Đây là đề xuất được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra tại phiên họp đầu tiên trong năm 2022 của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Lý do, theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, người lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh và bão giá, việc tăng lương có lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Người lao động cần được tăng lương
Theo đại diện của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐ), có nhiều lý do cần tăng lương cho người lao động (NLĐ) từ 1/7/2022. Thứ nhất, theo Nghị quyết Số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (DN), từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Các DN được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thoả thuận giữa người sử dụng lao động với NLĐ và đại diện tập thể NLĐ; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của DN.
Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình người hưởng lương, đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động và phát triển kinh tế - xã hội (cung - cầu lao động, tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, năng suất lao động, việc làm, thất nghiệp, khả năng chi trả của DN...). Tuy nhiên do đại dịch Covid -19, NLĐ chia sẻ với khó khăn của DN nên năm 2021, lương tối thiểu vùng không được điều chỉnh.
“Hiện dịch bệnh đang dần được khống chế hiệu quả và nhiều khả năng nền kinh tế phục hồi trong năm 2022, do đó cần xem xét để tăng lương tối thiểu vùng ngay từ ngày 1/7 tới đây, mức tăng bao nhiêu sẽ cần thảo luận thêm” – đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất.
Tuy nhiên tại phiên họp, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại đề nghị tăng lương từ ngày 1/1/2023 thay vì từ 1/7/2022 như đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Theo Bộ LĐTB&XH, để có thể đánh giá được về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng, có tăng hay không và tăng ở mức bao nhiêu, cần thêm các dữ liệu nghiên cứu cụ thể. Bởi vậy, ngày 1/4 tới đây, Bộ sẽ tiến hành khảo sát 2.000 DN thuộc nhiều nhóm ngành nghề sản xuất, kinh doanh, như: Nông, lâm, ngư nghiệp; công nghiệp, xây dựng; thương mại, dịch vụ, với quy mô lao động từ dưới 100 đến trên 300 lao động để từ đó đưa ra các phương án đảm bảo hài hòa lợi ích cho cả DN và NLĐ.
Hỗ trợ 3 tháng thuê trọ cho người lao động
Để hỗ trợ NLĐ vượt qua khó khăn do đại dịch, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 08/2022 quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ. Theo đó, NLĐ thuộc diện thụ hưởng thuộc nhóm có hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội đang làm việc trong DN và NLĐ quay lại thị trường lao động, làm việc khu công nghiệp, chế xuất, khu kinh tế, 24 tỉnh thành thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Cà Mau, An Giang và Kiên Giang.
Cụ thể, NLĐ đang làm việc trong DN được hỗ trợ hàng tháng 500.000 đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng. Điều kiện hỗ trợ là ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 đến ngày 30/6/2022; có hợp đồng lao động được giao kết và thực hiện trước ngày 1/1/2022. Với NLĐ quay trở lại thị trường lao động, mức hỗ trợ hàng tháng 1.000.000 đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng.
Về thủ tục hỗ trợ, NLĐ làm đơn đề nghị, DN lập danh sách NLĐ đề nghị hỗ trợ theo từng tháng và có thể đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận gộp 2 hoặc 3 tháng. Sau khi bảo hiểm xã hội xác nhận, sồ sơ được gửi đến UBND cấp huyện thẩm định, cấp tỉnh phê duyệt.
Thời gian cấp huyện tiếp nhận hồ sơ của DN chậm nhất đến hết ngày 15/8/2022. Quy tình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của NLĐ kéo dài tối thiểu trong 11 ngày, sau đó tiền sẽ được chi trả cho NLĐ. Nguyên tắc hỗ trợ là bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; không hỗ trợ đối với NLĐ không đề nghị được hỗ trợ.
Trường hợp NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động cho nhiều người sử dụng lao động thì được hỗ trợ tại nơi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng hỗ trợ 1 lần trong 1 tháng và không quá 3 tháng.