UBND quận Long Biên đã ban hành văn bản quy định một số vấn đề về chuyển mục đích sử dụng đất từ tháng 1/2018, nhưng cán bộ bộ phận một cửa UBND phường Việt Hưng lại khẳng định là… không có và yêu cầu công dân phải… tự đi tìm văn bản.
Quy định có từ đầu năm 2018, nhưng cán bộ bảo không có, khiến công dân mất nhiều thời gian, công sức.
8h30 sáng ngày 5/9, công dân Nguyễn Chí Dũng (trú tại Tổ 11, phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) đến bộ phận một cửa UBND phường Việt Hưng xin xác nhận thực trạng và nhu cầu đất ở, để làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng một thửa đất tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội. Do không nắm được thủ tục, cán bộ bộ phận một cửa tiếp công dân Nguyễn Chí Dũng đã bảo công dân đi về, 10h sáng có mặt để được cán bộ Đặng Thị Oanh Yến, người hiểu rõ thủ tục hơn hướng dẫn, vì lúc đó bà Đặng Thị Oanh Yến đi khai giảng.
Đúng 10h, ông Dũng có mặt tại UBND phường Việt Hưng. Thay vì hướng dẫn, bà Đặng Thị Oanh Yến thông báo với ông Dũng là phường Việt Hưng không xác nhận thực trạng và nhu cầu đất ở của ông, vì việc xác nhận là… thừa.
Ông Dũng đã giải thích với bà Oanh Yến rằng khi làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho thửa đất tại phường Thượng Thanh, cán bộ một cửa phường Thượng Thanh đã yêu cầu phải có xác nhận về thực trạng và nhu cầu đất ở tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì mới tiếp nhận hồ sơ. Bà Oanh Yến vẫn dứt khoát từ chối không xác nhận.
Ông Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Tôi nghĩ việc xác nhận là một thủ tục hết sức đơn giản, nhưng cán bộ bộ phận một cửa đã làm tôi mất ngày mất buổi. Bà Oanh Yến bảo nếu muốn xác nhận thì phải cho bà ấy xem văn bản quy định về việc xác nhận. Nếu không thì thôi. Các văn bản hành chính thì có cả “rừng”. Cán bộ bắt công dân tự tìm quy định thì quá đánh đố?. Sáng nay tôi đã phải xin nghỉ làm nhưng vẫn không xong việc. Không biết phải chạy vạy những cửa nào mới xong. Tôi rất buồn vì việc này. Hay là do thiếu bôi trơn nên cán bộ hành xử như vậy?”.
Hà Nội là địa phương có nhiều nơi chuyển từ làng nên phố. Đất xen kẹt trong khu dân cư khá nhiều và nhiều người dân có nhu cầu chuyển đổi những mảnh đất phù hợp quy hoạch.
Phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã tìm hiểu về thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn Hà Nội nói chung, quận Long Biên nói riêng. Theo đó, ngày 23/1/2018, UBND quận Long Biên đã ban hành Văn bản số 149/UBND-TNMT về việc giải quyết đối với các trường hợp miễn, giảm tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn quận Long Biên do Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đỗ Huy Chiến ký.
Văn bản này nêu rõ: Trường hợp người xin chuyển mục đích không có hộ khẩu thường trú tại địa phương, phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã (nơi người sử dụng đăng ký đất đai thường trú) về thực trạng và nhu cầu đất ở tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Văn bản này đã được chuyển đến các đơn vị liên quan và tất cả các phường trên địa bàn quận Long Biên.
Như vậy, rõ ràng cán bộ bộ phận một cửa UBND phường Việt Hưng không nắm được các quy định trên địa bàn nên đã “hành” dân phải chạy vạy.
Nơi làm việc của bộ phận một cửa phường Việt Hưng.
Hà Nội cũng như cả nước đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan trực thuộc thành phố từ năm 2017. Nhìn chung, việc cải cách hành chính, thực hiện Quy tắc ứng xử của Hà Nội được dư luận đánh giá cao. Mặc dù vậy, trên địa bàn vẫn xảy ra không ít trường hợp cán bộ cư xử thiếu văn hóa, là những “viên đá ngáng đường” cho công cuộc cải cách hành chính, xây dựng văn hóa người Hà Nội.
Điển hình như vụ việc cán bộ bộ phận một cửa phường Văn Miếu (quận Đống Đa) làm khó công dân khi người dân chứng tử. Tiếp đó, vụ việc cán bộ Sở Giao thông Vận tải hành hung nữ nhân viên ở sân bay làm xôn xao dư luận…
Tưởng rằng, thực hiện Quy tắc ứng xử, thực hiện cải cách hành chính và việc thành phố xử lý nghiêm những vụ việc “hành dân” như thế, cán bộ ít nhiều rút kinh nghiệm. Song, hành xử của bà Đặng Thị Oanh Yến ở bộ phận một cửa UBND phường Việt Hưng cho thấy, chỉ một việc rất nhỏ, nhưng cán bộ một cửa vẫn “hành” dân mất nhiều thời gian, công sức đi lại, sắp xếp công việc.