Sử dụng đất nông, lâm trường: Không để vô chủ

Nguyên Khánh 24/08/2019 08:00

Sáng ngày 23/8, tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm Quản lý sử dụng đất tại các công ty nông, lâm nghiệp, do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì.

Phát biểu tại đây, Phó Thủ tướng đề nghị cần nâng cao hiệu quả, tăng giá trị đối với đất giao cho nông, lâm trường; đồng thời tập trung giải quyết dứt điểm, có phương pháp quản lý đất đã giao khoán, nhất là đất còn tranh chấp. Với công ty nông, lâm nghiệp không đủ năng lực quản lý thì xem xét giao lại cho địa phương.

Sử dụng đất nông, lâm trường: Không để vô chủ

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VGP.

Nhiều vướng mắc, hạn chế

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp đến nay đã rà soát 275 công ty, trong đó, giữ lại 246 công ty. Sau khi rà soát, sắp xếp lại 246 công ty nông, lâm nghiệp, diện tích đất giữ lại là 1.868.538 ha. Diện tích các nông, lâm trường (NLT) bàn giao về địa phương là 463.088 ha, nâng tổng số diện tích bàn giao về địa phương đạt 1.084.653 ha. Như vậy, thông qua rà soát, sắp xếp lại đất của các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp đến nay đã xác định được những khu vực diện tích giữ lại và khu vực có thể tạo ra quỹ đất phục vụ mục tiêu giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất.

Dù đã đạt được những kết quả như vậy nhưng theo Bộ TNMT còn nhiều vướng mắc, hạn chế trong giải quyết các vấn đề liên quan đến đất của NLT. Cụ thể, hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất của NLT chưa được cải thiện rõ rệt. Ở một số nơi vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp, chiếm đất. Nguồn lực đất chưa được thực sự phát huy, nguồn ngân sách hàng năm của Nhà nước chưa được tình đúng, tính đủ đối với một số công ty, vẫn còn tình trạng một số công ty sử dụng quỹ đất của Nhà nước để cho thuê, mượn, khoán trắng. Vẫn tiềm ẩn nguy cơ rừng, đất rừng tiếp tục bị tàn phá suy thoái môi trường tăng cao. Chưa giải quyết triệt để việc người dân thiếu đất ở, đất sản xuất, tình trạng di dân tự do vẫn tiếp diễn. Trật tự an toàn xã hội và đời sống người dân chưa thực sự bền vững…

Cân nhắc kỹ khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu một số những vướng mắc mà các NLT đang gặp phải đó là cơ chế chính sách chưa phù hợp. Chẳng hạn, quản lý tài chính của các công ty nông, lâm nghiệp mà giống các doanh nghiệp (DN) thông thường là không ổn. Vì chu kỳ sản xuất của các công ty nông, lâm nghiệp rất dài mà kỳ cho vay rất ngắn khiến họ khó mà xoay sở được.

Đồng quan điểm, đại diện Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam cho biết hiện còn nhiều khó khăn về tiền thuế đất, các công ty nông, lâm nghiệp đã được miễn, giảm khoản tiền thuế này nhưng đối với các khoản nợ thuế từ năm 2018 trở về trước thì không được miễn giảm. Đại diện này kiến nghị, sửa Luật Đất đai theo hướng điều chỉnh hạn điền, nới rộng thời hạn sử dụng đất và ưu đãi đầu tư phát triển lâm nghiệp bền vững, vì đây là ngành gặp nhiều rủi ro trong khi không được miễn thuế đất mà thời hạn vay lại rất ngắn. Đại diện Tổng Công ty Lâm nghiệp cũng kiến nghị các địa phương rất thận trọng trong thu hồi các diện tích đất của các NLT về làm dự án khác.

Còn đại diện Binh đoàn 15, Thiếu tá Nguyễn Đình Hợi kiến nghị các địa phương khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, cần trao đổi, thống nhất với các đơn vị đứng chân trên địa bàn. Đồng thời, trích lại 1 phần quỹ đất giao lại cho đơn vị bị thu hồi để cấp cho người lao động còn khó khăn về nhà ở, tạo sự ổn định chung.

Nâng cao hiệu quả sử dụng đất

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến cho hay, Hà Giang có 3 công ty, 4 NLT. Hiện nay trên địa bàn còn 3 công ty lâm nghiệp trực thuộc Tổng Công ty Giấy. Hà Giang là tỉnh khó khăn, nguyên nhân di cư là thiếu đất sản xuất vì đất đai ngày càng hiếm, chủ yếu là đá. Trong khi đó 3 công ty lâm nghiệp quản lý 12.000ha đất lâm nghiệp là phần đất tốt nhất, phần xương xẩu đã trả lại cho tỉnh rồi. Về định hướng phát triển trong thời gian tới đại diện Hà Giang cho biết hiện các công ty này đang cổ phần hoá. Khi cổ phần hoá xong thì diện tích này thuộc về các cổ đông. Lúc đó có muốn điều chuyển thì cũng không có cơ sở nữa. Chính vì vậy cần đưa 3 công ty này về tỉnh quản lý để có nguồn quỹ đất điều hòa, giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất hiện nay.

TS Đặng Kim Sơn nhận định rằng, xử lý mối quan hệ giữa giao đất cho DN hay cho người dân thiếu đất sản xuất là điều không dễ. Hiện quỹ đất công còn rất ít do vậy cần kiên quyết xử lý dứt điểm với các nông trường giao khoán, liên doanh, cho thuê thời gian qua. Theo đó, đối với đất lấn chiếm cần nhanh chóng thu hồi. Với đất tranh chấp phải giải quyết xử lý dứt điểm để giữ lại quỹ đất công qua đó giao cho người dân thiếu đất.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết cần tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đất NLT. Hiện trên giấy tờ đất NLT mới sắp xếp 47% là vấn đề cần suy nghĩ. Những tồn tại vướng mắc về đất đai phải tập trung giải quyết, nhất là tình trạng lấn chiếm. “Đất đai phải được giao cho một chủ thể cụ thể quản lý, sử dụng cho hiệu quả, không thể có tình trạng đất vô chủ. Đất lấn chiếm dứt khoát thu hồi, đất có tranh chấp phải phân xử dứt điểm theo tinh thần thượng tôn pháp luật”- Phó Thủ tướng nói.

Về giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị với đất giao cho NLT, có đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả, làm gia tăng giá trị hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời tập trung giải quyết dứt điểm, có phương pháp quản lý đất đã giao khoán, nhất là đất còn tranh chấp. Đặc biệt cần hoàn thành hồ sơ giao đất, thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Rà soát, hoàn thành căn bản cắm mốc danh giới, cấp bản đồ địa chính và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Với công ty nông, lâm nghiệp không đủ năng lực quản lý thì xem xét giao lại cho địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sử dụng đất nông, lâm trường: Không để vô chủ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO