Do vướng quy hoạch treo mà hơn 15 năm qua, 28 hộ dân với hàng trăm con người phải sống trong cảnh đầy rẫy khó khăn, bởi nơi đây không thể xây dựng một công trình dân sinh nào. Đất sản xuất thì mùa mưa ngập nặng, nhà cửa ngày càng xuống cấp. Đó là tình cảnh của người dân ở tổ 1, thôn Trung Toàn, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Nhà cửa xuống cấp nhưng không được sửa chữa do vướng dự án.
Từ phản ánh của người dân, chúng tôi đã tìm về nơi đây, len lỏi đi theo con đường đất chật chội để được vào làng bởi nằm trong vùng quy hoạch, chính quyền có muốn xây đường cho dân cũng khó. “Một khi đã quy hoạch rồi thì vướng đủ thứ hết. Người dân kiến nghị xã nghe cũng xót xa lắm”- Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quang Huỳnh Thị Mỹ Dung chia sẻ.
Qua tìm hiểu được biết, khoảng năm 2003, Dự án Khu hành chính cảng Kỳ Hà đi vào thực hiện, 50 hộ dân ở đây cứ nghĩ mình sẽ được tái định cư ở một nơi tốt hơn. Thế nhưng chỉ một nửa trong số họ được giải tỏa. Nhiều gia đình dời đi để lại những căn nhà trống vắng dần dà trở thành “địa điểm hút chích” cho những con nghiện, cũng như bãi rác tự phát mọc lên làm ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của người dân.
Bà Nguyễn Thị Nhung (86 tuổi), tổ 1, thôn Trung Toàn cho biết: “Tụi hút chích nó ngang ngược lắm. Có lần tụi nó hút vô xong xách dao đi vào nhà tôi. Tôi kêu người thân, hàng xóm tới thì nó bỏ đi và bảo là đi nhầm nhà. Đến giờ kể lại tôi vẫn chưa hết sợ”. Còn ông Lê Tấn Ngọn nói rằng: “Con nghiện đến đây làm bà con lo lắng lắm phải gọi đàn ông trong làng kéo hết đến để hù dọa. Hoặc chúng tôi hù rằng, sẽ gọi công an thì bọn chúng mới sợ bỏ đi”.
Chưa hết, cứ nghĩ khu dân cư này đã giải tỏa đền bù, vì thấy cây dại mọc um tùm ở những nhà bỏ hoang, dân ở những thôn khác đã biến nơi này thành bãi rác tự phát. “Họ vô tư mang rác thải sinh hoạt đổ ở đầu con đường dẫn vào tổ 1 khiến môi trường bị ô nhiễm nặng”- một người dân cho biết.
Cứ thế, những người dân ở lại mòn mỏi đợi chờ giải tỏa đền bù, nhưng chờ mãi cũng chẳng thấy đâu. Chưa có đường bê tông, chưa có hạ tầng điện bài bản, chưa có nước sạch hay hệ thống thoát nước, họ sống xen kẽ với những ngôi nhà hoang và nhà đang ở xập xệ, xuống cấp, nên cảnh làng quê ngày càng tiêu điều, hoang phế. Thậm chí người dân cho biết, cưới vợ gả chồng cho con thì chẳng thể nào làm căn nhà mới để sinh sống cho đường hoàng, tử tế. Tất cả là do vướng vào quy hoạch.
Ông Lê Tấn Ngọn cay đắng nói: “Gần cả đời tôi ở đây rồi mà chưa thấy quê mình phát triển ra sao. Vẫn phải đi đường nhầy nhụa đất đỏ và ngập nước khi mùa mưa về. Riêng nhà tôi xây dựng mấy chục năm rồi, mưa thấm qua ngói mà chẳng thể xây dựng mới được”.
Dân nơi này bảo họ bị “bỏ rơi” vì ngần ấy thời gian chính quyền chẳng thể đầu tư một công trình dân sinh nào để phục vụ đời sống của họ. Vì không có hệ thống thủy lợi, kênh mương tiêu, mỗi khi mùa mưa đến, nước từ khắp nơi đổ về nơi này làm ngập úng cục bộ. Công việc sản xuất vì thế cũng bị đình trệ.
Chị Lâm Thị Liên là người có mảnh vườn nhỏ trồng hoa, rau màu nuôi sống gia đình 5 nhân khẩu than thở: “Mỗi khi mưa xuống, đất ngập không có hệ thống thoát nước nên toàn bộ hoa, rau nhà tôi ngập úng chết sạch, mất hết vốn liếng. Qua Tết, đợi nước rút hết mới trồng trọt được. Dân ở đây chẳng tha thiết chi việc giải tỏa nữa vì kêu mãi khản cả cổ rồi. Chỉ mong sao môi trường mình sống được bình đẳng như các tổ dân cư khác ở xã này là có đường sá sạch sẽ, có kênh mương, cống thoát nước để khỏi ngập mà sản xuất và được sửa chữa nhà để con cái có chỗ ra vô sinh sống an toàn”.
Liên quan đến vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quang Huỳnh Thị Mỹ Dung cho biết: Đúng là dự án nói trên chỉ giải tỏa được 22 trong tổng số 50 hộ dân. Nhiều lần cử tri kiến nghị, bức xúc nhưng xã vẫn không thể giải quyết được vì nằm ngoài thẩm quyền. Chúng tôi đề nghị cấp trên, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai quan tâm giải quyết giải tỏa 28 hộ dân còn lại. Còn không thì phải cho xã cơ chế riêng để đầu tư các công trình thiết yếu phục vụ cho nhân dân sinh hoạt và sản xuất, chứ người dân phản ánh mãi mà không giải quyết được cho họ thì thiệt thòi cho dân.