Bắt đầu từ hôm nay, 1/7, áp dụng tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động. Dù rằng mức tăng không cao nhưng cũng được đón nhận tích cực khi mà giá cả nhiều mặt hàng đang leo thang, khiến thu nhập thực tế của người lao động giảm.
Ngày 12/6/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 38 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2022. Về mức lương tối thiểu tháng, Nghị định quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng. Trong đó, Vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng; Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng; Vùng III tăng 210.000 đồng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng; Vùng IV tăng 180.000 đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.
Như vậy, mức lương tối thiểu tăng bình quân 6% (tươngg ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành.
Nghị định cũng quy định mức lương tối thiểu giờ, theo 4 vùng: Vùng I là 22.500 đồng/giờ; Vùng II là 20.000 đồng/giờ; Vùng III là 17.500 đồng/giờ; Vùng IV là 15.600 đồng/giờ.
Mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.
Đây là một quyết định đúng thời điểm trong bối cảnh vật giá leo thang, diễn biến vẫn còn phức tạp và được dự đoán có thể còn kéo dài. Nguy cơ lạm phát cũng đã được một số chuyên gia cảnh báo, xuất phát từ tình hình phức tạp của kinh tế thế giới. Ngay cả những nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Đức, Anh, Pháp... thì lạm phát cũng đã tăng cao. Đây cũng chính là những thị trường lớn đối với xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, vì thế tác động ảnh hưởng là không tránh khỏi.
Mới đây, theo báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2021 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam trong năm 2021 (theo giá hiện hành) đạt 4,2 triệu đồng và giảm 1% so với năm 2020 (tương đương giá trị 42.000 nghìn đồng/tháng). Trong đó, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực thành thị đạt gần 5,4 triệu đồng và cao gấp gần 1,5 lần khu vực nông thôn xấp xỉ 3,5 triệu đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trước năm 2019 thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, tuy nhiên do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thu nhập đã có xu hướng giảm dần; tốc độ giảm thu nhập ở khu vực thành thị nhiều hơn so với khu vực nông thôn. Cụ thể, thu nhập bình quân một người/tháng ở khu vực thành thị giảm 3,6% so với năm 2020, trong khi thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn không thay đổi đáng kể.
Theo vùng miền, thu nhập bình quân khu vực Đông Nam bộ là cao nhất đạt gần 5,6 triệu đồng/người/tháng và thấp nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc với 2,8 triệu đồng/người/tháng.
Nhìn vào con số thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, thu nhập của người dân nói chung, người lao động nói riêng còn rất thấp khi đối chiếu với giá cả hiện nay. Trong khi đó, vẫn theo Tổng cục Thống kê, trên thực tế, nhóm hộ giàu nhất chiếm 20% có thu nhập bình quân 9,2 triệu đồng/tháng và cao gấp 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất).
Đây là vấn đề tồn tại dai dẳng cho dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để kéo giảm mức chênh lệch giàu - nghèo. Vì thế, bên cạnh việc tăng lương tối thiểu theo vùng cho người lao động, thì trong bối cảnh hiện nay người lao động nghèo rất cần có thêm những gói hỗ trợ trực tiếp, để vượt qua khó khăn trước mắt.
Cũng vì thế mà thật khó chấp nhận khi Chính phủ đã có gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng cho công nhân thuê nhà trọ trong 3 tháng, nhưng doanh nghiệp, địa phương lại tiến hành rất chậm. Đã mấy tháng trôi qua, nhưng sự hỗ trợ ấy vẫn chưa đến tay đa số người lao động trong diện được hưởng.