Ngày 5/4, PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban điều trị Covid-19 cùng các thành viên trong Đội Cơ động chống dịch của Bộ Y tế đã kiểm tra công tác khám, sàng lọc, cách ly bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Việt Pháp và Bệnh viện Bưu điện.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai.
Trao đổi với các bác sỹ, nhân viên y tế Bệnh viện Việt Pháp, PGS, TS Lương Ngọc Khuê nhắc lại sự kiện năm 2003 khi dịch SARS xảy ra đối với bệnh viện. Khi đó chính ông cùng với chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đã tuyên bố đóng cửa bệnh viện. Ông Khuê chia sẻ: Bản thân tôi năm đó đã tới thăm các bệnh nhân mắc SARS. Sau khi thăm các bệnh nhân xong tôi quay lên phòng họp và tuyên bố đóng cửa bệnh viện. Thực sự lúc đó, chúng ta chưa biết virus gây ra bệnh SARS như thế nào. Dịch SARS đã khiến 44 điều dưỡng, bác sĩ của Bệnh viện Việt Pháp lây bệnh, 6 người (trong và ngoài nước) đã tử vong. Bệnh viện Việt Pháp phải khử trùng, đóng cửa gần nửa năm.
PGS, TS Võ Văn Bản, Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện Việt Pháp cho biết, Bệnh viện khi đó thiệt hại 4 triệu USD. Từ bài học dịch SARS năm 2003, PGS, TS Lương Ngọc Khuê đề nghị bệnh viện thực hiện nghiêm và cập nhật những văn bản, hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19.
Trao đổi với các đồng nghiệp Bệnh viện Việt Pháp, PGS, TS Lương Ngọc Khuê cho biết, Bộ Y tế hiện chưa giao nhiệm vụ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, nhiệm vụ của bệnh viện là phân luồng, cách ly, giám sát, phát hiện sớm và chuyển bệnh nhân Covid-19. Ông Khuê đề nghị bệnh viện thực hiện phân luồng ngay từ cổng; biển báo dễ nhận biết từ cổng để người có triệu chứng và người đi từ vùng dịch tễ đến đúng địa điểm. Bên cạnh đó, Phòng khám sàng lọc cách ly cần được thông khí, bố trí chỗ rửa tay; khai thác kỹ yếu tố dịch tễ ngày càng mở rộng như hiện nay.
Với trường hợp bệnh nhân số 237 có mặt 2 lần tại bệnh viện, Đoàn công tác đề nghị bệnh viện rút kinh nghiệm, bởi vì càng cảnh giác và phòng ngừa tốt, càng bảo vệ bệnh viện khỏi những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
Kiểm tra tại Bệnh viện Bưu điện, một bệnh viện ngành, Đoàn công tác đã góp ý về khu vực phân luồng, sàng lọc, phát hiện người mắc Covid-19 của bệnh viện. Hiện Bệnh viện Bưu điện có 2 cơ sở ở Định Công gần với khu dân cư và cơ sở ở phố Huế. Khoa Thận lọc máy của bệnh viện đang điều trị cho 110 người bệnh thận nhân tạo, trong đó có 30 người bệnh thuê nhà tại xóm thận Bạch Mai- phố Lê Thanh Nghị cùng với 100 bệnh nhân của bệnh viện Bạch Mai. Các bệnh nhân này đều được tổ chức sàng lọc Covid-19.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Y tế, tính tới 18h00 ngày 5/4, tổng số người bệnh mắc Covid-19 tích lũy ở nước ta là 241 trường hợp, trong số đó đã điều trị khỏi 90 ca.
Tổng số người bệnh Covid-19 hiện đang điều trị tại 21 cơ sở y tế là 150 người. Trong số 150 người đã có những người bệnh có kết quả khả quan. Cụ thể số ca âm tính từ 1 lần trở lên: 45 ca, trong đó âm tính từ 2 lần trở lên có 18 ca. Dự kiến trong ngày 6/4 sẽ có một vài ca được xuất viện.
Liên quan đến tình trạng sức khoẻ của các bệnh nhân mắc Covid-19 diễn biến nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sáng ngày 5/4, Tiểu Ban điều trị cho biết, bệnh nhân nữ mắc Covid-19 nặng phải can thiệp ECOMO đã kết thúc quá trình này. Cụ thể, đây là bệnh nhân mắc Covid-19 duy nhất ở nước ta đến nay phải can thiệp ECMO. Tuy nhiên sau nhiều ngày kiên trì điều trị, với sự phối hợp hội chẩn chuyên môn của các giáo sư, chuyên gia đầu ngành với các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sức khoẻ của nữ bệnh nhân đã tiến triển. Đầu giờ chiều ngày 4/4, bệnh nhân đã kết thúc ECMO, chỉ còn thở máy, lọc máu.