Tiếp nối những tháng cuối năm 2021, ngay trong những ngày đầu năm 2022, cơn sốt đất đã bùng lên. Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh Đông Nam bộ, “sóng” bất động sản vẫn dâng lên, trong khi nhà cho người thu nhập thấp lại vắng bóng.
Cò đất được dịp “thổi giá”
Tại Hà Nội, nhiều nhà đầu tư bất động sản (BĐS) đã dịch chuyển ra vùng ngoại thành, như Đông Anh, Gia Lâm, đặc biệt là Thạch Thất, Hoài Đức... Giá đất tại những khu vực này được đẩy lên chóng mặt. Có nơi vốn chỉ vài trăm nghìn đồng/mét vuông thì nay đã lên đến vài triệu, vài chục triệu đồng/mét vuông.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, giá đất nền tại một số điểm cục bộ của một số địa phương có mức ghi nhận tăng cao như vùng ven Thủ đô Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%), một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình (46%), Bắc Ninh (20%), Hưng Yên (26%)...
Giới đầu tư BĐS nhìn nhận, năm 2021, thị trường xảy ra hết cơn sốt này đến cơn sốt khác là do nhiều thông tin quy hoạch, thậm chí còn do một số nhà đầu tư, đầu cơ, cò đất tiếp tay “thổi giá”. Dự đoán cơn sốt đất ấy còn kéo dài sang năm 2022 khi mà đất tại một số khu vực như Hưng Yên, Hòa Bình, Bắc Giang, Thanh Hóa… tiếp tục được cò săn đón.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt (55 tuổi) có mảnh đất 500m2 ở Văn Giang (Hưng Yên) cho biết, trong 2 tuần trở lại đây liên tiếp nhận được hơn chục cú điện thoại hỏi bà có bán đất hay không. Có người trả giá 7 triệu/m2, có người trả giá đến 9,5 triệu/m2. “Không biết đâu là giá thực” - bà Nguyệt nói.
Một nhân viên văn phòng công chứng ở khu vực Văn Giang cho biết, từ cuối năm 2021 đến nay số lượng giao dịch BĐS tăng nhanh. Trước dịch, chỉ có khoảng 9-10 giao dịch/ngày, nay tăng lên khoảng15-16 giao dịch/ngày.
Tương tự, các nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện cũng đang rốt ráo tìm kiếm đất khu vực Hoà Lạc, quanh dự án đô thị vệ tinh Hoà Lạc, dự án Đại học Quốc gia, đất nền huyện Hoài Đức, Đan Phượng. Hiện nay, giá đất khu vực này cũng nhích lên 1-2 triệu đồng/m2 so với thời điểm tháng 4/2021.
Giá đẩy lên cao nhưng giao dịch không nhiều
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, năm 2022, giá thị trường BĐS sẽ tiếp tục tăng. Trong đó, khu vực Thủ Đức (TPHCM) hiện giá nhà đất ở mức cao nhưng sẽ tiếp tục tăng. Chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân dự báo thị trường BĐS năm 2022 sẽ chuyển biến tốt vì dịch bệnh đã được kiểm soát, kinh tế phục hồi, nguồn tiền trong dân còn nên nhiều người vẫn chọn kênh đầu tư BĐS. Bên cạnh đó, năm nay TP Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh nhiều gói đầu tư công, xây dựng thêm cơ sở hạ tầng, tác động tích cực cho thị trường BĐS.
Tuy nhiên, theo TS Trần Minh Hoàng - Phó Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, khi giá BĐS tăng, người mua sẽ chần chừ, nếu giá không tăng thì giao dịch sẽ tốt hơn. Tương tự, giới môi giới BĐS cho biết, giá nhà đất tăng nhưng giao dịch chưa nhiều. Phần đông người mua chưa sẵn sàng chấp nhận mức giá mới và đang chờ mức giá rõ ràng hơn. Hiện đang có dấu hiệu một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực khác đang có xu hướng đổ vào BĐS tìm cơ hội đầu tư cũng tạo áp lực tăng giá, nhưng giao dịch thành công là không nhiều.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cũng khuyến nghị nhà đầu tư cần quan tâm đến tối thiểu 3 yếu tố khi đầu tư. Thứ nhất, lựa chọn những dự án có quy hoạch tốt, pháp lý rõ ràng, chủ đầu tư uy tín để “chọn mặt gửi vàng”. Đặc biệt, cần tỉnh táo, thận trọng, cân nhắc kỹ trước khi chốt giao dịch, tránh mua theo tâm lý đám đông hoặc tin đồn để không đạp phải bẫy của các đối tượng đầu cơ. Thứ hai, nếu mua để ở nhưng chưa có nhu cầu sử dụng ngay, thì có thể thăm dò, định giá và tìm hiểu kỹ về pháp lý rồi mới đưa ra quyết định. Thứ ba, đặc biệt tránh sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà trong lúc thị trường tăng giá, chỉ nên vay ngân hàng ở mức thấp nhất để gia tăng hiệu quả đầu tư.
Vắng bóng căn hộ cho người thu nhập thấp
Thời gian qua, nguồn cung mới nhà phố/biệt thự tại TPHCM và các tỉnh giáp ranh tăng. Trong năm 2021, thị trường đón nhận 9.823 căn mở bán đến từ 55 dự án, tăng 34% so với năm trước, với 7.339 căn. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 57%, tương đương 5,619 căn, tăng 7% so với năm 2020. Nguồn cung mới tập trung ở Đồng Nai và Bình Dương, trong khi Tây Ninh và Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới.
Tuy nhiên vẫn “thiếu vắng” căn hộ vừa túi tiền của đa số người có nhu cầu. Trên thực tế rất ít căn hộ hạng C có mức giá dưới 30 triệu đồng/m2 trong 2 năm liên tục.
Các doanh nghiệp BĐS đánh giá, năm 2022 cần tăng cường phát triển căn hộ giá thấp phù hợp với sự vận động của thị trường. Cụ thể, khung giá phù hợp để xác định căn hộ hạng C là dưới 35 triệu đồng/m2, căn hộ hạng B từ trên 35 - 60 triệu đồng/m2, căn hộ hạng A từ trên 60 - 100 triệu đồng/m2 và hạng sang từ trên 100 triệu đồng/m2.
Song song đó, hệ thống pháp luật liên quan đến BĐS nhà ở phải được bổ sung và hoàn thiện hơn nhằm bắt kịp diễn biến và nhu cầu thị trường, nhất là sự phát triển của các loại hình BĐS mới. Quy trình pháp lý cần được đơn giản hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc thủ tục, sớm hoàn thiện pháp lý dự án. Từ đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, gia tăng nguồn cung và góp phần ổn định mặt bằng giá trên thị trường. Đối với hình thức đầu tư mới, nên sớm có khung pháp lý chắc chắn, một mặt thúc đẩy sự tăng trưởng của hình thức đầu tư này, mặt khác có thể đảm bảo quyền lợi của khác hàng và nhà đầu tư.
Về phía cơ quan Nhà nước, việc ban hành các chương trình nhà ở quốc gia mang tính lâu dài như nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân người lao động,... phải gắn liền với vấn đề tài chính cho người mua nhà lần đầu.