng tập 1.000 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam” và chuyển đổi số cơ sở dữ liệu đó thành “Bản đồ trực tuyến ẩm thực Việt Nam” và “Bảo tàng trực tuyến ẩm thực Việt Nam”.
Trong giai đoạn I, VCCA đã nhận được 421 đề cử món ẩm thực được gửi đến từ 60/63 tỉnh thành, qua đó, đã lựa chọn được 121 món ẩm thực tiêu biểu. Trong đó, có 47 món miền Bắc, 37 món miền Trung và 37 món miền Nam. Đây là những tín hiệu tích cực để thúc đẩy phát triển du lịch ẩm thực trên cả nước.
Đánh giá về tiềm năng ngành ẩm thực trong phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch bền vững, ông Phạm Hải Quỳnh - Chủ tịch Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam (VCTC), Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch Châu Á (ATI) cho biết: Ẩm thực có khả năng kết hợp các yếu tố về văn hóa, lịch sử và địa lý để tạo ra trải nghiệm du lịch độc đáo. Trong thời đại ngày nay, du khách luôn tìm kiếm trải nghiệm độc đáo, phù hợp với cảm xúc và giá trị cá nhân của họ.
Do đó, ẩm thực đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút và giữ chân du khách, đặc biệt trong ngành du lịch nơi mà việc bảo vệ văn hóa địa phương và tài nguyên thiên nhiên là ưu tiên hàng đầu.
Trên thực tế, dù sở hữu nhiều món ăn độc đáo, tạo nét đặc trưng cho mỗi vùng miền nhưng để xây dựng chiến lược phát triển du lịch ẩm thực cho từng địa phương lại chưa thật sự phát huy được hết tiềm năng vốn có.
Chẳng nói đâu xa tại Hà Nội, mặc dù ẩm thực được đánh giá, xếp hạng cao bởi nhiều giải thưởng uy tín trên thế giới, như: Top 10 món ăn đường phố ngon nhất thế giới (National Geographic - 2014); top 10 và top 50 món ăn ngon nhất thế giới (CNN Travel - 2015, 2016); đứng thứ 2 trong 18 thành phố có văn hóa ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới (Telegraph - 2017)… Hay mới đây, Hà Nội tiếp tục đứng thứ nhất trong bảng xếp hạng Điểm đến ẩm thực tốt nhất năm 2024 do TripAdvisor công bố...
Tuy vậy, việc khai thác ẩm thực trong phát triển công nghiệp văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng và còn nhiều vấn đề đặt ra để phát huy những giá trị ẩm thực Hà Nội. Trong khi đó, du khách khi tới bất cứ điểm đến nào, họ không chỉ muốn thưởng thức các món ăn ngon, mà còn muốn tìm hiểu về cách làm và nguồn gốc của chúng.
Bàn về giải pháp phát triển du lịch ẩm thực Việt Nam nói chung, du lịch ẩm thực địa phương nói riêng, ông Nguyễn Thường Quân - Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và Việc làm Đầu bếp Việt Nam cho rằng, các địa phương cần quy hoạch những khu phố ẩm thực với khung thời gian hoạt động muộn hơn, tạo điều kiện cho các nhà hàng chất lượng giới thiệu ẩm thực cao cấp tới du khách.
Còn theo GS.TSKH Lưu Duẩn, chuyên gia đầu ngành về công nghệ thực phẩm của Việt Nam nhìn nhận, để đưa ẩm thực Việt Nam đến được với đông đảo du khách trong nước và quốc tế, cần có chiến lược tầm quốc gia về quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới. Đồng thời phải xác định được các tiêu chí để phân biệt, so sánh giữa món ăn Việt Nam với các quốc gia khác.
Theo đó, GS.TSKH Lưu Duẩn đặt ra 5 tiêu chí để đánh giá đó là: Bổ, lành, ngon, rẻ và tiêu chí thứ 5 nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa truyền thống.
Có thể nói, du lịch ẩm thực là một trong những sản phẩm điển hình, mang tính khác biệt, phản ánh bản sắc văn hóa của quốc gia, của cộng đồng địa phương, tạo ấn tượng và sự hấp dẫn lớn đối với du khách. Do đó, làm tốt việc xúc tiến, quảng bá du lịch ẩm thực sẽ góp phần quan trọng trong việc quảng bá thương hiệu quốc gia nói chung cũng như thương hiệu du lịch Việt Nam nói riêng.
Vì vậy, để phát huy hết lợi thế của ẩm thực và du lịch ẩm thực trong phát triển du lịch Việt Nam, trong tương lai cần có kế hoạch cụ thể cho việc phát triển du lịch ẩm thực và sử dụng ẩm thực như một công cụ để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch.
Trong đó cần chú trọng đến việc xây dựng bản đồ ẩm thực tiêu biểu cho các vùng miền, xây dựng thương hiệu gắn với phát triển du lịch tại địa phương, chẳng hạn như xây dựng tour du lịch ẩm thực (food tour) như tại Hải Phòng; cùng với đó là kết hợp các chương trình du lịch gắn với khám phá đặc sản ẩm thực của địa phương; xây dựng các khu ẩm thực đường phố hoặc chợ ẩm thực đêm tại các điểm đến du lịch… Khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành hợp tác với các nhà hàng, nghệ nhân ẩm thực xây dựng các chương trình nấu ăn trải nghiệm cho khách...
Ông Nguyễn Xuân Quỳnh - Tổng Thư ký Liên chi Hội Đầu bếp Việt Nam (Hiệp hội Du lịch Việt Nam): Kết hợp ẩm thực và văn hóa để nâng cao giá trị cho sản phẩm du lịch
Ẩm thực chính là văn hóa, cho nên nếu tách rời ẩm thực và văn hóa hoặc chưa chú trọng đến sự phát triển của ẩm thực thì là một thiếu sót. Khi chúng ta biết kết hợp ẩm thực và văn hóa thì khi đó sản phẩm du lịch ẩm thực mới có giá trị và mới tạo được điểm nhấn.
Chúng ta cần có một chương trình mang tầm cỡ quốc gia nếu muốn quảng bá về ẩm thực Việt Nam. Đặc biệt phải xác định được sản phẩm nào là sản phẩm cốt lõi để quảng cáo cho một giai đoạn. Ví dụ khi chúng ta xác định ẩm thực là văn hóa và ẩm thực là một trong những mũi nhọn khác biệt của Việt Nam thì việc đầu tư, hình ảnh phải sâu rộng, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Phải có những chương trình đặc biệt về ẩm thực để giới thiệu với bạn bè quốc tế, hay những chương trình giao lưu văn hóa của các đại sứ quán ở các nước thì đây là kênh truyền thông rất hiệu quả. Phải có những chương trình rộng và sâu để nhấn vào những đặc sản, những đặc biệt của ẩm thực Việt Nam.
Ngoài ra cần đặc biệt chú trọng đến đào tạo nghề bếp. Cần có những chính sách phù hợp để phát triển nghề bếp tương xứng với nhu cầu và yêu cầu của xã hội. Nên quan tâm về chất lượng đào tạo cũng như các chế độ về nghề để vinh danh nghề bếp trong một kỷ nguyên mới phát triển ẩm thực.
TS Nguyễn Thu Thủy - Chuyên gia marketing và du lịch (ĐH Quốc gia Hà Nội): Xây dựng danh sách điểm đến ẩm thực cho từng địa phương
Chúng ta cần xây dựng danh sách điểm đến ẩm thực riêng cho từng địa phương nếu muốn quảng bá điểm đến ẩm thực, chứ không nên phụ thuộc vào Michelin. Thực ra các sở quản lý du lịch vẫn thường đưa ra những danh sách kiểu như món ăn nên chọn, như Hải Phòng làm bản đồ ẩm thực. Nhưng không phải địa phương nào cũng có danh sách như Hải Phòng. Ở Hà Nội đang tự phát, chưa có cơ quan nào thẩm định các giới thiệu như vậy.
Vì vậy, theo tôi, cần xây dựng tiêu chí rõ ràng rồi mới lựa chọn các địa điểm, món ăn cho bản đồ ẩm thực. Chẳng hạn, tiêu chí cho khách đi riêng lẻ sẽ khác với khách đi đoàn số lượng lớn. Một quán khả năng phục vụ giới hạn có thể phù hợp với khách đi một mình hoặc ít người và tự đi khám phá; trong khi khách đi theo đoàn lớn thì không thể vào những ngõ sâu, ngõ xa được. Có một cách khác nữa là các tiêu chí của người dùng, như chúng ta đi và tự đánh giá. Dựa trên những đánh giá của khách như vậy, chúng ta cũng có thể lập bản đồ. Nghĩa là chúng ta vừa có thể lập bản đồ dựa theo tiêu chí của mình, vừa có thể lập bản đồ theo tiêu chí của khách.
Xây dựng bản đồ ẩm thực không chỉ ngành du lịch mà nhiều đơn vị có thể cùng tham gia hình thành bản đồ ẩm thực, chẳng hạn như các đơn vị liên quan đến văn hóa. Như Hội Di sản văn hóa Việt Nam, họ cũng đã gắn biển Không gian di sản văn hóa ẩm thực cho quán Bún ốc Bà ngoại ở Hà Nội. Đây là không gian được xây dựng với những món Hà Nội xưa được đánh giá cao.