Việc siết hay nới điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần là một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm mỗi lần sửa Luật Bảo hiểm xã hội; trong khi số người cao tuổi không có lương hưu ngày càng gia tăng. Từ đó cho thấy nếu không sớm giải quyết bài toán rút bảo hiểm xã hội một lần thì gánh nặng trợ cấp xã hội cho người già không có lương hưu sẽ rất nan giải.
Nhờ tháo vát nên dù mở tiệm kinh doanh nhỏ ở làng quê song bà Nguyễn Thị Tú ở Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) cũng có được cuộc sống ổn định và lo cho 3 đứa con ăn học. Tuy nhiên, những năm gần đây xu hướng bán hàng online trên mạng xã hội trở nên thịnh hành ở làng quê thì tiệm kinh doanh của bà giảm doanh thu trông thấy.
Thấp thỏm nỗi lo tuổi già
Trước đây mỗi tháng trừ chi phí bà Tú kiếm được từ 15 đến 20 triệu đồng thì nay cả tiền hàng cũng chưa được 10 triệu đồng. Ba người con đã lập gia đình có công ăn việc làm nhưng thu nhập cũng chỉ đủ trang trải vì thế không thể hỗ trợ được bố mẹ. Lúc này bà mới thấy tiếc vì đã không tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện để về già còn có sổ hưu.
“Trước vợ chồng tôi cũng được cán bộ bưu điện rồi cán bộ xã đến vận động và tuyên truyền về lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, nhưng thay vì mua BHXH tự nguyện thì tôi chọn mua bảo hiểm nhân thọ (BHNT) cho hai vợ chồng với mức đóng 15 triệu đồng/năm/hợp đồng. Lúc đó nghe tư vấn, tôi chắc mẩm gom góp tham gia 10 năm lấy về cũng được khoản kha khá để an dưỡng tuổi già nhưng ai dè hóa ra theo hợp đồng tôi phải tham gia đến khi 72 tuổi mới hết hạn. Biết không ổn nhưng cũng không dám chia sẻ với ai, những năm trước buôn bán được còn có tiền đóng, giờ đến tiền ăn hàng tháng cũng khó lấy đâu để theo BHNT tới cùng” - bà Tú giãi bày.
Gom góp tiền để mua BHNT là câu chuyện khá phổ biến ở các vùng quê. Lợi dụng tâm lý không có lương hưu của người dân, nhiều tư vấn bảo hiểm đã bất chấp thủ đoạn đưa ra những lời đường mật về quyền lợi để người dân mua BHNT.
Không phải đóng đến khi 75 tuổi, song bà Nguyễn Thị Hoa ở Phù Ninh (Phú Thọ) đến giờ vẫn chưa hết ấm ức vì trót đăng ký gói BHNT. “Vì bản thân có nhiều bệnh nên bà lựa chọn gói quyền lợi về sức khỏe với mức hợp đồng 10 triệu đồng/năm, chấp nhận đóng 12 năm nhưng khi hết hạn hợp đồng chỉ được số tiền theo cam kết là gần 100 triệu đồng. Thế nhưng từ khi tham gia BHNT, 2 lần đi viện phải mổ nhưng chưa một lần tôi được BHNT thanh toán với lý do không nằm trong danh mục được bảo vệ. Hai lần đi viện là hai lần phải vay mượn tiền vì thế tôi đã mua bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình. Nhờ có thẻ BHYT mà hàng tháng tôi dễ dàng đi kiểm tra sức khỏe hơn. Song điều đáng lo nhất lúc này là về già không có lương hưu. Giá như lúc trước mỗi tháng bỏ ra 500 nghìn đồng tham gia BHXH tự nguyện thì giờ không phải sống trong thấp thỏm vì không có lương hưu” - bà Hoa chia sẻ.
Không tham gia BHNT nhưng bà Hoàng Thị Lan (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng có chung nỗi lo khi bước vào tuổi xế chiều, song vẫn phải lặn lộn với miếng cơm mang ào hàng ngày. Để có tiền chi tiêu, sinh hoạt, buổi sáng bà Lan phải dậy từ 4 giờ để kịp đồ xôi mang ra chợ bán. Ở tuổi 60, không có lương hưu, không có trợ cấp, mọi khoản chi tiêu, bà đều trông chờ vào thúng xôi này.
Trước đây, bà Lan từng có thời gian làm công nhân rồi chọn nghỉ việc theo chế độ 176 (nghỉ việc nhận các chế độ trợ cấp một lần). Khoản tiền mấy chục triệu đồng bà nhận về khi đó chỉ đủ để mua bộ bàn ghế và một chiếc xe máy tầm tầm cho gia đình. Kể về cảnh chật vật mưu sinh, bà Lan tiếc nuối cho quãng thời gian đã từng đóng BHXH trước đây của mình. “Giờ tuổi cao, đáng lẽ được nghỉ hưu an nhàn thì hàng ngày vẫn phải lo làm kiếm sống. Rồi lúc khoẻ đã vậy, chỉ sợ lúc ốm đau, lại không có đồng ra đồng vào. Nhìn sang bà hàng xóm lĩnh lương hưu hằng tháng lại thèm giá như hồi đó suy nghĩ sâu xa, không lựa chọn rút bảo hiểm một lần” - bà Lan thở dài lo lắng.
Những con số đáng lo ngại
Khi về già, người ta thường có 3 nỗi lo lớn, đó là con cái, sức khỏe và tài chính. Lương hưu sẽ giúp cho mỗi người giảm nhẹ áp lực cả 3 vấn đề trên. Thế nhưng theo ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), hiện cả nước có 12 triệu người cao tuổi, song cơ quan BHXH mới đang chi trả cho trên 3 triệu người hưởng lương hưu, hoặc trợ cấp hằng tháng. Ngân sách nhà nước đang chi trả cho khoảng trên 1,7 triệu người cao tuổi để hưởng trợ cấp hằng tháng. Như vậy còn khoảng trên 7 triệu người cao tuổi hiện nay không được hưởng bất kỳ chính sách trợ cấp nào từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ BHXH.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng dự báo, nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ ngân sách nhà nước thì đến năm 2030, Việt Nam sẽ có trên 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu.
Đáng báo động hơn hiện nay tình trạng rút BHXH một lần ngày càng gia tăng. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, giai đoạn 2016-2021, có khoảng 4,6 triệu người hưởng BHXH một lần. Số người rút BHXH một lần cụ thể qua các năm: năm 2020 có 860.000 người, năm 2021 có 960.000 người, năm 2022 có 895.000 người.
Với nhiều người, số tiền rút BHXH một lần tưởng có thể “ra tấm, ra món” nhưng rồi cũng chỉ đủ trang trải trong vài tháng ngắn ngủi và lại tiếp tục lo mưu sinh.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Thọ - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho rằng, 2 năm qua, dịch Covid-19 tác động không nhỏ tới đời sống của người lao động (NLĐ). Khi Việt Nam bước vào giai đoạn bình thường mới, NLĐ quay trở lại thị trường lao động chưa được bao lâu thì nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng đồng nghĩa với việc NLĐ phải giãn việc, ngừng việc, nghỉ luân phiên và không ít người mất việc, lâm vào tình cảnh khó khăn. Giải pháp duy nhất họ nghĩ đến là rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống.
Giải pháp nào giữ người lao động ở lại với bảo hiểm xã hội?
Trước thực tế trên, dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này đã đưa ra 2 nhóm quy định để NLĐ cân nhắc việc rút BHXH một lần. Về nhóm gián tiếp, sẽ có các quy định tạo cơ hội để họ dễ dàng hưởng lương hưu hơn như giảm số năm đóng BHXH tối thiểu hưởng lương hưu, có thêm liên kết tầng giữa trợ cấp hưu trí xã hội và BHXH cơ bản. Như vậy, NLĐ sẽ có thêm lựa chọn để hưởng lương hưu thay vì rút bảo hiểm, rời khỏi hệ thống.
Về nhóm giải pháp trực tiếp, đề xuất quy định về hưởng BHXH một lần với 2 phương án: Giữ như quy định hiện hành; hoặc được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Cùng với nhóm giải pháp này, để giữ chân NLĐ, dự thảo cũng đưa ra phương án hạ số năm đóng BHXH xuống còn 15 năm. Đề xuất này được được đánh giá là chính sách an sinh lâu dài, giúp NLĐ sớm nhận được các quyền lợi từ hệ thống chính sách BHXH, thay vì kéo dài thời gian đóng khiến người dân nản, dễ rút một lần.
Quy định này cũng tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia), hoặc những người tham gia không liên tục khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy được 20 năm đóng BHXH, cũng được nhận lương hưu hằng tháng khi về già.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, phương án này chưa hẳn đã tối ưu và khó có thể giữ NLĐ ở lại hệ thống BHXH. Bởi thực tế việc giảm số năm đóng BHXH song vẫn giữ nguyên tuổi nghỉ hưu vẫn là cản trở lớn đối với NLĐ.
Đây cũng là băn khoăn, lo lắng của nhiều lao động hiện nay.
Nhiều ý kiến cho rằng, muốn hạn chế tình trạng rút BHXH một lần phải thực hiện kết hợp đồng bộ giải pháp. Trong đó, có những giải pháp không nằm trong pháp luật về BHXH, như giải pháp chính sách việc làm. Nếu có các chính sách việc làm, hỗ trợ quay trở lại thị trường lao động thì sẽ rất ít người rút BHXH một lần.
Biết rằng, một số NLĐ khó khăn nhưng nếu rút BHXH một lần hết thì gánh nặng sau này rất lớn. Cho nên, trước mắt quy định cho NLĐ rút BHXH một phần, phần còn lại để lại sau này có lương hưu. Hướng tới, chúng ta nên thực hiện như các nước, khi còn tuổi lao động thì không cho rút BHXH một lần, để sau này hết tuổi làm việc được hưởng lương hưu.
Theo tiến sĩ Phạm Thu Lan - Viện phó Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), muốn người lao động hạn chế rút BHXH một lần, ngoài sửa luật còn phải thay đổi đồng bộ quy định về lương tối thiểu, là mức đủ sống chứ không phải chỉ tồn tại. Bên cạnh việc giảm năm đóng cần giảm tuổi hưởng, rút ngắn thời gian chờ để lao động vừa có khoản trang trải cuộc sống trong khi đợi lương hưu, tức cần tách tuổi hưởng chế độ với tuổi hưu. Bà Lan cũng cho rằng, nếu hạ năm đóng BHXH từ 20 xuống 15 năm mới được hưởng lương hưu như dự thảo, tuổi nghề và tuổi hưu ngày càng cách xa, có thể thúc đẩy quá trình rút diễn ra nhanh hơn.