Hầu hết các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi lớn nước ngoài đều đã có mặt tại Việt Nam nhưng doanh nghiệp DN nội cũng không kém cạnh, chịu thua trên sân chơi lớn này.
Một cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Nhà máy mới liên tiếp ra đời
Những ngày cuối tháng 1 năm 2018, tại Khu công nghiệp Đồng Văn II (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) khánh thành nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Đây là nhà máy thứ 5 trong chuỗi nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi được Tập đoàn CJ đầu tư tại Việt Nam. Nhà máy có tổng mức đầu tư 31,5 triệu USD trên diện tích 7,5 ha; công suất 320.000 tấn/năm; giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động.
Trước đó, cũng vào đầu năm 2018 Tập đoàn Singapore HAID đã chuyển 15 triệu USD để đầu tư xây dựng nhà máy rộng 3,5ha, chuyên sản xuất, kinh doanh các loại thức ăn gia súc, gia cầm, thức ăn thủy sản với sản lượng 500.000 tấn/năm.
Hiện hầu hết các tập đoàn lớn về lĩnh vực nông nghiệp trên thế giới đều đã có mặt ở Việt Nam để đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi như: Công ty cổ phần C.P Việt Nam, Công ty TNHH Cargill Việt Nam, Công ty TNHH Deheus Đồng Nai, Công ty TNHH CJ Vina Agri, Công ty TNHH Woosung Vina...
Hiện Công ty cổ phần C.P Việt Nam (Thái Lan) đang dẫn đầu về cung cấp thức ăn chăn nuôi, với gần 20% sản lượng đưa ra thị trường, tiếp đến là Công ty TNHH Cargill Việt Nam (Hoa Kỳ) chiếm trên 8%.
Dù là nước nông nghiệp, nhưng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm, Việt Nam phải bỏ ra hơn 5 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Nguyên liệu nhập nhiều nhất là ngô, đậu nành, bột cá; riêng khoáng vi lượng, vitamin nhập gần như 100%. Điều này đã khiến cho thị trường thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu bị điều khiển bởi một số công ty lớn.
Các chuyên gia cho rằng, các công ty thức ăn chăn nuôi FDI chiếm thị phần lớn, tỷ lệ tập trung thị trường tăng trong những năm gần đây, có hiện tượng liên kết định giá lỏng lẻo khi các công ty nhỏ định giá theo các công ty lớn, có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh khi sử dụng hệ thống phân phối đại lý độc quyền và chiết khấu lớn.
Từ đó các công ty thức ăn chăn nuôi định giá bán thức ăn chăn nuôi cao hơn mức giá cạnh tranh gây thiệt hại cho người chăn nuôi và người tiêu dùng.
Phần lớn ý kiến các chuyên gia đưa ra cũng cho rằng, thị trường thức ăn chăn nuôi hiện nay nằm trọn trong tay các DN ngoại, DN nội thất thế.
Các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đang đứng trước nguy cơ cạnh tranh không cân xứng với DN nước ngoài do sự yếu thế về vốn, chiến lược kinh doanh và nguồn nguyên liệu.
Những người tiên phong
Tuy nhiên, đứng trước sự cạnh tranh này, nhiều công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam cũng đang cố gắng vượt khó để đầu tư phát triển.
Đầu tiên phải kể đến tên Hòa Phát, tập đoàn tư nhân này đã tham gia vào “đấu trường” chăn nuôi với số vốn đầu tư cả nghìn tỷ xây dựng 3 nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên, Đồng Nai, và Phú Thọ.
Tập đoàn Masan (MSN) mua 52% và 70% cổ phần của Công ty cổ phần Việt - Pháp sản xuất thức ăn chăn nuôi (Proconco) và Công ty cổ phần Dinh dưỡng nông nghiệp Quốc tế (Anco).
Ngoài 2 DN trên Việt Nam có 5 DN lớn sản xuất thức ăn chăn nuôi là Dabaco, Masan, GreenFeed, Vina và Lái Thiêu chiếm 23% thị phần
Ở một động thái quy hoạch lại thị trường thức ăn chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra đề nghị hạn chế đầu tư mở rộng thêm các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi lợn và gia cầm, nhất là ở các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Khuyến khích phát triển lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đáp ứng nhu cầu trong nước thay thế nhập khẩu, nhất là việc áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao trong sản xuất các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh và xử lý môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Ngoài ra, Bộ này còn có chủ trương khuyến khích phát triển các nhà máy chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi cho đàn gia súc ăn cỏ; các nhà máy chế biến bột thịt xương, bột cá, bột đầu tôm…
Định hướng này vừa hạn chế ô nhiễm môi trường vừa tận thu khối lượng lớn nguồn hữu cơ hiện nay trong sản xuất.