'Quên' hạ tầng

Ngọc Quang 11/05/2023 07:07

Ngày 10/3, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 126 gửi bộ trưởng các bộ, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Công điện cho biết, tại một số khu đô thị, khu dân cư, khu nhà ở dành cho công nhân, người thu nhập thấp còn thiếu các công trình hạ tầng; cần phải được nghiêm túc khắc phục.

Công điện của Thủ tướng cũng chỉ rõ, nhiều khu đô thị mới thiếu trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; trạm y tế; hệ thống nhà vệ sinh công cộng, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Để khắc phục, riêng đối với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần khẩn trương kiểm tra thực trạng, ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư xây dựng mới các công trình hạ tầng giáo dục thuộc trách nhiệm đầu tư của Nhà nước. Yêu cầu chủ đầu tư dự án và các cơ quan, tổ chức có liên quan khẩn trương thực hiện hoàn thiện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng trong dự án.

Thời gian qua, các khu đô thị mới, các khu chung cư mọc lên nhanh chóng trong các thành phố, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên, nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mới mặc dù đã bàn giao nhà và người mua cũng đã về ở từ lâu, nhưng vẫn không hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài.

Về nguyên nhân, việc chủ đầu tư chưa hoàn thiện dự án đúng như quy hoạch được xác định là nguyên nhân chính. Thực tế cho thấy, nhiều chủ đầu tư xây những khu nhà cao vài chục tầng rất nhanh, vội vã bán, kể cả bán ngay khi nhà chưa hình thành (thường được gọi là bán nhà trên giấy). Còn lại, những công trình thuộc về hạ tầng phục vụ cho khu dân cư thì làm qua quýt, hoặc... quên không làm.

Từ đó dẫn đến bức xúc của người dân. Ở đây, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư nhưng cũng là trách nhiệm của địa phương “ngó lơ” cho chủ đầu tư “ăn bớt” quyền lợi của người dân.

Tại Hà Nội, vấn nạn chỉ xây nhà mà “quên” hạ tầng khá phổ biến. Vào tháng 2 năm nay, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các công trình công cộng tại các khu đô thị; giao Sở Tài nguyên và Môi trường lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đối với các dự án khu đô thị, khu nhà ở, dự án đầu tư xây dựng các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra sai phạm và đề xuất biện pháp khắc phục. Đáng chú ý, lãnh đạo Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì rà soát, đánh giá thực trạng công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội trên địa bàn; đẩy mạnh việc xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng xã hội tại các khu đô thị trên địa bàn.

Theo kết quả giám sát của HĐND thành phố, hiện trên địa bàn Hà Nội có khoảng 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô diện tích từ 2ha trở lên, trong đó có 98 dự án đã cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng; 168 dự án đang triển khai đầu tư và đầu tư chưa hoàn chỉnh. Đáng chú ý, một số dự án công trình hạ tầng xã hội thiết yếu như trường học, vườn hoa, cây xanh, hồ nước, bãi đỗ xe, khu vui chơi giải trí... chậm triển khai, chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch của dự án được phê duyệt. Cá biệt, tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), hàng loạt chung cư cao tầng mọc lên, khiến dân số tăng chóng mặt, nhưng hạ tầng về trường học chưa được đáp ứng, dẫn đến tình trạng hàng trăm phụ huynh đã phải “chơi trò may rủi” là “bốc thăm suất học” vào trường mầm non công lập.

Việc thiếu cơ sở hạ tầng nói chung đã gây ra những bất tiện không nhỏ cho người dân, cho dù các dự án đều được duyệt quy hoạch chi tiết với đầy đủ hạng mục hạ tầng, cảnh quan, kiến trúc, giao thông, trường học, bảo đảm tỷ lệ đất và xây dựng công trình giáo dục phù hợp với quy chuẩn. Không ít cuộc thanh tra, kiểm tra đã được thực hiện nhưng đâu vẫn hoàn đó.

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, quá trình chuẩn bị lập dự án và hồ sơ phê duyệt dự án đều đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật. Tuy nhiên công tác giám sát thực hiện dự án lại có sự buông lỏng, khi phát hiện vi phạm, công tác xử lý còn lỏng lẻo. Một số chủ đầu tư lợi dụng kẽ hở pháp lý để chây ỳ, chậm hoàn thiện những hạng mục kém sinh lời.

Với dự án nhà ở, chủ đầu tư bán nhà được cho dân thì sẽ thu được lợi nhuận cao, nhưng với cơ sở hạ tầng công cộng, nhiều chủ đầu tư thấy không có lời nên cố tình “quên”. Dư luận đặt câu hỏi: Trong những trường hợp này, vai trò của chính quyền địa phương ở đâu?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Quên' hạ tầng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO