Bộ GDĐT đang xây dựng Đề án quy hoạch lại các cơ sở giáo dục đại học (ĐH), trong đó có các trường sư phạm. Tuy nhiên, để hoàn thành nhiệm vụ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục (ĐH) và sư phạm giai đoạn 2021 - 2030, sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm trọng điểm tại các vùng, miền trong năm học 2019-2020 thì vẫn còn nhiều việc phải làm.
Ảnh minh họa.
Cấp thiết nhưng không dễ
Theo thống kê của Bộ GDĐT, cả nước đang có 113 cơ sở đào tạo giáo viên, bao gồm 14 trường ĐH sư phạm, 48 trường ĐH đa ngành có đào tạo giáo viên, 30 trường cao đẳng sư phạm (CĐSP), 19 trường cao đẳng (CĐ) đa ngành có đào tạo giáo viên và 2 trường trung cấp (TC) sư phạm. Cùng với đó là 40 trường TC đa ngành đang đào tạo giáo viên mầm non.
Hàng năm, số lượng sinh viên sư phạm tốt nghiệp đều tăng. Theo kế hoạch, tới năm 2020 quy mô đào tạo sư phạm chiếm 10% trong tổng số sinh viên tuyển mới.
Tuy nhiên, nhìn vào đội ngũ giáo viên tiểu học, THCS, THPT về cơ bản gần như đã đủ, thậm chí thừa ở một số bộ môn, một số nơi và một số cấp học như thống kê của nhiều địa phương cho biết. Cụ thể, theo thống kê của các địa phương, toàn quốc hiện nay thiếu 5.315 giáo viên tiểu học; thừa 12.165 giáo viên THCS và thừa 4.260 giáo viên THPT. Một số môn học như: Tin học, Ngoại ngữ ở bậc THCS và tiểu học do nhu cầu dạy học 2 buổi/ngày nên đang thiếu giáo viên. Trong khi đó, giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc bậc tiểu học lại thừa ở một số nơi.
Đặc biệt, đối với bậc mầm non, hiện nay cả nước thiếu 34.641 giáo viên do nhu cầu gửi trẻ tăng cao, trong khi tổng biên chế giáo viên của các tỉnh/thành phố có xu hướng giảm (do thực hiện tinh giản biên chế) nhưng số lượng giáo viên tuyển ở các bậc học trên (đặc biệt là THCS và THPT) có xu hướng thừa so với nhu cầu, do đó không còn biên chế cho bậc học mầm non.
Từ thực tế này cho thấy sự cần thiết, cấp bách trong việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm. Đây cũng là vấn đề được đặt ra nhiều năm qua đối với ngành giáo dục nhưng thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc. Đề án quy hoạch lại các cơ sở giáo dục ĐH, trong đó có các trường sư phạm do Bộ GDĐT xây dựng dự kiến sẽ rà soát, sắp xếp và quy hoạch để hình thành 10 cơ sở đào tạo giáo viên trung tâm có uy tín nhưng sát nhập ra sao, quy hoạch lại thế nào thì không dễ bởi câu chuyện này còn liên quan đến các địa phương, các trường với hàng triệu cán bộ và giáo viên, nhân viên của các cơ sở này.
Kỳ vọng bứt phá
Việc sắp xếp, quy hoạch lại đến giờ vẫn chưa công khai bản kế hoạch chi tiết trong khi từ phía các trường, các chuyên gia giáo dục và cán bộ quản lý lại có nhiều ý kiến khác nhau.
Nhóm nghiên cứu quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm đến năm 2020, tầm nhìn 2035 phục vụ đề án tổ chức lại các trường sư phạm đang đưa ra đề xuất đến năm 2025 cả nước sẽ chỉ còn 6 - 8 trường sư phạm chủ chốt. Đến năm 2030, tiến hành sắp xếp tổ chức để hệ thống có 3 trường sư phạm trọng điểm ở 3 miền Bắc - Trung - Nam phát triển theo mô hình ĐH và từ 3 đến 5 trường sư phạm chủ chốt. Các cơ sở đào tạo giáo viên khác sẽ được chuyển thành vệ tinh của các trường sư phạm trọng điểm và chủ chốt. Trong đó sẽ giảm số lượng trường sư phạm ở các địa phương theo hướng sát nhập, giải thể các trường không đạt chuẩn chất lượng nhằm đảm bảo quy mô đào tạo được xác định hợp lý, hiệu quả.
Trong khi đó, GS Nguyễn Văn Minh (ĐH Sư phạm Hà Nội) đề xuất xây dựng hệ thống trường sư phạm gồm khu vực phía Bắc 3 cơ sở, miền Trung 2 cơ sở, miền Nam 2 cơ sở và Tây Nguyên 1 cơ sở. Nguồn lực của các cơ sở này có thể đào tạo từ 15.000 - 20.000 nhân lực giáo dục mỗi năm. Các cơ sở khác, các trường CĐSP thành các phân hiệu, cơ sở thực hành, bồi dưỡng... trở thành nơi phát triển giáo dục địa phương.
Chia sẻ thực tế đào tạo tại Trường ĐH Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ, TS Đỗ Tùng- Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, quy mô của trường hiện nay gần 10 nghìn học viên, sinh viên. Trong 3 năm trở lại đây, theo qui định, hằng năm, nhà trường thực hiện lộ trình giảm trên 20% chỉ tiêu đào tạo chính quy sư phạm. Việc này cũng tác động tới việc giảm chỉ tiêu đào tạo liên thông vừa học vừa làm tương ứng, khiến việc thực hiện nhiệm vụ của các giảng viên gặp phải một số khó khăn.
Vì vậy, TS Tùng cho rằng tới đây khi sắp xếp, tổ chức lại các trường ĐH nói chung, các cơ sở đào tạo giáo viên nói riêng phải có lộ trình cụ thể; có đánh giá tác động và đặc biệt phải phải căn cứ vào nhu cầu cụ thể của từng địa phương; căn cứ vào đội ngũ, cơ sở vật chất của cơ sở đào tạo, tránh tình trạng sát nhập một cách cơ học, không đảm bảo mục tiêu đề ra, gây hoang mang tâm lý cho đội ngũ nhà giáo và phản ứng tiêu cực trong xã hội.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng việc quy hoạch thành 6 hay 8 hay 10 trường chủ chốt Bộ GDĐT cần cân nhắc kỹ bởi việc này động chạm và ảnh hưởng đến hàng triệu con người, không chỉ giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường mà còn cả gia đình họ. Còn nếu chỉ sáp nhập trên giấy tờ mà trên thực tế không làm chặt, mạnh tay với các trường không đạt chất lượng thì sẽ không thể đảm bảo mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên.