Ngày 29/7, hội thảo “Quản lý đầu tư trong khai thác khoáng sản: Các bất cập và khuyến nghị” do Liên minh khoáng sản phối hợp với Trung tâm Con người và Thiên nhiên và Hội Địa chất kinh tế VN đã được tổ chức cho thấy công tác quản lý, khai thác khoáng sản hiện còn nhiều bất cập.
Công nghệ lạc hậu, dẫn đến tổn thất trong khai thác chế biến khoáng sản. Ảnh: Hoàng Nguyên.
Khai thác nhiều, nộp ngân sách hạn chế
Theo số liệu điều tra địa chất, VN phát hiện được 5.000 mỏ, điểm mỏ. Trong hơn hai thập kỷ qua, ngành công nghiệp khoáng sản của VN đã tăng trưởng nhanh chóng về mặt quy mô. VN hiện đứng thứ 7 về khai thác dầu thô ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đóng góp 2,3% vào tổng sản lượng thiếc và 1,8% tổng sản lượng xi măng thế giới vào năm 2012. Theo Bộ TN&MT, VN đã khai thác 42,6 triệu tấn than, 3 triệu tấn quặng sắt, và nhiều loại khoáng sản khác với trữ lượng lớn vào năm 2013.
Tuy nhiên, khoáng sản VN đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó rõ nhất là việc nhiều loại khoáng sản có nguy cơ cạn kiệt trong tương lai gần. Theo tính toán của Tổng hội Địa chất, số năm khai thác còn lại của dầu khí ở VN là 56 năm, barit là 21 năm, thiếc là 19 năm, chì-kẽm là 17 năm và vàng là 21 năm.
Do công nghệ lạc hậu, tổn thất trong khai thác chế biến khoáng sản ở Việt Nam rất cao, khoảng 40-60% đối với khai thác than hầm lò, 26-43% đối với quặng apatit, 15-30% đối với quặng kim loại và 15-20% đối với vật liệu xây dựng.
Mặc dù được khai thác với quy mô lớn, thu ngân sách từ khai thác khoáng sản rất hạn chế. “Thất thu ngân sách trong khai thác khoáng sản hiện nay là rất lớn khi các nguồn thu chính đều dựa và sản lượng do DN tự kê khai và hiện vẫn chưa có cơ chế giám sát hiệu quả”- ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho biết.
Thiếu minh bạch trong cấp phép
Cấp phép là công đoạn quan trọng nhất trong quản lý tài nguyên khoáng sản. Luật Khoáng sản 2010 quy định hai hình thức cấp phép là đấu giá và không đấu giá. Các tiêu chí để xác định khu vực không đấu giá cũng như tiêu chí để đánh giá và lựa chọn doanh nghiệp hiện chưa được quy định rõ ràng.
“Nhiều DN không mặn mà với các mỏ được đưa ra đấu giá do giá trị kinh tế không cao và rủi ro lớn do mỏ chưa được thăm dò, chi phí dịch vụ đấu giá quá cao”- ông Nguyễn Minh Đức, chuyên viên Ban Pháp chế, Phòng thương mại và công nghiệp VN (VCCI) nói.
Ông Đức cho biết thêm, hiện website của TCĐCKS hiện đăng tải 38 trường hợp xin cấp phép thăm dò khoáng sản không qua đấu giá. Nhưng mỗi trường hợp lại không có thông tin về ngày đăng hay thời gian hết hạn. Trong khi đó, chỉ tính riêng trong 3 năm (2012-2014), Bộ TN&MT đã cấp 112 giấy phép thăm dò khoáng sản không qua đấu giá, 17 trường hợp gia hạn, 95 trường hợp cấp mới.
Khảo sát của VCCI cũng cho thấy có 72% DN khai khoáng thừa nhận phải dựa vào mối quan hệ với cơ quan nhà nước để tiếp cận thông tin, tài liệu. Có 85% DN thừa nhận thường xuyên phải chi trả các khoản tiền không chính thức chiếm tới trên 10% tổng thu nhập của DN. Cơ chế quản lý như hiện nay không tạo ra môi trường minh bạch và cạnh tranh cho đầu tư bền vững. Nhất là khi pháp luật VN không quy định công khai toàn bộ quá trình cấp phép từ thông tin về các DN đăng ký cấp phép đến các DN được lựa chọn cấp phép.