Như vậy, cuối cùng Hội đồng Tiền lương Quốc gia cũng đã chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng ngay từ đầu tháng 7 này với mức tăng 6%. Thực tế, cả người lao động và Tổng LĐLĐ Việt Nam đều mong muốn tăng lương cao hơn nữa, nhưng doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, dịch bệnh còn phức tạp nên mức tăng này thể hiện sự chia sẻ của người lao động, tổ chức đại diện người lao động với doanh nghiệp.
Sau không ít “giằng co”, cuối cùng Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng ngay từ đầu tháng 7 này, thay vì tới tháng 1/2023. Theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia thì trên cơ sở đàm phán dân chủ, quyết liệt, Hội đồng đã đưa ra được quyết định là mức lương tối thiểu vùng năm 2022 được tính từ ngày 1/7/2022 đến hết ngày 31/12/2023 là 6%.
Ông Hiểu cũng tâm tình, với tư cách đại diện người lao động (NLĐ), Tổng LĐLĐ Việt Nam mong muốn tăng lương cao hơn nữa, nhưng doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, dịch bệnh còn phức tạp nên mức này là sự chia sẻ của NLĐ, tổ chức đại diện NLĐ với doanh nghiệp.
“Chúng ta cùng nắm tay nhau vượt qua khó khăn, thực hiện tốt chương trình phục hồi phát triển kinh tế của Chính phủ” - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nói.
Được biết, khác với ý kiến của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được cho là đại diện cho người sử dụng lao động, trước đó VCCI từng có ý kiến đề nghị chỉ tăng lương tối thiểu vùng cho NLĐ từ tháng 1/2023.
Dù còn “vênh nhau”, nhưng rõ ràng là việc sớm tăng lương tối thiểu vùng là hợp lý hơn, vì rằng đến thời điểm 1/7/2022 đã trễ tới 18 tháng NLĐ không được tăng lương. Cùng đó cơn “bão giá” đã và đang quét qua mâm cơm của từng gia đình, khiến giá trị thực tế thu nhập họ có được hụt giảm. Nhiều ý kiến cho rằng tăng lương từ 1/7 cũng đã là muộn, lẽ ra phải tăng từ đầu năm và phải tăng ở mức 9% chứ không phải là 6% mới thỏa đáng. Được biết, lần này Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất 2 phương án tăng lương tối thiểu từ 1/7; trong đó phương án 1 lần lượt các mức tăng là 8,16% và 7,25%. Tuy nhiên, với mức tăng 6% thì cũng coi là sự chia sẻ cần thiết giữa NLĐ và chủ doanh nghiệp trước tình hình khó khăn chung kéo dài hơn 2 năm đại dịch và nay vẫn còn tiếp tục.
Nhiều tháng qua, câu chuyện tăng hay không tăng lương tối thiểu, bao giờ tăng và mức tăng bao nhiêu có thể nói là “thao thức” của NLĐ. Thực tế thì phần lớn NLĐ cũng đã đuối sức do đại dịch kéo dài, nay lại phải đối mặt với “bão giá”. Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp, “các ông chủ” cũng gặp rất nhiều khó khăn, sản xuất kinh doanh ngưng trệ do dịch đã đành, nay cũng chỉ là giai đoạn hồi phục, chặng đường phía trước còn rất dài, còn cần rất nhiều tiền. Tăng lương cho NLĐ cũng có nghĩa là họ phải tăng chi phí, trong khi túi tiền của các “ông chủ” cũng đã không còn rủng rỉnh.
Chia sẻ - đó là thái độ của cả hai bên: NLĐ và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, cũng cần nói rằng nếu “ông chủ” khó một thì NLĐ khó mười. Nhiều công nhân khu công nghiệp làm việc lâu năm cho biết, tất cả các khoản thu nhập của hai vợ chồng “đầu tắt mặt tối” mỗi tháng cũng không được tới 20 triệu đồng. Họ có 2 con nhỏ, số tiền kiếm được cũng chỉ giúp họ sống ở mức tối thiểu. Mới đây, mạng xã hội cũng bàn tán nhiều về một bài viết cho rằng với thu nhập 15 triệu đồng/tháng thì “chỉ đủ tồn tại ở Hà Nội”. Bài viết tính toán khá chi li các khoản phải chi hàng ngày, hàng tháng rồi đi đến kết luận hai vợ chồng nuôi con nhỏ thì 15 triệu đồng là “rất khó sống” ở đất Thủ đô. Bài viết đã nhận được sự chia sẻ của rất nhiều người.
Còn kênh “chính thống” hơn, theo kết quả khảo sát do Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện trong tháng 3/2022, có 1.533 NLĐ trả lời phiếu tại 6 tỉnh, thành phố cho thấy mức lương NLĐ nhận được không đủ trang trải nhu cầu sống tối thiểu của họ và gia đình: Có 46,2% NLĐ cho hay, họ phải làm thêm giờ để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Cùng đó, 56,1% NLĐ cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 21% cho hay, họ phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ mới đủ; và 13,2% nói rằng thu nhập hiện nay không đủ sống. Đáng chú ý, 11,2% NLĐ cho biết thường xuyên (hàng tháng) phải đi vay tiền để ổn định cuộc sống; 35,6% NLĐ thỉnh thoảng (từ 3-4 tháng/lần) phải đi vay; 35,6% NLĐ phải vay tiền từ 1-2 lần/năm và chỉ có 17,7% NLĐ chưa phải vay tiền để chi tiêu cho cuộc sống. Như vậy, đại đa số NLĐ đều phải vay mượn để trang trải cuộc sống.
Chính vì thế, việc tăng lương tối thiểu lần này dù chưa thể giúp NLĐ khỏi nợ nần nhưng chí ít thì có lẽ bữa ăn cuối tuần của gia đình họ sẽ “tươi” hơn.