Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ- nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, không phải đến bây giờ vấn đề quy hoạch lại các trường sư phạm mới được đặt ra mà cách đây hàng chục năm, đã có những thống kê về việc thiếu hàng nghìn giáo viên ở một số cấp học, môn học trong khi nhiều sinh viên sư phạm ra trường vẫn thất nghiệp. Quy hoạch là việc cần thiết và phải làm ngay chứ không thể nêu ra rồi để đấy.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh minh họa.
Dư thừa là tất yếu
Nhìn nhận việc dôi dư một lượng lớn giáo viên hiện nay, ông Nhĩ cho rằng, đây là hệ quả tất yếu của một thời kỳ mà các trường ĐH, CĐ ở nhiều địa phương trên cả nước đua nhau mở thêm khoa sư phạm. Năm 1994, đã từng thực hiện quy hoạch trên 200 trường sư phạm lại còn khoảng 70 trường... Tuy nhiên, sau đó do thực hiện phổ cập tiểu học và THCS cần đến số lượng lớn giáo viên nên các trường lại đua nhau đào tạo, việc quản lý lỏng lẻo dẫn đến hàng nghìn cử nhân sư phạm ra trường không có việc làm.
Điều này thể hiện rõ là hiện nay khi thực hiện phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi thì thiếu một lượng lớn giáo viên mầm non được đào tạo bài bản. Đối với cấp Tiểu học, cũng thiếu giáo viên do thực hiện dạy học 2 buổi trên ngày, một số địa phương thiếu giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn do triển khai Đề án ngoại ngữ đến năm 2020…
Theo ông Nhĩ, việc tuyển sinh của nhiều trường sư phạm lâu nay không theo yêu cầu của thực tế mà theo năng lực hiện có nên dẫn đến người thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu. Sắp tới thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, vấn đề đào tạo những sinh viên sư phạm đang theo học phải được tính toán chu đáo, tránh dẫn đến tình trạng đào tạo ra nhưng không đáp ứng được chương trình giảng dạy mới, phương pháp mới. Tất nhiên, song song với đó là vấn đề đào tạo, tập huấn đội ngũ giáo viên đang có để triển khai thành công chương trình, sách giáo khoa mới.
Quy hoạch như thế nào?
Từ việc phân tích nguyên nhân dẫn đến bất hợp lý trong thừa – thiếu giáo viên, ông Nhĩ đồng tình với ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục hiện nay là phải thực hiện quy hoạch lại hệ thống các trường sư phạm. Vấn đề là quy hoạch như thế nào với hàng trăm cơ sở đào tạo hiện có ở cả Trung ương và địa phương, cả bậc ĐH, CĐ và TC?
Qua những bài học trước đây cùng việc học hỏi kinh nghiệm của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, ông Nhĩ cho rằng trước hết ngành giáo dục cần có những bàn thảo kỹ lưỡng, không chỉ tiếp nhận ý kiến từ một phía. Đặc biệt, bản thân các trường sư phạm hiện nay cũng cần lên tiếng để góp phần hoạch định tương lai của chính mình.
Cụ thể, cần tính đến quy hoạch lại thành bao nhiêu trường sư phạm, dựa trên cơ sở nào? Trước hết, theo ông Nhĩ cần phải nhìn nhận xu thế xã hội hiện nay, đó là quy mô dân số đã ổn định nhưng xu thế chung của thế giới là dân số già đi và giảm đi… Quy định chung của ngành giáo dục là mỗi lớp khoảng 30-35 học sinh nhưng ở thành phố lớn, những nơi tập trung đông dân cư và đặc biệt ở các trường điểm, mỗi lớp có thể lên tới 60 học sinh thì giáo viên dư thừa là đúng.
Tiếp đó là Bộ GD&ĐT khi đưa ra đề xuất các dự án, đề án định thực hiện cần tính toán đến lượng giáo viên cần thiết để chỉ đạo đặt hàng các trường sư phạm đào tạo tập trung vào đó. Chẳng hạn, với Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai từ năm sau, vấn đề dạy học liên môn đã được nhiều chuyên gia nhắc đến sẽ được giải quyết thế nào?
Trước mắt, có thể các thầy cô đang giảng dạy sẽ được tập huấn nhưng về lâu dài, rõ ràng chương trình đào tạo ở các trường sư phạm phải đáp ứng được điều này để sinh viên ra trường có thể thực hiện được ngay, không cần trải qua đào tạo lại. Hoặc chương trình quy định đối với cấp tiểu học sẽ học 2 buổi 1 ngày, còn cấp THCS, THPT thì sao? Nếu thực hiện học 1 hay 2 buổi trong ngày rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến số lượng giáo viên tối thiểu ở mỗi trường…
Thứ ba là tính toán được lượng giáo viên sẽ nghỉ hưu trong thời gian sắp tới để tuyển dụng thêm cử nhân sư phạm mới ra trường. Giống như khối ngành quân đội, công an, khi họ đào tạo có “địa chỉ đầu ra” thì rõ ràng việc sắp xếp việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp không còn là vấn đề đau đầu. Tuyển sinh ít, chất lượng nâng cao là đương nhiên.
Chính trong mùa tuyển sinh năm nay, một số trường, khoa sư phạm như ở ĐH Vinh khi tuyển bổ sung đợt 2 đã nâng mức điểm xét tuyển lên cao hơn đợt 1 nhiều do đợt 1 đã tuyển được 80%, đợt 2 tuyển ít nên chất lượng được tinh lọc hơn. Hoặc như ĐH Sư phạm TP HCM, một trong những trường Sư phạm có điểm chuẩn cao trong nhiều năm qua năm nay cũng vẫn có một số ngành như Ngôn ngữ Nga lấy điểm chỉ trên điểm sàn một ít do cơ hội việc làm sau khi ra trường của sinh viên ngành này rất khó khăn.
Thị trường không cần hoặc cần với số lượng cực kỳ ít, vậy đào tạo ra để làm gì? Câu hỏi này, chính các trường phải trả lời đầu tiên khi xác định lại trường mình sẽ nằm ở đâu khi ngành giáo dục thực hiện lại quy hoạch hệ thống các trường sư phạm.