Dự định siết tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS) trong thời gian tới của Ngân hàng Nhà nước buộc doanh nghiệp (DN) thay đổi kế hoạch kinh doanh. Ngoài ra nhiều ý kiến còn dự báo, thị trường BĐS sẽ giảm tốc độ phát triển thông qua việc cắt giảm số lượng dự án đầu tư.
Doanh nghiệp cắt giảm đầu tư dự án nhà ở
Năm 2015 ghi nhận hàng loạt DN tung hàng ra thị trường với mức khá cao. Nhận định của các chuyên gia bất động sản, sau một thời gian “đóng băng” đến thời điểm này thị trường đang có nguy cơ bị “dội chợ” đối với sản phẩm nhà ở thuộc phân khúc cao cấp. Nhằm tránh tình trạng bong bóng BĐS quay lại với nguy cơ gây hại cho thị trường cũng như nguồn vốn đầu tư, ngân hàng nhà nước quyết định siết tín dụng đối với lĩnh vực này bằng Thông tư 36. Theo kế hoạch dự kiến, sắp tới sử dụng vốn vay ngắn hạn để cho vay trung dài hạn từ mức 60% sẽ giảm xuống còn 40%; tăng hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS từ 150% lên 250%. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng trong dài hạn tăng cao gây áp lực lên ngân hàng, trong khi vốn huy động phần lớn là ngắn hạn. Đây là điều rất rủi ro cho nên ngân hàng nhà nước sẽ hạn chế mức thấp nhất của vấn đề này trong năm 2016 và các năm tiếp theo.
Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 về việc hạn chế tín dụng cho vay đối với thị trường BĐS được cơ quan quản lý đánh giá cao. Riêng người dân và DN thì có phần băn khoăn. Bà Trần Thị Hà, nhân viên tư vấn luật (quận 3) cho hay: “Tôi đang có ý định mua căn hộ trong năm nay. Dĩ nhiên là phải dựa vào ngân hàng. Giờ nghe nói siết tín dụng vào thị trường BĐS nên rất lo lắng. Nếu siết thật thì tôi không biết đến bao giờ tôi mới có nhà ở”. Về phía DN, sau khi nghe ngóng động tĩnh về việc siết tín dụng BĐS nhiều DN chủ động điều tiết kế hoạch phát triển. Thay vì, tăng cường đầu tư tạo nguồn cung lớn để người tiêu dùng lựa chọn thì không ít DN lại giảm mạnh phát triển dự án. Điển hình, năm 2016 Tập đoàn Novaland chỉ tung ra thị trường 5 dự án, thay vì nỗ lực “chào hàng” 10 dự án trong năm 2015. Nói về nguyên nhân giảm dự án đầu tư nhà ở, ông Bùi Cao Nhật Quân, Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn Novaland lý giải: Nguyên nhân chính là do chính sách siết tín dụng BĐS của ngân hàng nhà nước. Năm nay, công ty hạn chế mua dự án mà chỉ tập trung vào những dự án có tính khả thi cao như vị trí đẹp, có sự hỗ trợ của ngân hàng mới triển khai.
Dự báo, thị trường BĐS năm 2016 sẽ giảm lượng cung. (Ảnh: S. Xanh)
Thị trường sẽ giảm nhiệt
Nhận định về thị trường trước thông tin siết tín dụng vào BĐS của ngân hàng nhà nước, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia kinh tế khẳng định, tránh bong bóng cho thị trường bằng cách siết tín dụng hoàn toàn hợp lý song thị trường sẽ bị tác động. Bằng chứng, khá nhiều DN chủ động điều chỉnh kế hoạch phát triển. “Theo tôi chuẩn đoán, ngoài những dự án đang triển khai thi công thì cuối năm nay và đầu năm tới nguồn cung nhà ở trên thị trường sẽ giảm đáng kể”. Không phủ nhận hiệu quả siết tín dụng BĐS nhằm tránh tình trạng thị trường đổ vỡ như các năm trước đây song ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho rằng, thị trường BĐS mới “tan băng” và phát triển trở lại từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2015, giờ siết mạnh tín dụng chắc chắn bị tác động tiêu cực. Ông Châu dự báo, thị trường này có thể sẽ đi xuống hoặc chững lại thông qua hình thức cắt giảm dự án của DN BĐS. Ngoài ra, thiếu vốn đầu tư dẫn đến tình trạng tăng sản phẩm chưa hoàn thiện, dự án dở dang. Đặc biệt, người thu nhập thấp và trung bình khó tiếp cận được nhà ở.
Thừa nhận khó khăn của thị trường BĐS nếu như quyết định siết tín dụng ngân hàng chính thức có hiệu lực. DN cũng như Hiệp hội Bất động sản TP. HCM mong muốn, các bộ ngành và ngân hàng nhà nước chậm áp dụng Thông tư 36. Về phía chuyên gia kinh tế, họ cũng nhận thấy những rủi ro cho thị trường BĐS trong thời gian tới như: nguồn vốn bị hạn hẹp, lãi suất tăng cao… Theo các chuyên gia, song song với hình thức hạn chế vốn “đổ vào” thị trường BĐS, bộ ngành cùng Ngân hàng Nhà nước nên đưa ra các gói hỗ trợ khác với lãi suất thấp thông qua hình thức tái cấp vốn của ngân hàng trung ương như gói 30.000 tỷ đồng. Có gói tín dụng hỗ trợ như thế người thu nhập thấp, thu nhập trung bình mới tiếp cận được nhà ở. Riêng DN BĐS, TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo, lúc này DN nên thận trọng với thị trường. Nhu cầu thị trường có thật nhưng chu kỳ thiếu – thừa, thừa – thiếu quay vòng rất nhanh. Hiểu được thị trường đang nằm ở đâu trong chu kỳ rất cần thiết. “Hiện tại, nguồn cung BĐS cao cấp rất dồi dào, thậm chí dư thừa nguồn cung trong khi phân khúc dành cho người thu nhập trung bình – thấp lại thiếu. DN nên triển khai dự án BĐS phù hợp với túi tiền của dân chúng” - TS. Nguyễn Trí Hiếu định hướng.