Ngày 6/8, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra báo cáo của Chính phủ tổng hợp việc thực hiện Nghị quyết 56 ngày 24/11/2017 về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Từ vụ việc Tổng Giám đốc Tổng Công ty cảng hàng không bổ nhiệm 70 cán bộ trước khi nghỉ hưu, nhiều ý kiến cho rằng, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kịp thời phát hiện sai phạm trong tuyển dụng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức.
Báo cáo của Ủy ban Pháp luật cho thấy, đối với các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, bao gồm: Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Cán bộ công chức; Luật Viên chức, Nghị quyết 56 yêu cầu khẩn trương rà soát để sửa đổi tuy nhiên hiện nay các dự án luật này chưa được Chính phủ đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Qua rà soát 6 quyết định của Thủ tướng quy định về các tổng cục thuộc bộ cho thấy, Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia được nâng lên cấp tổng cục do đó tăng thêm 2 đầu mối trực thuộc. Có tổng cục giảm được 1-2 đầu mối trực thuộc (Tổng cục du lịch; Tổng cục biển và hải đảo Việt Nam; Tổng cục quản lý đất đai). Tuy nhiên số lượng cấp phó ở cả 6 tổng cục đều tăng từ 3-4 cấp phó.
Theo đánh giá của Ủy ban Pháp luật: “Mặc dù quy định này không trái với số lượng tối đa cấp phó của Luật Tổ chức Chính phủ nhưng trong khi Nghị quyết 56 yêu cầu giảm số lượng cấp phó thì các tổng cục được sắp xếp lại lại nâng số lượng cấp phó là chưa đảm bảo yêu cầu của Nghị quyết. Do đó đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn lý do này”.
“Để thực hiện yêu cầu rà soát điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước; tiếp tục sắp xếp cơ cấu tổ chức của các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn thì Chính phủ cần ban hành các văn bản quy định các tiêu chí cụ thể làm cơ sở cho việc triển khai. Theo yêu cầu của Nghị quyết, Chính phủ phải xác định rõ tiêu chí thành lập phòng, vụ, cục, tổng cục và tương đương thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá kết quả, hiệu quả thực thi công vụ, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức; tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực. Trong đó, riêng tiêu chí thành lập phòng, vụ, cục, tổng cục và tương đương thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, Nghị quyết yêu cầu phải hoàn thành trước tháng 7/2018. Tuy nhiên đến nay Chính phủ vẫn chưa ban hành văn bản về nội dung này theo tiến độ đề ra. Đối với yêu cầu của Nghị quyết về rà soát chức năng , nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính ở địa phương theo hướng thu gọn đầu mối, giảm cấp trung gian, tăng cường quản lý đa ngành, lĩnh vực thì hiện nay các nội dung này mới đang chuẩn bị, chưa được ban hành”- Ủy ban Pháp luật chỉ rõ.
Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, Chính phủ đã nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 56 của Quốc hội. Tuy nhiên, báo cáo còn sơ lược, chưa cho thấy chuyển biến trên thực tế nhằm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, chưa có nhiều phân tích và số liệu chứng minh nhận định, việc xác định trách nhiệm chưa cụ thể. Số đầu mối không tăng nhưng chưa được sắp xếp để bảo đảm tinh gọn theo yêu cầu của Nghị quyết. Đáng chú ý, trong các Nghị định về cơ quan thuộc Chính phủ không quy định tối đa cấp phó của đơn vị trực thuộc nên dẫn đến tùy tiện khi áp dụng.
Ông Trần Văn Quý- Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho rằng, đánh giá trong báo cáo nhiều địa phương đang triển khai thực hiện nhưng chưa có cơ chế, chính sách và địa phương nào cho mình đổi mới thực hiện. “Ví dụ, chúng ta đang khuyến khích sát nhập một số cơ quan. Một số địa phương đi đầu sáp nhập sở. Nhưng quan điểm của Chính phủ, bộ khuyên nên đợi Nghị định Chính phủ. Vậy việc sáp nhập tốt hay không tốt? Nếu sau này Nghị định Chính phủ quy định khác hoặc trong quá trình sáp nhập có vấn đề thì lấy căn cứ gì xử lý trách nhiệm?”-ông Quý đặt vấn đề.
Sau khi đưa ra các dẫn chứng như: dư luận vẫn nóng lên với nhiều vấn đề bức xúc về tuyển dụng, đề bạt không đúng, bổ nhiệm “siêu tốc” xảy ra gần đây như việc Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa bổ nhiệm hàng loạt cán bộ lãnh đạo cấp phòng sai quy định trước khi nghỉ hưu; hay Tổng Giám đốc Tổng Công ty cảng hàng không bổ nhiệm 70 cán bộ trước khi nghỉ hưu, nhiều ý kiến đã đề nghị, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kịp thời phát hiện sai phạm trong tuyển dụng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức. Bởi đây là 1 trong những yêu cầu quan trọng được đặt ra trong Nghị quyết 56.