Chỉ còn nửa tháng nữa, một đơn vị cấp huyện và hơn 90 đơn vị cấp xã tại Nghệ An chính thức sáp nhập theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Cùng với đó sẽ có hơn 1.700 cán bộ dôi dư.
76 tỷ đồng hỗ trợ cán bộ dôi dư
Theo quy định, bắt đầu từ ngày 1/12/2024, Nghệ An chính thức sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã trong giai đoạn 2023-2025 theo Nghị quyết số 1243/NQ-UBTVQH15 và Đề án mở rộng địa giới hành chính cũng như không gian đô thị TP Vinh.
Giai đoạn 2023-2025, Nghệ An sẽ sáp nhập toàn bộ thị xã Cửa Lò và một phần huyện Nghi Lộc vào TP Vinh. Sau khi hoàn tất việc sắp xếp, Nghệ An sẽ giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã.
Sau sáp nhập có khoảng 1.754 cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, Ủy viên Thường trực MTTQ, Ủy viên Thường vụ các đoàn thể cấp xã và lao động hợp đồng hỗ trợ, phục vụ thuộc diện dôi dư.
Đứng trước vấn đề này, tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 18 về chính sách hỗ trợ đối với các nhóm đối tượng dôi dư. Theo Nghị quyết này, Nghệ An sẽ sắp xếp theo phân nhóm đối tượng như sau: Đối với các trường hợp nghỉ hưu trước tuổi sẽ được hỗ trợ 3 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.
Đối với những trường hợp thôi việc ngay, sẽ được hỗ trợ 1 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc... Đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã sẽ được hỗ trợ bằng 1 tháng phụ cấp hiện hưởng (tối đa không quá 15 tháng); Ủy viên Thường trực MTTQ và Ủy viên Thường vụ các tổ chức chính trị, xã hội cấp xã được hỗ trợ một lần với số tiền 3,2 triệu đồng/người.
Nguyên tắc thực hiện chính sách là, đối với trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh, người lao động chỉ được hỗ trợ theo chức danh có mức phụ cấp cao nhất. Thời gian công tác để tính hỗ trợ được xác định theo nguyên tắc, từ đủ 1 tháng đến đủ 6 tháng sẽ tính là 1/2 năm. Từ trên 6 tháng đến 12 tháng sẽ tính là 1 năm. Thời gian công tác tính hỗ trợ là tổng thời gian công tác, nếu đứt quãng sẽ được cộng dồn. Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng dôi dư là 76 tỷ đồng.
Có khó khăn sau sáp nhập
Ông Nguyễn Trọng Anh, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Chương cho biết, số cán bộ, công chức dôi dư của huyện khoảng 155 người. “Chúng tôi đang vận động cán bộ đủ điều kiện để hỗ trợ trước, những đối tượng khác sẽ thực hiện dần trong thời gian tới", ông Anh nói.
Nói về khó khăn, ông Nguyễn Trọng Anh, cho rằng: Sau sáp nhập, một số vị trí giữ cấp trưởng sẽ giữ chức danh cấp phó, có thiệt thòi về mặt chế độ. Việc này cũng gây khó khăn, vất vả khi tiến hành sắp xếp.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Nội vụ, UBND huyện Nghi Lộc cho biết, huyện này có 34 cán bộ, công chức và 24 người không chuyên trách thuộc diện dôi dư. Lộ trình sắp xếp kéo dài tới 2029 nên vẫn còn thời gian để thực hiện.
Về khó khăn, ông Dũng nhận định: Nhiều cán bộ, công chức dôi dư tại các đơn vị còn trẻ, đủ sức khỏe, năng lực, trình độ để làm việc. Bởi vào năm 2010, Nhà nước có cơ chế tuyển dụng công chức, do đó thời gian công tác của nhóm công chức này đang dài, do đó việc vận động sắp xếp cũng sẽ có khó khăn.
Trong khi đó, ông Ngô Trí Cương, Trưởng Phòng Phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên (Sở Nội vụ Nghệ An) cho biết, các địa phương có 1 tháng để kiện toàn nhân sự mới từ ngày 1/12/2024 khi Nghị quyết sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã có hiệu lực. Về nhân sự dôi dư sẽ được giải quyết trong vòng 5 năm. Nếu người nào có nhu cầu nghỉ sẽ lập danh sách gửi lên và căn cứ chính sách hỗ trợ đã ban hành để chi trả.