Liên quan đến những vụ ngộ độc thực phẩm gần đây ở Quảng Nam đã khiến 1 người chết, 10 người phải nhập viện, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online đã có cuộc trao đổi với TS.BS Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, ông nhận định vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở huyện Phước Sơn như thế nào? Hiện nay sức khỏe của các bệnh nhân ra sao?
TS.BS Mai Văn Mười: Vụ ngộ độc thực phẩm tại huyện Phước Sơn là rất nghiêm trọng, vì 2 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra liên tiếp trong thời gian ngắn, 10 người mắc bệnh, có những triệu chứng nặng và diễn biến nhanh, phức tạp, đã có 1 ca tử vong mặc dù đã được điều trị tích cực.
Sau khi xác định được các bệnh nhân ăn cá chép ủ chua bị ngộ độc botulinum và được sự hỗ trợ của 3 chuyên gia hàng đầu về chống độc của Bệnh viện Chợ Rẫy, họ đã mang 5 lọ thuốc giải độc botulinum ra Quảng Nam hỗ trợ điều trị.
Ngay lập tức 3 bệnh nhân nặng đã được truyền thuốc giải độc botulinum, sau đó có 2 bệnh nhân có khả năng cai được máy thở. Còn các ca bệnh khác như 2 bệnh nhân ở xã Phước Kim ngộ độc botulinum mức độ nhẹ sức khỏe đã cải thiện, 4 ca ngộ độc còn lại ở xã Phước Đức tình trạng hiện tại ổn định.
Tại Quảng Nam đã từng xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm như thế này chưa?
Trước đây ở Quảng Nam đã từng xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm thậm chí hậu quả còn nặng nề hơn. Đó là vào năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm làm 19 người mắc, 6 người tử vong, 1 người di chứng mù mắt.
Cụ thể, 11 vụ ngộ độc thực phẩm tại huyện Nam Giang với 16 người mắc, trong đó 4 người tử vong, 1 người di chứng mù mắt, nguyên nhân của vụ ngộ độc thực phẩm nghi do rượu có chứa methanol. Và 1 vụ ngộ độc thực phẩm tại huyện Nam Trà My với 3 người mắc, trong đó 2 người tử vong, nguyên nhân của vụ ngộ độc thực phẩm do độc chất Koumine, Gelsemine từ rượu ngâm rễ cây rừng.
Thưa ông đâu là những nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả đáng lo ngại này?
Những vụ ngộ độc thực phẩm lớn tại Quảng Nam đều xảy ra ở các vùng sâu, vùng xa, tại một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều phong tục, tập quán truyền thống trong chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm, nếu sơ sẩy trong chế biến và bảo quản thực phẩm là dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Như món cá chép ủ chua do bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum nên đã gây ra ngộ độc thực phẩm đối với các trường hợp vừa qua.
Vi khuẩn Clostridium botulinum tồn tại nhiều ở ngoài môi trường và có thể lẫn trong nhiều loại nguyên liệu thực phẩm, lúc này vi khuẩn ở dạng có vỏ bọc chịu đựng tốt với đun nấu thông thường gọi là bào tử. Vi khuẩn có đặc điểm kỵ khí, chỉ phát triển trong môi trường thiếu không khí, không phát triển được trong môi trường chua (pH<4,6), mặn (nồng độ muối ăn >5%).
Như vậy, các thực phẩm khi chế biến có lẫn một vài bào tử vi khuẩn do quy trình sản xuất không đảm bảo, sau sản xuất thực phẩm được đóng gói kín như chai, lọ, hộp, lon, túi, trong khi đó không đủ độ chua, độ mặn tạo điều kiện vi khuẩn phát triển và tiết ra độc tố botulinum.
Đây là nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc thực phẩm, trước đây hay gặp ngộ độc thịt hộp, tuy nhiên các thực phẩm khác như rau, củ, quả, thịt, hải sản,… nếu được sản xuất chế biến và bảo quản không đúng cách đều có thể gây ngộ độc độc tố Clostridium botulinum.
Không chỉ món cá chép ủ chua mà các món ăn khác không được chế biến đảm bảo vệ sinh cũng gây ra ngộ độc thực phẩm, dùng các thực vật lạ dễ gây ngộ độc thực phẩm như: nấm rừng, cây củ, quả rừng, côn trùng lạ... Cần có biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương như món cá chép ủ chua.
Vậy làm thế nào để chúng ta tránh hay hạn chế tối đa những vụ ngộ độc thực phẩm trong tương lai?
Thật ra trong thời gian qua, Sở Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương tuyên truyền về công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Như chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác truyền thông về an toàn thực phẩm dưới nhiều hình thức tuyên truyền trên truyền thông đại chúng; in ấn các tờ rơi, tờ gấp cấp phát về các địa phương để tuyên truyền cho người dân; tuyên truyền lưu động; tuyên truyền trực tiếp đến người dân…
Mới nhất ngày 18/3, Sở Y tế đã ban hành công văn số 524/SYT-NVY để chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Trong đó yêu cầu các địa phương khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn các món thịt, cá ủ chua.
Đồng thời chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm y tế các huyện, thành phố thường xuyên tuyên truyền hướng dẫn vệ sinh cá nhân, ăn chín uống chín, rửa tay với xà phòng; phòng, chống ngộ độc rượu và ngộ độc do độc tố tự nhiên, vệ sinh môi trường, triển khai hoạt động tuyên truyền nguyên nhân gây ra ngộ độc do độc tố Clostridium botulinum.
Chú trọng rà soát nắm kỹ các lễ, hội ở từng địa phương để hiểu rõ phong tục, tập quán làm cơ sở tuyên truyền để thay đổi hành vi sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Đối với món cá chép ủ chua, chúng tôi khuyến cáo người dân không sử dụng món này, cá chép ủ chua đã gây 2 vụ ngộ độc vừa rồi, và cần có biện pháp chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm đối với những món ăn mang tính truyền thống hoặc tập quán địa phương. Cùng với đó là tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng; không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ; không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc; không ăn nấm đã bị dập nát, hư hỏng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!