Số hóa để nâng sức cạnh tranh

THANH GIANG 09/10/2023 07:34

Chuyển đổi số đang diễn ra trên mọi lĩnh vực, trong đó kinh tế số được dẫn dắt bởi các ngành công nghiệp, doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong bức tranh kinh tế số vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Áp dụng chuyển đổi số giúp tối ưu hiệu quả và chi phí sản xuất.

Ì ạch chuyển đổi số

ThS Nguyễn Trúc Vân - Giám đốc Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội TPHCM cho rằng, kinh tế số là kết quả của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, nơi các công nghệ kỹ thuật số đang được áp dụng rộng rãi. Trong đó, công nghệ kỹ thuật số sẽ thúc đẩy kinh tế số cũng như các lĩnh vực kinh tế khác, bao gồm cả nền kinh tế xanh và tuần hoàn. Doanh nghiệp (DN) cần tăng cường khả năng cạnh tranh thông qua số hóa.

Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế số, song việc thực hiện chiến lược này không đơn giản. Theo ông Lê Hùng Cường - Phó Tổng giám đốc FPT Digital, hiện nay 98,1% DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, do đó gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư, ứng dụng công nghệ mới; 48,8% DN đã từng chuyển đổi số nhưng hiện tại không còn sử dụng; khoảng 22% DN nhỏ và vừa mới chỉ đang định hướng và có kế hoạch triển khai.

Ông Nguyễn Công Luân - Phó Trưởng phòng Xuất Nhập khẩu (Sở Công thương TPHCM) cho biết, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành logistics của thành phố đang đứng thứ 4. Ông Luân nhấn mạnh mục tiêu tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%; góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 khoảng 10% - 15%. Mặc dù đánh giá cao những nỗ lực trong ngành, song ông Luân nhận định, việc chuyển đổi số còn mang tính rời rạc, ít chia sẻ dữ liệu lẫn nhau, chưa có những công nghệ đáp ứng riêng cho ngành logistics thành phố, chưa có trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong logistics.

Các chuyên gia cũng nhận định, thách thức khác mà DN Việt Nam thường gặp trên hành trình chuyển đổi số cũng khá nhiều. Trong đó, nhận thức về khái niệm, mục tiêu, lợi ích và kết quả chưa rõ. Phần lớn DN không có chiến lược và lộ trình cụ thể. Nguồn lực thực hiện chuyển đổi số trong ngành còn yếu. Máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất lạc hậu, quy mô sản xuất manh mún, hàm lượng công nghệ và tự động hóa thấp là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến khả năng ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất. Ngân sách hạn chế là thách thức vô cùng lớn, trong khi chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ và máy móc tự động hóa còn cao, cản trở việc đầu tư cho kinh tế số. Công nghiệp phụ trợ còn yếu gây khó khăn trong việc liên kết hệ sinh thái…

Tạo đòn bẩy cho số hóa

Thống kê, trong năm 2022, kinh tế số tại TPHCM đã đóng góp GRDP ước đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trong khoảng 19% trong GRDP. TPHCM đặt mục tiêu phấn đấu tỷ trọng kinh tế số đến năm 2025 là 25% và 40% vào năm 2030. Với tỷ trọng trên cho thấy, thành phố luôn cao hơn mục tiêu quốc gia 5 - 10% để tiếp tục là đầu tầu kinh tế cả nước. Tuy nhiên, để kinh tế số phát triển, ThS Nguyễn Trúc Vân cho rằng, cần tăng cường sự tham gia của chính quyền thành phố, đồng thời xây dựng khung pháp lý nhằm đáp ứng nền kinh tế kỹ thuật số và khuyến khích các mô hình kinh doanh đổi mới; phát triển cụm công nghiệp số và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đào tạo và phát triển nhân lực phục vụ kinh tế số.

Nhằm hỗ trợ DN chuyển đổi số, bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết, thành phố tập trung xây dựng 3 nhóm dữ liệu: Nhóm dữ liệu về người dân; Nhóm dữ liệu tài chính – DN; Nhóm dữ liệu về đất đai – đô thị. Ngoài ra, thành phố còn mở rộng xây dựng hạ tầng số và tăng cường an toàn thông tin. Từ đó, triển khai nền tảng số của các hệ thống thông tin quy mô thành phối, xây dựng hệ sinh thái sáng tạo, đổi mới... Đây là những nền tảng cơ bản để thúc đẩy phát triển đột phá kinh tế số tại TPHCM.

Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược. Tại các nước, việc xây dựng các chương trình bắt buộc và tạo ra một sức ép buộc chính quyền phải thay đổi, phải biết cách ứng dụng những thành tựu mới nhất của khoa học công nghệ vào hoạt động của mình để tạo ra những dịch vụ ngày một có hiệu quả, năng suất hơn để phục vụ người dân tốt hơn. Ông Đức khẳng định: Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM là cơ hội rất lớn để thành phố tận dụng những cơ chế vượt trội để phát triển.

Theo Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Chính phủ đặt mục tiêu kinh tế số sẽ lần lượt chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, từng lĩnh vực phải đạt 10% GDP vào năm 2025 và nâng lên thành 20% trong năm 2030.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Số hóa để nâng sức cạnh tranh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO