Xã hội

Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm

Hà An 03/02/2024 10:30

Trước, trong và sau Tết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Hà Nội phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm có mầm bệnh hoặc gia cầm thuộc diện có dịch bệnh cần phải quản lý.

anh-bai-tren(1).jpg
Hà Nội tăng cường kiểm tra các cơ sở giết mổ gia súc. Ảnh: Nam Anh.

Kiểm tra đột xuất

Nhằm kiểm soát an toàn thực phẩm, Sở NNPTNT Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số. Hiện, Sở đang duy trì, phát triển, tích hợp hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm thuộc địa bàn thành phố Hà Nội, trên hệ thống phần mềm ứng dụng nền tảng công nghệ GIS (ứng dụng quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản). Đặc biệt hoạt động lấy mẫu, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm được chú trọng. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm tươi sống, sản phẩm chế biến tiêu dùng hàng ngày của người dân tại các công đoạn có nguy cơ cao.

Theo thống kê, trong năm 2023, đơn vị đã lấy 2.405 mẫu giám sát. Trong đó 96,05% tổng số mẫu (tương ứng với 2.310 mẫu) được xác định là đảm bảo an toàn đối với các chỉ tiêu phân tích. Cùng với Chi cục Chế biến, chất lượng và Phát triển thị trường Hà Nội, các đơn vị của Sở NNPTNT cũng đã tiến hành lấy mẫu, kiểm tra, giám sát phục vụ công tác chuyên môn. Theo đó, trong tổng số 1.704 mẫu được lấy tại các cơ sở chuyên doanh, vùng sản xuất chuyên canh tập trung, cơ quan chức năng phát hiện 25 mẫu vi phạm. Các mẫu này đã được xử lý, truy xuất theo quy định.

Được biết, hiện nay, nhu cầu sử dụng thực phẩm có nguồn gốc động vật của người dân trên địa bàn TP Hà Nội khoảng từ 900 - 1.000 tấn/ngày, vào dịp Tết Nguyên đán dự báo có thể tăng lên 1.200 tấn/ngày. Thành phố có 726 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 13 cơ sở có dây chuyền giết mổ công nghiệp, 57 cơ sở giết mổ bán công nghiệp và 656 cơ sở giết mổ thủ công. Phần lớn các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp hoạt động chưa hết công suất, trong đó có cơ sở giết mổ công nghiệp đầu tư dây chuyền giết mổ hiện đại chỉ hoạt động 15 - 30% công suất thiết kế. Số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ còn nhiều; hoạt động giết mổ đa dạng, phương thức chủ yếu là thủ công… nên nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm là rất cao.

Trước thực trạng trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội chỉ đạo Trạm Chẩn đoán, xét nghiệm và Kiểm soát giết mổ động vật, Trạm Chăn nuôi và Thú y các quận, huyện, thị xã cử cán bộ trực 24/24 giờ tại chốt kiểm dịch động vật liên ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao, ngăn chặn động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc vận chuyển vào TP Hà Nội. Các địa phương tạo điều kiện để doanh nghiệp, trang trại, gia trại xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm cung cấp nguồn thực phẩm sạch ra thị trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y, giới thiệu các dây chuyền công nghệ giết mổ hiện đại, mô hình giết mổ điển hình; tăng cường công tác kiểm tra ở cơ sở giết mổ, yêu cầu chủ cơ sở ký cam kết không giết mổ động vật không rõ nguồn gốc, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu phát hiện vi phạm.

Cùng với những hoạt động giám sát định kỳ, việc kiểm tra đột xuất nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết cũng như trong mùa lễ hội rất được TP Hà Nội chú trọng. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm TP Hà Nội, trong dịp Tết năm nay, toàn thành phố đã thành lập 671 đoàn kiểm tra, trong đó, tuyến thành phố có 14 đoàn (gồm 4 đoàn liên ngành thành phố và 10 đoàn của các sở, ngành); 78 đoàn tuyến quận, huyện, thị xã và 579 đoàn tuyến xã, phường, thị trấn.

Sau 1,5 tháng ra quân (từ ngày 15/12/2023 cho đến nay), các đoàn đã kiểm tra được 5.725 cơ sở, qua đó phát hiện 899 cơ sở vi phạm và xử phạt 843 cơ sở với tổng số tiền phạt là hơn 4,75 tỉ đồng; đồng thời nhắc nhở và cảnh cáo 56 cơ sở.

Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số

Qua việc triển khai đợt cao điểm Tết, đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, số sản phẩm bị thu giữ và tiêu hủy chủ yếu là thực phẩm đông lạnh, xuất xứ từ nước ngoài, không có giấy kiểm dịch và không được cấp phép nhập khẩu.

Đối với mặt hàng thực phẩm đông lạnh, thực phẩm bao gói sẵn, phương thức thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, qua kiểm tra có những trường hợp thực phẩm đã “hết date” nhưng chủ cơ sở không tiêu hủy. Thậm chí, không loại trừ khả năng có hiện tượng sản phẩm được tẩy date. Để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2024, thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra đột xuất thị trường cung ứng các mặt hàng thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm...

Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, bên cạnh đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong bảo đảm an toàn thực phẩm, nhóm giải pháp về thanh, kiểm tra, giám sát vẫn sẽ được chú trọng, nhằm tạo sức răn đe đối với các cơ sở sản xuất - kinh doanh vi phạm quy định pháp luật.

Để hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm dịp Tết, người dân cần tránh mua các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có tem nhãn thông tin nhà phân phối, nhất là bánh kẹo nhập khẩu. Nên tìm mua sản phẩm từ những thương hiệu uy tín từ cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại để được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO