“Chữ bạn A. rất đẹp, sao con viết rất xấu?”; Bạn B. chăm chỉ học, còn con thì quá lười!’; “Sao bạn A., bạn B. cũng đi học như con mà bạn ấy đạt học sinh giỏi, còn con thì không…”.
Những câu hỏi để so sánh ấy, có lẽ mỗi phụ huynh trong chúng ta từng nói một đôi lần. Những lời nói ấy thốt lên trong kỳ vọng, hoặc cũng có thể là trong lúc đang bực bội. Nhưng bọn trẻ đã phản ứng lại bằng nhiều cách khác nhau. Có đứa trẻ nghe so sánh nhiều, rồi vẫn bỏ ngoài tai, nhưng cũng có những cô cậu nhóc quyết bảo vệ mình bằng được.
Chẳng hạn như khi bị so sánh với một bạn giỏi nhất lớp, có bạn đã cãi lại: Nó tuy học giỏi, nhưng rất tẻ nhạt. Nó còn không biết bơi, không tham gia trong đội bóng của lớp, không biết có game mới đã ra mắt… Hay khi người lớn hay nhắc chuyện ngày xưa, chuyện ăn uống kham khổ, học hành trong điều kiện thiếu thốn, thì trẻ con đều có chung phản ứng: Sao suốt ngày bố mẹ cứ lôi chuyện ngày xưa so sánh thế, chúng ta đang sống ở thế giới ngày nay mà.
Hôm rồi cả nhà ngồi xem chương trình “Cặp lá yêu thương” trên truyền hình, thấy những bạn nhỏ mồ côi có hoàn cảnh thương tâm, tôi bèn nói với các con: Nhìn bạn có nghị lực mà học tập nghe con! Lập tức con trai cự lại: Tại sao người lớn cứ thích so sánh một đứa trẻ không còn bố mẹ với một đứa vẫn còn đầy đủ cả gia đình thế nhỉ?!…
Nghe đến đó, tôi cũng hơi khựng lại. Rõ ràng không phải lúc nào mình cũng đúng, bởi mỗi đứa trẻ là một cá nhân, có tài năng và sở thích riêng. Điều này dễ dàng lý giải khi một đứa trẻ có năng khiếu âm nhạc, còn đứa khác thì không. Đứa trẻ không có năng khiếu âm nhạc có thể giỏi thể thao hoặc ham đọc sách. Chẳng có đứa trẻ nào tốt hơn đứa trẻ khác một cách toàn diện. Còn trẻ con thì chẳng bận tâm khi chúng không giỏi giang giống như người anh chị em ruột, hoặc con của một người bạn của cha mẹ chúng.