Đó là khẳng định của nhiều đại biểu tại hội nghị phản biện xã hội đối với tờ trình và dự thảo Nghị quyết của HĐND TP về “Quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2017 - 2018” do UB MTTQ TP Hà Nội tổ chức ngày 14/6.
Quang cảnh hội nghị.
Học phí không nên áp đặt
Theo báo cáo của Ban tổ chức, trong năm học 2016 – 2017, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập thực hiện thu học phí theo quy định với tổng thu 475,130 tỷ đồng, chiếm 5,6% tổng số chi. Trong đó, kinh phí Nhà nước cấp khoảng 8.521,625 tỷ đồng.
Như vậy, nguồn thu học phí đã hỗ trợ một phần cùng với ngân sách Nhà nước đáp ứng nhu cầu chi phục vụ dạy và học tại các cơ sở giáo dục công lập. Cũng theo tờ trình, mức thu học phí sẽ được điều chỉnh tăng trong năm học 2017 – 2018. Cụ thể, khu vực thành thị tăng 30.000 đồng/tháng (tăng 35,7%). Khu vực nông thôn tăng 15.000 đồng/tháng (tăng 35,5%). Khu vực miền núi tăng 4.000 đồng/tháng (tăng 40%).
Bày tỏ quan điểm cá nhân, PGS. TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội cho rằng, cần thiết phải trả lại đúng vị trí cho giáo dục. Đầu tư cho giáo dục phải được ưu tiên nhất vì nó liên quan đến phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực.
Qua đi khảo sát và nắm tình hình thực tiễn tại một số cơ sở cho thấy giáo dục cấp mầm non đang còn khoảng trống. Cấp giáo dục thấp nhất này cần phải được đầu tư nhiều hơn vì khi đó con trẻ đã bắt đầu nhận thức về cuộc sống, dần hình thành tính cách. Hàng ngày, các cô giáo mầm non không những phải chăm, nuôi mà còn phải dạy các cháu rất nhiều điều. Thực tế, các cô phải quay cuồng với cả núi công việc nhưng đồng lương được nhận hàng tháng lại không thỏa đáng.
PGS. TS Bùi Thị An bày tỏ quan điểm.
Ở khía cạnh khác, GS. TSKH Nguyễn Xuân Hãn (ĐH QGHN) bộc bạch, chúng ta sắp triển khai chương trình đổi mới sách giáo khoa mới song người dân rất băn khoăn vì điều kiện cơ sở, vật chất trường học còn quá eo hẹp. Tại quận Thanh Xuân, trung bình mỗi lớp học có tầm 50 HS nhưng sân chơi lại rất nhỏ bé. Đây mới là TP còn ở vùng sâu, vùng xa không biết khó khăn còn nhiều đến thế nào nữa.
Vừa rồi, quận Thanh Xuân có 42 cơ sở sản xuất di chuyển đi nơi khác nhưng diện tích đó lại không được dùng để xây dựng, mở rộng trường học hay các hoạt động an sinh xã hội mà để xây dựng chung cư. Việc làm này, cần phải nghiêm khắc xem xét lại.
“Chúng ta hướng đến nền giáo dục của dân, do dân và vì dân. Với những nước chọn con đường XHCN, nếu hiểu theo triết lý này thì đương nhiên phải tổ chức nền giáo dục và y tế miễn phí. Điều này không có nghĩa là dân không sẵn sàng đóng góp với Nhà nước để cùng lo cho con em mình, để con em mình trở thành những con người hữu ích. Nhưng dù nói thế nào đi chăng nữa, học phí cũng không nên áp đặt”, ông Hãn nói.
Theo Nhà giáo Ưu tú. TS Nguyễn Tùng Lâm, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, đóng học phí là thể hiện trách nhiệm của người dân với sự nghiệp giáo dục. Học phí thấp chỉ tạo điều kiện thuận lợi nhưng chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân với sự nghiệp giáo dục.Họ không mong muốn con em họ phải đóng mức học phí thấp mà mong muốn con em họ phải được hưởng một nền giáo dục chất lượng, tương xứng với sự đầu tư chứ không mong muốn học phí thấp nhưng phải đóng thêm một loạt các khoản phụ phí khác như hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Minh, Chủ tịch Hội khuyến học TP Hà Nội góp ý.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Minh, Chủ tịch Hội khuyến học TP Hà Nội, về lý thuyết, tăng học phí không có nghĩa là chất lượng dạy và học tăng lên. Việc tăng học phí sẽ hỗ trợ cùng ngân sách Nhà nước nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường. Việc 60% mức học phí dành để hỗ trợ việc dạy và học, 40% dùng để cải cách chế độ tiền lương của giáo viên là không hợp lý. Tỷ lệ này cần được nghiên cứu lại để tiến hành phân bổ trong năm học 2017 – 2018 cho hợp lý hơn, trong đó cần ưu tiên chi thực hiện cải cách tiền lương.
“Điều chỉnh tăng học phí nhưng không được lạm thu, vì đây là mối lo của các phụ huynh có con em đang theo học tại các trường. Tăng học phí đồng nghĩa với việc các khoản thu ngoài học phí, các khoản thu tự nguyện, các loại quỹ và trình trạng dạy thêm, học thêm của các trường phải kiểm soát được”, bà Minh chia sẻ.
Điều chỉnh tăng học phí là cần thiết
Trước những câu hỏi đặt ra của nhiều đại biểu, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, mức thu học phí của Hà Nội hiện nay ở mức thấp trong khung học phí theo quy định của Chính phủ. Ngoài việc các đơn vị phải sử dụng 40% tổng thu học phí để chi thực hiện việc cải cách tiền lương thì số kinh phí còn lại được chi hỗ trợ việc dạy và học rất hạn hẹp.
So với một số tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và Đồng bằng Sông Hồng, mức thu học phí của Hà Nội ở mức thấp nên chưa huy động được nguồn lực từ sự đóng góp của người dân trong giáo dục. Đối với việc đầu tư cho giáo dục mầm non, trong 10 năm qua giáo dục mầm mon đã có sự thay đổi cơ bản về chất. Nhưng mặc dù sự đầu tư đó lớn như thế nhưng giáo dục hệ mầm non vẫn đi sau các cấp giáo dục khác. Sắp tới, TP sẽ quan tâm đến việc này hơn.
Phó Chủ tịch UB MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Đình Đức phát biểu tại hội nghị.
Ông Lê Ngọc Quang nhấn mạnh, việc tăng thu học phí của Hà Nội được đưa ra trong Nghị quyết 03 về điều chỉnh mức tăng học phí có đưa ra lộ trình 4 năm tới tăng thêm 120.000 đồng/tháng. Việc này, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã tính toán kỹ theo từng năm dựa trên bảng biểu thống kê mức thu nhập của người dân Hà Nội do Tổng Cục Thống kê cung cấp.
Trong năm 2016 – 2017, mức đóng học phí các cấp cũng có sự điều chỉnh tăng nhưng việc tăng này mới chỉ được thực hiện trong một năm thì chưa thể đo thêm để có thể thấy ngay được hiệu quả. Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Hà Nội, việc tăng mức đóng học phí này sẽ có tác động tốt. Vì như vậy, các bậc phụ huynh sẽ ít phải đóng thêm các khoản phụ phí ngoài luồng khác.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UB MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Đình Đức tiếp thu những ý kiến góp ý thẳng thắn, xác đáng của các đại biểu, các chuyên gia, các nhà khoa học. Những ý kiến đóng góp đó sẽ được MTTQ TP tổng hợp để trình lên HĐND TP kỳ họp tới.