Ngày 29/11, Quốc hội họp phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.
Tới dự phiên bế mạc có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
Với đa số phiếu thuận, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Nghị quyết nêu rõ: Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn, khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong từng lĩnh vực.
Theo đó, đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Quốc hội yêu cầu, tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025. Thực hiện nghiêm việc bố trí đủ ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Tiếp tục quan tâm đầu tư bảo đảm các quy chuẩn về đội ngũ, cơ sở vật chất, trường, lớp để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, nhất là tại các thành phố lớn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, các khu công nghiệp.Năm 2024, ban hành Đề án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp.
Tăng cường kiểm soát chất lượng, hiệu quả việc biên soạn, thẩm định và phát hành sách giáo khoa; tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Thực hiện hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, tư vấn tâm lý học đường, các giải pháp bảo đảm an toàn trường học, nhất là khắc phục tình trạng bạo lực học đường; phòng, chống đuối nước cho học sinh.
Nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định về tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhà giáo, nhất là đội ngũ nhà giáo công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, trường chuyên biệt và bậc học mầm non khi cải cách chính sách tiền lương phù hợp với tổng thể và điều kiện thực tế Việt Nam. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và thừa giáo viên cục bộ. Có giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số. Sớm sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về sử dụng đất đai, cơ sở vật chất, tài sản công, mô hình quản lý để nâng cao hiệu quả thực hiện tự chủ đại học; đầu tư nguồn lực thích đáng và nâng cao chất lượng giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; tăng cường hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, gắn kết chặt chẽ với thị trường lao động, doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ trong và ngoài nước; tập trung đầu tư một số ngành, lĩnh vực ưu tiên để hình thành cơ sở giáo dục đại học đẳng cấp quốc tế và khu vực; tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu và chất lượng, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực mới nổi, trong đó tập trung đào tạo được 50.000-100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn đến năm 2025 và năm 2030. Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là người dân tộc thiểu số.