Nhiều địa phương đã xây dựng các sàn TMĐT riêng nhằm thúc đẩy giao thương, tiêu thụ sản phẩm một cách nhanh chóng, thuận tiện. Tuy nhiên, trên thực tế, những sàn TMĐT này lại chưa thực sự phát huy hiệu quả như mong đợi.
44 địa phương vận hành sàn TMĐT
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng Việt Nam khi mà người tiêu dùng chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến và ngày càng thành thạo kỹ năng mua sắm thông qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Nhìn nhận về xu hướng tiêu dùng của người Việt trong 2 năm vừa qua, các chuyên gia cho rằng, người tiêu dùng ngày càng hứng thú hơn với sự tiện lợi của hình thức mua sắm trực tuyến.
Tính tới nửa đầu năm 2021, Việt Nam có hơn 8 triệu người tiêu dùng trực tuyến mới, 55% trong số đó đến từ các khu vực phi thành thị.
Sự thay đổi hành vi người tiêu dùng là động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển năng lực kỹ thuật số và có những bước tiến sâu hơn vào lĩnh vực TMĐT, khiến cho Việt Nam trở thành một trong những thị trường TMĐT tiềm năng nhất trong khu vực với mức tăng trưởng 2 con số.
Theo thông tin từ Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), ước tính năm 2021 lĩnh vực TMĐT đạt tốc độ tăng trưởng trên 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Dự báo tốc độ này sẽ cao hơn nhiều trong năm 2022 nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19.
Tính đến tháng 3/2022, có 44 địa phương (trong số 63 địa phương) xây dựng và vận hành sàn TMĐT, tiêu biểu như Bắc Giang, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Sóc Trăng, Cà Mau….
Trong đó, Bắc Giang là địa phương thành công nhất trong số những tỉnh thành đã kết nối số để đưa nông sản lên các sàn TMĐT. Sau thành công trong tiêu thụ vải thiều, Bắc Giang tiếp tục quảng bá, giới thiệu nông sản chủ lực, đặc trưng của địa phương như: cam, bưởi, thịt gà, thịt lợn... đến người tiêu dùng và doanh nghiệp trong vào ngoài nước.
Hầu hết, địa phương giao cho Sở Công Thương là đơn vị chủ quản vận hành các sàn này. Theo thống kê có đến 75% các sàn TMĐT đều sử dụng tên miền quốc gia .vn, 25% còn lại sử dụng tên miền quốc tế. Nguyên nhân được cho là do tên miền .vn có những ưu điểm vượt trội hơn như: lợi thế về SEO, giá trị nhận diện, tin cậy, an toàn cao,..
Mở nhiều nhưng chưa hiệu quả
Các sàn TMĐT của địa phương được kỳ vọng sẽ giúp nông dân, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm một cách nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, đến nay, không ít sàn TMĐT do địa phương xây dựng, vận hành cơ bản vận hành hoạt động không hiệu quả hoặc mới chỉ dừng ở mức trang thông tin điện tử cung cấp thông tin sản phẩm và người bán, công nghệ lạc hậu, thông tin sản phẩm ít được cập nhật, thiếu các dịch vụ hỗ trợ về thanh toán, phản hồi đơn hàng,… khiến số lượng giao dịch trên sàn thấp.
“Tới năm 2022 phần lớn những sàn TMĐT do các địa phương xây dựng và vận hành đều hoạt động không hiệu quả, số giao dịch thấp, sản phẩm nghèo nàn, công nghệ lạc hậu, thông tin sản phẩm ít được cập nhật, thiếu các dịch vụ hỗ trợ như tiếp thị, thanh toán, hoàn tất đơn hàng,...”, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam đánh giá.
Các chuyên gia về TMĐT cho rằng, hiện vẫn còn những khó khăn nhất định khiến cho việc thúc đẩy giao thương số tại các tỉnh, thành gặp nhiều trở ngại.
Một trong những nguyên nhân chính khiến các sàn TMĐT ở địa phương hoạt động kém hiệu quả do thiếu đi nguồn nhân lực chất lượng cao. Trên thực tế nhiều đơn vị vận hành những sàn TMĐT địa phương hầu như chưa có cán bộ được đào tạo chuyên sâu về TMĐT.
Bên cạnh đó, thói quen của nông dân chủ yếu vẫn là buôn bán qua thương lái. Vì vậy, kỹ năng kinh doanh, bán hàng của người dân qua các sàn TMĐT còn hạn chế, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh còn thấp dẫn đến việc thực hiện thanh toán trực tuyến gặp nhiều trục trặc...
Giải bài toán kinh doanh trên môi trường số
Giữa bối cảnh thị trường TMĐT ở Việt Nam được dự báo tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới, hoạt động đào tạo nhân lực cho ngành này cần được coi trọng hơn nữa.
Hiện nay, đã có trên 30 trường đại học đào tạo cử nhân TMĐT. Sau khi tốt nghiệp, nguồn nhân lực này có thể chủ trì hoặc tham gia quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, xây dựng chiến lược kinh doanh trực tuyến, số hoá các tài nguyên, tiến hành kinh doanh trên các nền tảng số, trang thông tin điện tử hay ứng dụng di động, tổ chức bán hàng đa kênh,..
“Việc hỗ trợ sinh viên có được vị trí thực tập phù hợp tại các doanh nghiệp TMĐT hàng đầu là một khó khăn. Phần lớn các trường gặp khó khăn khi biên soạn giáo trình và học liệu học tập. Đội ngũ giảng viên còn chưa đáp ứng nhu cầu giảng dạy cả về số lượng lẫn chất lượng. Hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và học tập diễn ra đơn lẻ tại từng trường, chưa có những hoạt động hấp dẫn, lôi cuốn sinh viên ngành TMĐT trên phạm vi cả nước”, VECOM đánh giá.
Ngoài ra, Sở Công thương các địa phương cần phối hợp với những đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho nguồn nhân lực được giao quản lý, vận hành sàn giao dịch TMĐT địa phương, nâng cao chất lượng, hiệu quả bán hàng trên Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, thực hiện quảng bá sàn trên nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook..., tối ưu hóa sàn phù hợp với công cụ tìm kiếm Google theo tiêu chuẩn mới nhất như: tối ưu hóa từ khóa, tiêu đề, nội dung, hình ảnh, URLs... để ecdn.vn được nhiều doanh nhân, DN và người tiêu dùng biết đến, tin tưởng và sử dụng ngày càng nhiều.
Bên cạnh đó, địa phương cũng có thể nghiên cứu, phát triển việc hợp tác với các sàn TMĐT hàng đầu. Bắc Giang là trường hợp đã hợp tác với các sàn TMĐT và đạt được kết quả ấn tượng. Cụ thể, trong năm 2021, Bắc Giang tiến hành hợp tác với 7 sàn TMĐT lớn gồm: Sendo, Voso, Postmart, Shopee, Tiki, Lazada để bán nông sản ra thị trường.
Ngoài ra, trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, hơn 48.000 tấn cam; 36.000 tấn bưởi, 4.000 tấn na và hơn 60.000 tấn thịt lợn và khoảng 17.000 tấn thịt gà và nhiều loại nông sản… đã được cam kết bán ra qua các sàn TMĐT.
Việc hợp tác với các sàn TMĐT lớn sẽ giúp địa phương tận dụng được những ưu thế sẵn có như kênh thanh toán trực tuyến, đơn vị logistics,… từ các nền tảng này. Từ đó, đẩy mạnh được giao thương nông sản, thay đổi tư duy kinh doanh trên môi trường số, dần hoàn thiện, phát triển sàn TMĐT địa phương hoạt động có hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.