Những tháng đầu năm 2021, những gam màu “đỏ - tím”- chỉ số chất lượng không khí xấu và kém tại một số tỉnh, thành như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã gây lo lắng cho người dân thành phố.
Kết quả quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường TP Hà Nội tại 35 trạm đo trên địa bàn thành phố cho thấy, chỉ số chất lượng không khí nhiều ngày xấu, thậm chí chạm ngưỡng “rất xấu”. Sở TNMT Hà Nội đã khuyến cáo những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, những nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn…
Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam phân tích, không khí ô nhiễm chủ yếu do các nguồn phát thải tăng như: Gia tăng các phương tiện ôtô, xe máy, tác động từ đốt rơm rạ, rác thải, than tổ ong... Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có 55.000 bếp than tổ ong, mỗi ngày đốt tới 528 tấn than, phát thải ra môi trường 1.870 tấn khí CO2 - đây là nguồn gây ô nhiễm không nhỏ.
TS Tùng cho rằng, đã đến lúc cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Phải kiểm soát chặt chẽ khí thải xe máy như đã làm với ôtô, ở ngưỡng đạt thì mới cho phép lưu hành, không đạt thì thải bỏ. Cùng với đó phải có những biện pháp quản lý chặt chẽ chất thải các làng nghề, nhất là làng nghề tái chế, khói bụi từ các công trình xây dựng.
Theo ông Tùng, việc giải quyết ô nhiễm không khí là một cuộc chiến cam go, lâu dài và phức tạp bởi sẽ va chạm trực tiếp đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp, chẳng hạn việc hạn chế phương tiện cá nhân, loại bỏ bếp than tổ ong (như Hà Nội đang làm) buộc các doanh nghiệp phải thay đổi hoặc cải tiến công nghệ thân thiện môi trường. Do vậy, các cấp chính quyền cần tập trung tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân ủng hộ và thực hiện các giải pháp giảm ô nhiễm không khí; đẩy mạnh công tác kiểm tra, phát hiện để xử lý nghiêm các dự án, cơ sở sản xuất, công trình xây dựng gây ô nhiễm môi trường… trên địa bàn theo quy định...