Công nghệ

Sinh viên Việt Nam phát triển AI giúp nhận diện website lừa đảo

Hoàng Chiến 21/05/2025 18:00

Một nhóm sinh viên công nghệ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã cho ra mắt công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích và cảnh báo mức độ nguy hiểm của các website lừa đảo, góp phần bảo vệ người dùng Việt Nam trên không gian mạng.

Nhận diện chính xác đến 98%, tích hợp chatbot tư vấn

Thời gian gần đây, người dùng Internet tại Việt Nam thường xuyên bị tấn công bởi các hình thức lừa đảo tinh vi như giả danh ngân hàng, chiếm quyền kiểm soát tài khoản Facebook, mạo danh đơn vị giao hàng, hoặc gắn mã độc trong các đường link lạ.

Trước thực trạng đó, một nhóm sinh viên Trường Swinburne Việt Nam đã bắt tay phát triển công cụ AI nhận diện website lừa đảo, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC - Đồng sáng lập dự án Chống lừa đảo trên không gian mạng Việt Nam).

chong lua dao 2
Nhóm sinh viên Trường Swinburne Việt Nam đã bắt tay phát triển công cụ AI nhận diện website lừa đảo.

Công cụ này có thể kiểm tra mức độ rủi ro của một trang web chỉ bằng cách dán đường link vào hệ thống tại địa chỉ: https://ai.chongluadao.vn/.

Cụ thể, ứng dụng này được truy cập dễ dàng bằng website, chỉ cần có kết nối Internet. Người dùng có thể cung cấp địa chỉ URL của một trang web nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, sau đó AI có thể phân tích, kiểm tra được chỉ sau vài giây.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Lê Nguyễn Việt Cường, Trưởng nhóm phát triển dự án chia sẻ: “AI sẽ phân tích toàn bộ nội dung, giao diện, tên miền, nơi lưu trữ… và đưa ra cảnh báo nhanh chóng, giúp người dùng kịp thời tránh bẫy.

Nhóm đã sử dụng các mô hình AI phổ biến, có sẵn trên thị trường như ChatGPT, Gemini, Claude, Grok, Deepseek... Sau khi phân tích, so sánh kết quả của các mô hình, chi phí vận hành, đánh giá độ chính xác..., nhóm đã chọn ra ứng dụng kỹ thuật tốt nhất, phù hợp nhất để triển khai dự án”.

Theo nhóm phát triển, công cụ hiện đạt độ chính xác khoảng 98% trong việc nhận diện các website độc hại. Ngoài việc kiểm tra thủ công, hệ thống còn được tích hợp chatbot AI hỗ trợ người dùng trong việc báo cáo trang web lừa đảo và tư vấn cách tự bảo vệ khi gặp các tình huống nghi ngờ.

Bên cạnh đó, nhóm cũng tạo ra công cụ AI chat bot như với tư cách là người tư vấn, có kiến thức chuyên sâu để người dân có thể tự bảo vệ mình.

“Người dân thường không biết phải xử lý thế nào khi nhận được tin nhắn giả mạo, khi đó Chatbot nàysẽ hoạt động như một chuyên gia an ninh ảo, trả lời mọi thắc mắc 24/7”, Nguyễn Văn Huy Quang, thành viên dự án nói.

Ngoài ra, công cụ này không yêu cầu đăng nhập hay tải ứng dụng phức tạp, hướng đến tính tiện lợi và phổ cập với cả người dùng phổ thông.

chong lua dao1
Theo nhóm phát triển, công cụ hiện đạt độ chính xác khoảng 98% trong việc nhận diện các website độc hại.

Không chỉ bảo vệ người dùng, mà còn là bài học cho cộng đồng

Theo nhóm phát triển dự án, sử dụng AI trong chiến dịch chống lừa đảo trên không gian mạng không chỉ dừng ở công nghệ, mà còn là lời cảnh báo cho cộng đồng mạng về sự chủ quan khi tiếp cận thông tin số. Công cụ này như một lớp “lá chắn đầu tiên” nhưng chính sự cẩn trọng của người dùng mới là yếu tố quyết định.

Trong thời gian tới, nhóm sẽ tích hợp thêm tính năng nhận diện mã QR giả, phát hiện lừa đảo qua deepfake, đồng thời phát triển tiện ích mở rộng cho trình duyệt và ứng dụng trên smartphone.

Chia sẻ với Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu cho biết: “Dự án này là sự kết hợp giữa AI và dữ liệu thực chiến từ cộng đồng chống lừa đảo. Chúng tôi không chỉ muốn người dân được bảo vệ, mà còn được giáo dục về kỹ năng sống số an toàn trên không gian mạng.

Mặc dù chỉ mới là sinh viên năm 2, năm 3, nhưng nhóm phát triển đã nắm vững nhiều công nghệ lõi như machine learning, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, phân tích dữ liệu lớn… và biến kiến thức học được trên giảng đường thành sản phẩm có tính ứng dụng cao.

Không chỉ sử dụng dữ liệu có sẵn, hệ thống AI còn liên tục học hỏi từ phản hồi người dùng, cập nhật hàng trăm link lừa đảo mới mỗi ngày để mở rộng khả năng nhận diện. Đó là điều khiến công cụ trở nên thông minh và thực tế hơn qua từng lần sử dụng”.

Sản phẩm AI “chống lừa đảo” của nhóm sinh viên này cho thấy công nghệ nếu được phát triển đúng hướng có thể trở thành công cụ mạnh mẽ để phục vụ cộng đồng. Trong bối cảnh các hình thức lừa đảo ngày càng khó lường, mỗi người dùng cần trở thành một “chiến binh số” có hiểu biết, chủ động và không ngừng cập nhật kỹ năng phòng vệ cho chính mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sinh viên Việt Nam phát triển AI giúp nhận diện website lừa đảo