Sứ mệnh người làm báo Mặt trận

22/06/2023 07:00

Phát huy truyền thống 81 năm ra đời, xây dựng và phát triển, các thế hệ làm báo Đại Đoàn Kết luôn tâm niệm đem tiếng nói của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến với nhân dân; nói lên tiếng nói của nhân dân; góp phần xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc, chung sức đồng lòng dựng xây đất nước. Phát huy truyền thống, đội ngũ những người làm báo Đại Đoàn Kết đã có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn để hoàn thành sứ mệnh của người làm báo Mặt trận. Trong số báo này, xin được giới thiệu 3 nhà báo thường trú ở địa phương - những người luôn theo sát hoạt động ở cơ sở.

Nhà báo Hạnh Nguyên (bên phải) trong một lần tác nghiệp.

Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, là phóng viên thường xuyên viết thể loại điều tra, phản ánh, tôi phải chịu không ít áp lực.

Nhà báo Hạnh Nguyên - thường trú Báo Đại Đoàn Kết tại Bắc Miền Trung:

Lắng nghe và viết bằng cả trái tim mình

Hơn 10 năm gắn bó với nghề, làm báo Đại Đoàn Kết, tôi đã đi và gặp rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Mỗi khi chứng kiến người dân vật lộn với bệnh tật, với bão lũ, nắng cháy; đối mặt với những giới hạn tưởng chừng không thể vượt qua... chúng tôi đã lắng nghe bằng cả trái tim của mình. Với sứ mệnh của người làm báo Mặt trận, tôi viết câu chuyện của họ lên Báo Đại Đoàn Kết để kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ. May mắn thay, nhiều người nhờ đó đã vượt qua giông tố của cuộc đời.

Tôi vẫn nhớ như in khi gặp anh Hoàng Văn Tuấn trong ngôi nhà xập xệ, vùi khuất trong lùm chuối ở vùng quê xã Trung Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) vào năm 2020. Anh Tuấn từng phải rửa bát khắp các nhà hàng ở Thái Lan. Sau khi vợ chồng ly hôn, năm 2017, vụ tai nạn nơi xứ người đã cướp đi của anh tất cả.

Vụ tai nạn khiến đôi chân của anh Tuấn không bao giờ lành lại, anh bị gãy xương sống, dập 2 gót chân, người bị xây xát khắp nơi. Ông chủ nơi anh làm việc ở Thái Lan chỉ hỗ trợ một phần nhỏ tiền viện phí, còn lại gia đình, anh em, bạn bè gom góp đưa anh về Việt Nam điều trị.

Sau nhiều tháng trời cứu chữa, ngốn hàng trăm triệu đồng nhưng những vết thương của anh Tuấn càng trầm trọng hơn do không đủ tiền để phẫu thuật. Nhiều năm qua, anh sống với đôi chân bên thấp bên cao và ngày càng teo nhỏ lại do xương đùi phải bị thoái hóa, thoát vị đĩa đệm. Buồn, chán nản, đau ốm triền miên, tiền mua thuốc không có nên anh Tuấn chẳng mấy khi màng đến việc ăn uống, người cứ thế héo mòn.

Tôi đã bật khóc khi nghe anh Tuấn nói: “Tôi chỉ ước đôi chân khập khiễng này lành lại để đỡ đần mẹ phần nào. Các bác sĩ ở Bệnh viện Việt Đức nói chân tôi nếu có khoảng 100 triệu đồng phẫu thuật thì có thể hồi phục được 80%. Trong vòng 1 năm nữa không phẫu thuật thì không thể hồi phục được nữa mà liệt hẳn. Nhưng giờ nhà tôi kiếm vài triệu bạc đã khó nói gì đến trăm triệu”.

Sau khi xác minh gia cảnh của anh Hoàng Văn Tuấn, tôi đã viết bài kêu gọi “Mong đôi chân khập khiễng lành lại để đỡ đần mẹ già”. Sau đó, trong vòng 1 tháng, hơn 120 triệu đồng của bạn đọc Báo Đại Đoàn Kết từ khắp mọi miền Tổ quốc đã gửi về ủng hộ anh Tuấn. Trong đó, tôi kêu gọi trên mạng xã hội và nhận được hỗ trợ cho anh Tuấn thông qua tài khoản của tôi hơn 16 triệu đồng.

Bản thân tôi lúc đó đang mang bầu 7 tháng, nhận được tiền ủng hộ anh Tuấn, tôi đã tức tốc trao tận tay cho anh để anh sớm phẫu thuật “cứu” lấy chân của mình. Những tưởng anh Tuấn sẽ bị liệt suốt đời nhưng số tiền bạn đọc Báo Đại Đoàn Kết hỗ trợ đã giúp anh Hoàng Văn Tuấn vượt qua số phận. Sau khi phẫu thuật chân, anh Tuấn đi lại dễ dàng hơn, giờ đây anh làm công cho một hộ kinh doanh trên địa bàn, anh đã tự nuôi sống bản thân và hỗ trợ mẹ già thêm phần nào.

Không chỉ anh Hoàng Văn Tuấn mà trong những năm qua, tôi đã viết bài kêu gọi cho nhiều người với số tiền hàng trăm triệu đồng, như hoàn cảnh bi đát trong bài viết “Bố ung thư, con trai duy nhất mắc bệnh nan y phải nằm một chỗ” ở thôn Minh Hương, xã Trung Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh); cháu Đoàn Trung Nguyên (Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh)…

Những năm làm báo, được đi nhiều, thấy nhiều, hiểu nhiều, tôi càng cảm nhận rõ hơn và thấu hiểu được nỗi đau của những mảnh đời bất hạnh. Những bài viết của tôi về hoàn cảnh của những người bị bệnh hiểm nghèo, về cái chết luôn rình rập cướp đi sinh mạng của những cháu bé bị bệnh tim, về sự trống trải, cô đơn của những đứa trẻ mồ côi, của những cụ già không nơi nương tựa… đã được bạn đọc chia sẻ. Chính những tấm lòng nhân ái của bạn đọc đã tạo động lực cho tôi tiếp tục đi và viết.

Hà Tĩnh là mảnh đất thường xuyên đối mặt với thiên tai bão, lũ. Là phóng viên theo dõi địa bàn, mỗi khi bão, lũ đến, chúng tôi phải “chiến đấu” như những chiến binh thời chiến. Dường như sống ở tâm bão, lũ đã tôi luyện cho chúng tôi trở thành cây bút gai góc nhưng cũng đong đầy nghĩa tình và khát khao vươn lên.

Không chỉ vậy, trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, là phóng viên thường xuyên viết thể loại điều tra, phản ánh, tôi phải chịu không ít áp lực. Những đề tài đụng chạm đến quan chức, doanh nghiệp trên địa bàn do tôi và đồng nghiệp “khui” ra đã có những phản hồi tốt.

Tuy nhiên, trước những áp lực vô hình và hữu hình, nhiều lúc chúng tôi phải cân não, phải gồng mình chống chịu, nhưng với sứ mệnh của người làm báo Mặt trận, chúng tôi không hề nao núng. Kiên quyết đấu tranh đến cùng với những sai trái.

Nhà báo Duy Hưng (thứ 2 từ phải sang) trao quà của bạn đọc tới học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Khi theo đuổi, phản ánh những vụ việc phóng viên phải mất rất nhiều công sức, từ đi thực tế, nghiên cứu tài liệu, văn bản pháp luật đến liên hệ, tiếp xúc, làm việc với các cơ quan liên quan. Không ít sự việc phải theo đuổi cả tháng, hàng năm.

Nhà báo Duy Hưng - thường trú Báo Đại Đoàn Kết vùng Nam Sông Hồng:

Niềm vui nói được tiếng dân

Trong nhiều chuyên mục trên Báo Đại Đoàn Kết - nơi tôi làm việc đã nhiều năm, tôi ấn tượng với mục “Tiếng dân”. Đó là chuyên mục báo dành để phản ánh những câu chuyện cụ thể, những vấn đề, những khúc mắc người dân đang gặp phải, với mong muốn để các cấp chính quyền, các cơ quan liên quan biết, kịp thời xem xét, giải quyết, thiết thực thể hiện trách nhiệm phản ánh tâm tư, nguyện vọng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các tầng lớp nhân dân của tờ báo Mặt trận.

Là phóng viên thường trú vùng nam sông Hồng, tôi đã nhiều lần tham gia viết bài cho chuyên mục này. Có làm mới biết, bên cạnh những mặt tích cực, đời sống của người dân ở địa bàn còn biết bao chuyện bức xúc, ngổn ngang: một cộng đồng dân cư phải sống cạnh một nhà máy gây ô nhiễm; ruộng nhà mình nhưng được chính quyền cấp sổ đỏ mang tên người khác; tham gia đấu giá đất, nộp tiền cả chục năm nhưng vẫn chưa được chính quyền giao đất; bị tai nạn lao động nhưng công ty “lờ” việc bồi thường; công nhân bị doanh nghiệp né trách nhiệm đóng bảo hiểm; rồi chuyện mòn mỏi đi đòi chế độ chính sách thời hậu chiến. Chỉ nghe qua đã thấy phức tạp!

Chính vì vậy, khi theo đuổi, phản ánh những việc như trên phóng viên phải mất rất nhiều công sức, từ đi thực tế, nghiên cứu tài liệu, văn bản pháp luật đến liên hệ, tiếp xúc, làm việc với các cơ quan liên quan. Không ít sự việc phải theo đuổi cả tháng, hàng năm hoặc nhiều năm và không phải khi nào cũng thuận lợi, dễ dàng, rất dễ bỏ cuộc nếu không đủ sự tâm huyết. Khó khăn, vất vả nhưng nếu đủ tâm huyết, sự kiên trì phóng viên và Tòa soạn thường nhận được thành quả. Đó là vấn đề, sự việc sau khi được báo thông tin, phản ánh được chính quyền, các cơ quan liên quan tiếp nhận, xử lý, giải quyết.

Đến giờ tôi vẫn nhớ cảm giác mình được thôi thúc đi tìm hiểu, phản ánh sự việc như thế nào khi lần đầu tìm đến căn nhà nhỏ nằm sâu trong một xã ở huyện Nam Trực (Nam Định). Ở đó có một gia đình trẻ nhưng người chồng bị cụt cả hai tay vì tai nạn lao động, ngồi thẫn thờ trên giường; người vợ bế con nhỏ ngồi kế bên sụt sùi kể về hành trình nghỉ việc đi đòi chế độ cho chồng. Chuyện là, trước đó khi cùng một số công nhân khác của một công ty sản xuất gạch nằm trong khu công nghiệp Hòa Xá (Nam Định) xử lý sự cố chiếc máy nghiền nặng 68 tấn bị lệch tải không quay được, anh H. (tên người chồng) bị trượt chân ngã, tai nạn khiến anh bị đa chấn thương, trong đó cả hai cánh tay đều bị cắt cụt, phải đi cấp cứu, điều trị dài ngày tại nhiều bệnh viện. Biên bản vụ việc cho biết nguyên nhân tai nạn không phải do lỗi của anh H. và Hội đồng Y khoa tỉnh Nam Định sau đó kết luận anh bị suy giảm tới 87% khả năng lao động.

Đáng nói là, sau khi tai nạn xảy ra công ty sử dụng lao động chỉ có hoạt động có tính thăm hỏi, hỗ trợ; “lờ” trách nhiệm bồi thường theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012. Mặc cho vợ chồng nạn nhân phải khổ sở kêu cầu. Khi tiếp nhận sự việc trên, tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu các quy định liên quan của pháp luật; tham vấn ý kiến từ đại diện Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương; làm việc với đại diện doanh nghiệp. Khi có đủ cơ sở, tôi đã phản ánh sự việc qua bài “Người lao động bị tai nạn cụt cả hai tay, công ty lờ chuyện bồi thường” trên mục “Tiếng dân” của Báo Đại Đoàn Kết. Niềm vui lớn nhất của phóng viên, của báo là sau đó nhận được phản hồi từ gia đình anh H., chỉ sau ít ngày sự việc được báo phản ánh, thay bằng việc bị né tránh trong một thời gian dài, gia đình anh được công ty mời đến, nhận giải quyết chế độ bồi thường theo đúng quy định của pháp luật.

Một câu chuyện khác: Theo lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước, năm 1978, bà T. (Nam Trực, Nam Định) khi đó mới ngoài 20 tuổi đã xung phong lên công tác tại miền biên giới phía Bắc, làm công nhân kiêm tự vệ Nông trường quốc doanh Sa Pa (Lao Cai). Khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, bà trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Khi yên tiếng súng, bà cùng đồng đội gắn bó với nhiệm vụ sản xuất ở nông trường miền biên viễn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đời sống thiếu thốn. Bám trụ được 12 năm thì sức khỏe của bà giảm sút, ốm yếu, nhiều lần phải đi điều trị, cuối cùng nông trường cho nghỉ việc về quê, diện không chế độ. Khi trở về quê, cuộc sống của bà T. càng khó khăn hơn khi sức khỏe ngày càng yếu, mắt lòa dần, lại không chồng, không con, mẹ thì già, thu nhập chỉ trông vào mấy sào ruộng.

Đáng nói là, khi tuổi đã cao, bà T. nhiều lần làm đơn đề nghị chính quyền địa phương làm thủ tục đề nghị giải quyết cho bà được hưởng các chế độ dành cho người đã có thời gian chiến đấu, công tác tại vùng biên giới, có chiến sự . Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà đơn từ đề nghị của bà không được giải quyết.

Trước hoàn cảnh của bà T., tìm hiểu, làm việc với lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chúng tôi được biết từ trước đó rất lâu, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 62/2011/QĐ-Ttg (ngày 9/11/2011), về chế độ chính sách đối với đối tượng tham gia bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc và bà T. thuộc đối tượng được hưởng các chế độ, chính sách quy định tại Quyết định này. Đó là cơ sở để sau đó tôi viết bài kể lại câu chuyện của bà T. trên mục “Tiếng dân”. Kết quả là, sau khi báo đăng tải, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan, chính quyền huyện Nam Trực xác minh, xem xét, cuối cùng kết luận bà T. thuộc diện được hưởng chế độ, lần lượt ra các quyết định giải quyết chế độ trợ cấp một lần (cho người chiến đấu, công tác ở vùng biên giới), trợ cấp bảo trợ hằng tháng (cho người tàn tật) cho bà.

Là phóng viên thường trú ở địa bàn, chúng tôi còn có niềm vui khi thường được tiếp nhận, chuyển tải tấm lòng của các cá nhân, tập thể tới những hoàn cảnh khó khăn. Còn nhớ khi thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, một kiều bào đã gửi về số tiền không nhỏ, nhờ phóng viên Báo Đại Đoàn Kết chuyển tới bà con. Khi ngồi chia các suất quà rồi trực tiếp trao tới tay những người cần trao chúng tôi không khỏi rưng rưng, cảm nhận được sự thiêng liêng hai tiếng “đồng bào”.

Bên cạnh niềm vui nhiều vấn đề, sự việc liên quan đến đời sống của người dân thông qua phản ánh của báo chí được các cơ quan có trách nhiệm giải quyết thì đó đây vẫn còn nhiều việc nổi cộm, bức xúc dù công luận đã nhiều lần lên tiếng nhưng vì những lý do khác nhau vẫn tồn tại, phát sinh. Đơn cử như các vấn đề doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; sản xuất gây ô nhiễm môi trường, “cát tặc” hoành hành; dạy thêm học thêm quá nhiều; trường học lạm thu… Nhà báo như chúng tôi hiểu rằng mình không thể đứng ngoài cuộc.

Phóng viên Thanh Nga trong một lần tác nghiệp.

Nghề báo thì phải yêu nghề, phải đam mê, bản lĩnh, tự tin, có kiến thức, có năng lực, có góc nhìn toàn diện, đa chiều. Làm báo cũng giúp mình được học hỏi, kiến thức được nâng cao, trưởng thành hơn, tư duy khác hơn, góc nhìn tích cực hơn và nhận thức tốt hơn về mọi mặt của đời sống.

Phóng viên Thanh Nga - thường trú Báo Đại Đoàn Kếttại Tây Nguyên:

Làm báo phải có sự đam mê

Tròn 20 tuổi, tôi từ Thanh Hóa vào Tây Nguyên lập nghiệp. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, rời quê hương với hai bàn tay trắng nhưng lại mang theo khát vọng, nhiệt huyết tràn đầy. Tháng 9/2004, tôi vào làm kỹ thuật viên Đài truyền thanh xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.

Đến năm 2008, tôi chuyển từ Đài truyền thanh xã về Đài truyền thanh truyền hình huyện Buôn Đôn. Điều nhớ nhất, vui nhất trong suốt 15 năm làm nghề tại huyện biên giới là phóng sự truyền hình “Cuộc sống bên dòng sông chết” nói về dòng sông Sêrêpôk bị tác động rất lớn bởi một số thuỷ điện đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống hàng nghìn hộ dân; được giải A Liên hoan truyền hình tỉnh Đắk Lắk năm 2016.

Mỗi lần miền Trung lũ lụt, thấu hiểu cuộc sống khó khăn của nhiều người dân tôi lại cùng một số đơn vị, phát động, kêu gọi thêm các tổ chức, đoàn thể góp sức, đi quyên góp cứu trợ.

Được xã hội, bạn bè đồng nghiệp ghi nhận tôi lại càng có động lực để tiếp tục đi vận động, quyên góp, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Nhiều khi đi công tác, thấy những hộ nghèo, những mảnh đời bất hạnh, tôi không sao ngủ được, chỉ nghĩ làm sao để giúp họ có được căn nhà mới để ở, hay giúp cho cháu bé bị bệnh tim bẩm sinh có thể sống tiếp. Mình làm thực lòng, làm từ tâm nên rất nhiều anh chị em ủng hộ. Ý nghĩa của cuộc sống đơn giản chỉ là sự tử tế, là tình yêu thương con người.

Duyên của tôi với đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc cũng bắt đầu từ các hoạt động xã hội, từ thiện. Đến đầu năm 2022, tôi về công tác tại Báo Đại Đoàn kết thường trú tại Đắk Lắk.

Đó là một bước ngoặc với tôi. Về đây, bao hoài bão, bao tâm huyết, bao ấp ủ trong nghề mình được thoải mái thể hiện bằng những tác phẩm báo chí, bằng việc kết nối các cơ quan, tổ chức đơn vị với nhau và với người dân, với những gia đình, hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.

Chỉ 1 năm về Báo Đại Đoàn Kết, tôi đã thực hiện trên 500 tin, bài tại vùng Tây Nguyên. Gần đây, trên báo Đại Đoàn Kết đã có nhiều thông tin thời sự bám địa bàn hơn, nhiều bài viết có tính định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận giữa chính quyền với người dân hơn. Trong mắt đồng nghiệp, tôi được nhìn nhận như một nữ phóng viên tuổi đôi mươi, say với nghề, vui vẻ, hòa đồng với đồng nghiệp và vẫn luôn giữ lửa trong các hoạt động đoàn thể, Mặt trận.

Một kỷ niệm đáng nhớ là nhân kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, năm 2022, tôi đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk vận động quyên góp được 100 triệu đồng để xây dựng một căn nhà “Đại Đoàn Kết” tặng cho một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã biên giới Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

Trải qua rất nhiều thời gian, nhiều đơn vị công tác, tôi vui và hạnh phúc vì từng bước trưởng thành, vững bước trong nghề.

Đã theo nghề báo thì phải yêu nghề, phải đam mê, bản lĩnh, tự tin, có kiến thức, có năng lực, có góc nhìn toàn diện, đa chiều. Làm báo cũng giúp mình được học hỏi, kiến thức được nâng cao, trưởng thành hơn, tư duy khác hơn, góc nhìn tích cực hơn và nhận thức tốt hơn về mọi mặt của đời sống.

Mong muốn của tôi bây giờ đơn giản là đóng góp, cống hiến cho sự phát triển của tờ Đại Đoàn Kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sứ mệnh người làm báo Mặt trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO