Giám sát - Phản biện

Quy định gây khó cho người lao động?

Lê Bảo 15/05/2024 10:06

Tại Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đề xuất cắt hưởng trợ cấp thất nghiệp khi lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng. Quy định này đã vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình từ phía người lao động cũng như của đại diện các công đoàn cơ sở.

anh-bai-tren.jpg
Người lao động tìm kiếm việc làm. Ảnh L.H.

Bất công với người lao động

Cụ thể theo Điều 111 của Dự thảo quy định người lao động (NLĐ) đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, làm việc sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp trừ một số trường hợp nghỉ mà không cần báo trước theo quy định Bộ luật Lao động. Chiếu theo quy định này, chỉ người nghỉ việc vì bị quấy rối tình dục, ngược đãi, đánh đập, tổn hại danh dự... đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mới được Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chi trả trợ cấp.

Trước đề xuất trên, chị Kim Thu Hạnh - công nhân khu công nghiệp Bá Thiện 2 (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, là công nhân với đồng lương ít ỏi nhưng không ai muốn “nhảy việc” bỏ việc giữa chừng để hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ vì bất đắc dĩ mới buộc phải đơn phương chấm dứt hợp đồng. “Đơn phương nghỉ việc đã chịu nhiều thiệt thòi tại công ty giờ ngay cả chính sách trợ cấp thất nghiệp trong lúc chờ xin việc mới cũng bị cắt thì NLĐ như chúng tôi biết trông chờ vào đâu. Với NLĐ như chúng tôi tiền trợ cấp thất nghiệp lúc mất việc là khoản tiền rất có ý nghĩa” - chị Hạnh giãi bày.

Không chỉ NLĐ, về phía doanh nghiệp (DN) nhiều đại diện DN cũng lên tiếng và cho rằng, đề xuất trên không “bình đẳng” với NLĐ. Tại buổi “Đối thoại tháng 5” do Liên đoàn Lao động TPHCM tổ chức mới đây, đại diện nhiều DN cũng cho rằng, đề xuất không cho NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đơn phương chấm dứt hợp đồng là chưa hợp lý. Đại diện Công ty TNHH Lạc Tỷ (TPHCM) cho rằng, ngoài những tình huống quy định trong luật, thực tế có rất nhiều lý do khiến lao động đơn phương nghỉ việc, ví dụ: nữ sau sinh cần thời gian chăm con, công việc không còn phù hợp với điều kiện, sức khỏe... Bộ Luật Lao động cũng xác định một người nghỉ việc đúng luật khi tuân thủ thời gian báo trước.

Ông Nguyễn Đức An - Công ty TNHH Đức An (Hà Nội) cũng cho rằng, theo luật hiện hành, họ sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp kèm một khoản hỗ trợ học nghề. Nếu theo quy định mới họ sẽ rơi vào tình huống đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nên bị từ chối chi trả trợ cấp, mất luôn quyền lợi được hỗ trợ đào tạo nghề.

Đại diện DN nhỏ và vừa ở Hà Nội cho hay, công nhân tại công ty rất hoang mang trước đề xuất không cho NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bởi lẽ đa phần lý do nghỉ việc là đơn phương từ phía NLĐ vì lý do cá nhân, chứ chẳng NLĐ nào muốn nghỉ việc mà ngồi chờ DN sa thải.

Nếu đề xuất dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được thông qua thì khi NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy định cũng không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Cần giữ nguyên quy định hiện hành

Đây là đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam xung quanh quy định đối tượng được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo đó, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, giữ nguyên quy định về điều kiện hưởng như luật hiện hành. Lý do bởi, qua tổng hợp ý kiến của các cấp công đoàn, đa số đồng tình với việc NLĐ nghỉ việc đúng pháp luật được hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhằm chia sẻ, hỗ trợ khi nghỉ việc, đảm bảo quyền tự do lựa chọn việc làm. Mặt khác, chính sách trợ cấp thất nghiệp đối với NLĐ nghỉ việc đúng pháp luật vừa là quyền, vừa là cơ hội để NLĐ quan tâm đến công tác an sinh, phát triển việc làm. NLĐ bị sa thải được xác định là chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định pháp luật. Song, Công đoàn cho rằng cần xem xét hậu quả của việc NLĐ bị sa thải không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hơn nữa, người bị sa thải thường khó tiếp cận việc làm mới, do đơn vị sử dụng lao động sẽ căn cứ lý do sa thải để từ chối tiếp nhận. Điều này sẽ gây khó khăn cho NLĐ được tiếp tục tham gia vào việc làm chính thức, và hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, thực tế không ít DN muốn sa thải NLĐ mà không có lý do chính đáng, nên đã thực hiện nhiều hình thức, mánh khóe như: Đẩy chỉ số đánh giá hiệu quả công việc (KPI) lên mức không thể thực hiện được; ban hành nội quy trừ lương, thưởng và các khoản thu nhập khác khi không bảo đảm được KPI, vi phạm các lỗi nhỏ trong quá trình làm việc… Từ đó, khiến NLĐ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thu nhập quá thấp, không đủ chi trả cho nhu cầu sống cơ bản hàng ngày; bị ép đơn phương chấm dứt hợp đồng. Đáng chú ý, một số DN còn thực hiện các hành vi “giấu tay”, như trao đổi thông tin giữa các DN với nhau, khiến NLĐ gặp khó khăn khi tìm việc mới.

“Theo pháp luật hiện hành, các hành vi kể trên của DN đều không phạm luật. Trong khi đó, dự thảo Luật lại không cho phép NLĐ được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời gian khó khăn tìm kiếm việc mới, là không bảo đảm được mục đích của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, nhằm hỗ trợ cho NLĐ thực sự khó khăn về việc làm” - Tổng LĐLĐ Việt Nam lo ngại. Vì thế, Tổng LĐLĐ đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định phù hợp liên quan đến vấn đề tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội của NLĐ bị sa thải. Trường hợp đơn vị sử dụng lao động không tiếp nhận lao động, thì NLĐ vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy định gây khó cho người lao động?