Quốc hội thảo luận Bộ luật Hình sự (sửa đổi) Nghiêm khắc với tội phạm tham nhũng

Hoài Vũ 17/06/2015 09:44

Ngày 16-6, Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở hội trường về Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Nhiều ĐBQH đã cho ý kiến về quy định người bị kết án tử hình về các tội danh có mục đích kinh tế sau khi kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình.

Quốc hội thảo luận Bộ luật Hình sự (sửa đổi) Nghiêm khắc với tội phạm tham nhũng

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh phát biểu tại phiên thảo luận, ngày 16-6

Ảnh:Hoàng Long

Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân

Bày tỏ quan điểm tán thành với Tờ trình của Chính phủ về vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) nhận định, việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Dự thảo Bộ luật Hình sự là phù hợp. Tuy nhiên ông Tám cho rằng: Đây là vấn đề mới, cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn để thuận tiện trong áp dụng. Vì vậy, cần rà soát lại các quy định này, như cần bổ sung quy định pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân nào trong khái niệm về tội phạm.

Ủng hộ việc truy cứu trách nhiệm hình sự với pháp nhân, ĐB Đỗ Văn Đương phân tích: “Có tới 119 quốc gia đã làm, trong khu vực có 6 nước. Thực tế các nước quy định pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự, doanh nghiệp Việt Nam sang nước ngoài vi phạm luật thì bị xử lý hình sự. Nhưng doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam vi phạm luật lại xử lý hành chính. Vì vậy, pháp nhân đã phạm lỗi hình sự và phạm lỗi hành chính thì không nên khước từ trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Người ta không xử tù, xử bắn pháp nhân mà hình phạt các nước áp dụng chính là đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động, đặc biệt nhất là phạt tiền.

Cũng theo ông Đương, quan trọng nhất là khi đã truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân thì con đường chứng minh lỗi và chứng minh thiệt hại của pháp nhân bằng con đường tố tụng tư pháp sẽ chặt chẽ, bài bản, có điều kiện hơn và như thế mới quy được trách nhiệm cụ thể của pháp nhân, buộc pháp nhân phải thay đổi cách xử xự. “Nếu không muốn mất uy tín trong thương trường thì anh phải thay đổi cách xử sự, không được gây ô nhiễm môi trường, không được trốn thuế, không được sản xuất hàng giả, không được làm những điều gây hại cho xã hội điều đó là quan trọng”- ông Đương nói

Không thể dùng tiền đổi mạng

Nhắc lại Điểm c, Khoản 2, Điều 39 quy định “Người bị kết án tử hình về các tội danh có mục đích kinh tế sau khi bị kết án mà chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình”, ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) cho rằng, như vậy là không công bằng với các tội tử hình khác, tạo kẽ hở để tội phạm tham nhũng có thể lợi dụng dùng tiền để đổi mạng. Sau khi nhấn mạnh “làm như vậy chẳng khác nào khuyến khích, dung túng, bao che cho tham nhũng. Tham nhũng là quốc nạn đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Chúng ta đã kiên quyết phòng, chống tham nhũng nhưng đến nay kết quả không đạt được như mong muốn”, ông Niễn gay gắt cho rằng, để ngăn chặn loại bỏ quốc nạn này, lý ra chúng ta cần phải có hình phạt nghiêm khắc hơn thì lại làm ngược lại. “Áp dụng điều luật này khác gì bỏ án tử hình đối với tội tham nhũng, và nhân dân chắc chắn sẽ không tha cho chúng ta nếu đạo luật được thông qua”- theo ông Niễn.

Liên quan đến phòng, chống tham nhũng, ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ)- Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng đề nghị, không nên bỏ tội danh cố ý làm trái về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Theo ông Khánh, tội tham nhũng là tội ẩn, cho nên trong nhiều trường hợp vì lý do khách quan và chủ quan mà không làm rõ được tính vụ lợi thì hiện nay chúng ta đang sử dụng tội cố ý làm trái để xử lý những trường hợp liên quan đến tội tham nhũng mà chúng ta chưa chứng minh được động cơ vụ lợi. “Do vậy, nếu bỏ tội này sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm, không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội tham nhũng trong giai đoạn hiện nay”- ông Khánh nhấn mạnh.

Về việc quy định cơ chế “chuyển hình phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành hình phạt tiền, án cải tạo không giam giữ”, ĐB Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) đề nghị, không quy định chế định chuyển hình phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án cố tình không chấp hành án phạt tiền, án cải tạo không giam giữ. Theo ông Trường: Nếu không quy định rõ sẽ dẫn đến sự phân biệt tầng lớp giàu, nghèo, người giàu với người nghèo và trong trường hợp những người nghèo không có tiền thì bị đi tù, còn những người giàu thì không. Đồng quan điểm, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM), Phó Chánh án TAND TP.HCM nói: “Việc quy đổi tiền qua hình phạt tù là không thực tiễn và khó áp dụng trên thực tiễn”.

“Nhân đạo với tội phạm là vô nhân đạo với xã hội”

Đó là vấn đề được ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt ra khi nhận định về việc luật quy định “không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình đối với người từ trên 70 tuổi trở lên”. Ông Thuyền đề nghị, cần cân nhắc hết sức kỹ, bởi nếu chúng ta quá nhân đạo với tội phạm thì vô nhân đạo với xã hội. Ông Thuyền đặt vấn đề: “Cơ sở nào để chúng ta quy định người trên 70 tuổi không phạm tội đặc biệt nghiêm trọng? Nếu có người trên 70 tuổi cầm đầu đường dây buôn bán ma túy lớn gây nguy hiểm cho xã hội thì chúng ta có tử hình không? Vậy cơ sở khoa học nào để chúng ta đưa ra mức 70 tuổi?”.

Đồng quan điểm, ĐB Triệu Là Pham (Hà Giang) cho rằng, việc không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình đối với người từ trên 70 tuổi trở lên là chưa hợp lý. Bởi thực tế ở Việt Nam những người ở độ tuổi này không hiếm, có khả năng là người tổ chức, cầm đầu tội phạm, còn có thể phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. “Tôi đề nghị luật nên bỏ quy định này để xem xét lại quy định cho phù hợp tình hình thực tế hiện nay”- ông Pham cho hay.

ĐB Trần Xuân Hùng (Hà Nam) cũng đề nghị, không nên miễn trách nhiệm hình sự đối với người từ 70 tuổi trở lên. Bởi tuổi 70 ngày xưa là hiếm song ngày nay cũng rất phổ biến. “Người 70 tuổi nhìn chung vẫn còn khả năng về thể lực và trí tuệ. Thực tế, nhiều nước ở lứa tuổi này còn phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, nước ta cũng thế. Còn có thể là những người cầm đầu các tổ chức tội phạm, xâm phạm an ninh quốc gia, khủng bố, rửa tiền. Vì vậy, cần có sự phân hóa cụ thể nhóm tội và trường hợp phạm tội cụ thể để áp dụng bảo đảm hiệu quả phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tội phạm”- ông Hùng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quốc hội thảo luận Bộ luật Hình sự (sửa đổi) Nghiêm khắc với tội phạm tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO